Nga-Ấn Độ bắt tay nhau trong chiến sự Ukraine

02/07/2022 08:42

Trước những diễn biến lớn trong nước và khu vực, Ấn Độ và Nga đang tăng cường hợp tác song phương đôi bên cùng có lợi, giới quan sát nhận định.

Năm nay, Ấn Độ và Nga kỷ niệm 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích, trừng phạt. Đôi năm trước đó, quan hệ Ấn Độ-Nga đi xuống, một phần vì Nga tăng cường quan hệ với hai đối thủ lớn và sát sườn của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan, trong khi Trung Quốc gây hấn ở vùng biên giới với Ấn Độ.

Máy bay tiêm kích SU-30K Flanker hạ cánh xuống sân bay Gwalior, Ấn Độ. Ảnh: Fighterjetsworld

Cụ thể, Ấn Độ và Nga đã bổ sung và coi trọng thành tố kinh tế trong mối quan hệ đối tác chiến lược, nâng lên thành sáu thành tố chính, gồm kinh tế, chính trị, quốc phòng, năng lượng hạt nhân dân sự, hợp tác chống khủng bố và không gian vũ trụ. Ấn Độ-Nga đặt mục tiêu tăng thương mại song phương lên 30 tỷ USD và đầu tư song phương lên 50 tỷ USD vào năm 2025. Hai bên sẽ thúc đẩy đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa Ấn Độ và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Ngoài các lĩnh vực hợp tác kinh tế truyền thống như vũ khí, dầu khí, kim cương…, Ấn Độ và Nga sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ cao (robotics, nanotech, biotech, AI).

Ấn Độ và Nga sẽ duy trì cơ chế đối thoại được thể chế hóa ở cấp cao nhất. Cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra hằng năm, dự kiến cuối năm nay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ sang Nga hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đồng thời duy trì đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 (ngoại giao + quốc phòng), và cuộc gặp thường niên của hai ủy ban liên chính phủ, gồm Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ-Nga về Hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ và văn hóa và Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ-Nga về Hợp tác quân sự-kỹ thuật.

Phía Ấn Độ yêu cầu Nga kịp thời cung cấp đầy đủ phụ tùng và hỗ trợ bảo dưỡng vũ khí, khí tài Nga mà quân đội Ấn Độ đang và sẽ sử dụng. Đồng thời, tăng cường cùng nghiên cứu và phát triển, sản xuất vũ khí, khí tài, công nghệ quốc phòng hiện đại (thay vì chỉ đơn thuần là mua-bán). Tiến tới Ấn Độ trở thành cơ sở sản xuất vũ khí có nguồn gốc Nga để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Trong khi đó, Ấn Độ tăng đầu tư vào vùng Viễn Đông của Nga (nơi giàu tài nguyên thiên nhiên) và Bắc Cực (vừa có dầu khí, vừa có Tuyến đường biển phía Bắc). Ấn Độ muốn Nga hoàn thành phiên bản mở rộng của Hành lang Giao thông Bắc Nam để vận chuyển các nguồn lực ở Bắc Cực về Ấn Độ. Hành lang này có ý nghĩa rất lớn với Ấn Độ vì nó cung cấp một giải pháp thay thế cho Vành đai-Con đường của Trung Quốc, các nhà phân tích đánh giá.

Kết quả cụ thể

Ấn Độ nhập khẩu dầu thô Nga tăng hơn 50 lần kể từ tháng 4 và giờ chiếm 10% tổng lượng nhập khẩu dầu thô từ các nước. Trước khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, tỷ lệ này chỉ là 0,2%. Hiện nay, Ấn Độ đang đàm phán với Nga để Nga nhập thêm sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ cũng như để Ấn Độ tăng cường xuất sang Nga dược phẩm, nhựa, hóa chất, đồ nội thất, hàng dệt may, giày dép, máy móc, đồ điện tử, trà, sữa, cà phê, thịt bò, hải sản…

Hai bên đang cụ thể hóa đề xuất thành lập hệ thống thanh toán bằng đồng nội tệ (rupee và rúp). Đồng thời sẽ ký thêm các hợp đồng cung ứng dài hạn trong các lĩnh vực trọng yếu như dầu khí, khai khoáng (đất hiếm, đồng…), luyện kim… Các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn lớn của Ấn Độ và Nga như Essar, Rosneft, Gazprom, Alrosa… sẽ đóng vai trò nhà cung ứng dài hạn.

Nga đã thay đổi luật để cho phép các công ty Nga thành lập liên doanh nghiên cứu, sản xuất vũ khí, khí tài ở Ấn Độ. Hai bên đã duy trì được cuộc tập trận hải quân chung Indra 2 năm một lần với các hạng mục chính là bắn đạn thật, phòng không và chống tàu ngầm (hạng mục phụ là chống cướp biển, chống khủng bố và chống buôn lậu ma túy). Đồng thời tiếp tục thực hiện các chương trình quân sự chung, gồm tên lửa hành trình BrahMos, máy bay chiến đấu thế hệ năm, máy bay tiêm kích Su-30MKI, máy bay vận tải chiến thuật Ilyushin/HAL, máy bay trực thăng KA-226T… Trong khi đó, Nga tiếp tục trợ giúp Hải quân Ấn Độ về các chương trình tàu ngầm (cả truyền thống và hạt nhân).

Theo giới quan sát, Ấn Độ có công nghệ hạt nhân tân tiến nhưng không phổ biến vũ khí hạt nhân nên Nga yên tâm hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân. Không chỉ Ấn Độ, Nga hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ mà còn ở Bangladesh.

Bạn đang đọc bài viết "Nga-Ấn Độ bắt tay nhau trong chiến sự Ukraine" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).