Lô tên lửa chống tăng Javelin được Mỹ chuyển tới Ukraine hồi tháng 2/2022. Ảnh: AFP
Cam kết được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi các nước phương Tây hành động mạnh hơn trong cung cấp vũ khí cho Ukraine. Sáu tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã rút phần lớn lực lượng khỏi khu vực Kiev. Nhưng giới chức Nga và phương Tây cho rằng Nga đang tập bố trí lực lượng, tái vũ trang ở Donbass nhằm đẩy nhanh đà tiến ở khu vực này.
Đây là lý do khiến Kiev lên tiếng yêu cầu NATO cung cấp thêm vũ khí hạng nặng, thiết giáp, hệ thống thiết bị hiện đại. Ông Kuleba cho biết sẽ nhân cơ hội NATO nhóm họp tại Brussels từ ngày 6-7/4 để đưa ra để nghị nhận trợ giúp Ukraine máy bay, tên lửa, xe thiết giáp, hệ thống phòng không hạng nặng. Vũ khí, vũ khí và vũ khí, đó là cách thức tốt nhất để trợ giúp Ukraine trước Nga – ông Kuleba phát biểu ngay trước phiên họp quan chức cấp cao các nước NATO.
Sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết các nước thành viên NATO ủng hộ việc tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine. “Các nước ủng hộ việc cung cấp các thiết bị mới hơn và hạng nặng hơn cho Ukraine, để có thể giúp nước này đối phó trước đe dọa mới từ Nga. Chúng tôi cũng đồng ý hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine chuyển đổi sử dụng thiết bị từ thời Liên Xô sang thiết bị đạt chuẩn NATO, trên nền tảng song phương”, bà Truss nói.
Các nước NATO từng viện trợ Ukraine tên lửa chống tăng, thiết bị bay không người lái, đạn dược và một số vũ khí phòng thủ trước và sau khi nổ ra chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, NATO từ chối cung cấp các chủng loại vũ khí khác, bác yêu cầu của Kiev về lập vùng cấm bay do lo ngại đụng độ trực tiếp với Nga.
Về phần mình, Moskva luôn phản đối việc NATO cấp vũ khí cho Ukraine. "Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ rằng bơm vũ khí cho Ukraine từ một số nước vừa là động thái nguy hiểm, vừa biến những đoàn xe này thành mục tiêu chính đáng" - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu quan điểm hồi trung tuần tháng 3.
Mới nhất, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7/4 nói rằng việc phương Tây cấp vũ khí cho Ukraine gây hại tới triển vọng chấm dứt chiến tranh, bởi đó không phải là cách thức đóng góp vào thành công của đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.