Nga, OPEC+ đồng loạt rắn với phương Tây về năng lượng

18/10/2022 16:09

Thị trường năng lượng thế giới chuẩn bị có biến động lớn khi hai nguồn cung lớn từ Nga và OPEC+ có thể sẽ giảm sản lượng xuất khẩu.

Thị trường năng lượng phương Tây tuần này tiếp tục đón những diễn biến tiêu cực khi ngày 16-10, Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom cảnh báo sẽ cắt hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu nếu châu lục này áp giá trần lên mặt hàng này. Tuyên bố được Gazprom đưa ra trước đợt cắt giảm quy mô lớn từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) mà Nga là một thành viên.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp OPEC+ tại Vienna (Áo) ngày 5-10 đi đến quyết định sẽ giảm sản lượng từ tháng 11. Ảnh: GETTY IMAGES

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp OPEC+ tại Vienna (Áo) ngày 5-10 đi đến quyết định sẽ giảm sản lượng từ tháng 11. Ảnh: GETTY IMAGES

Nga có thể ngừng cung ứng khí đốt cho châu Âu

Trả lời phỏng vấn của kênh Russia 1, Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller cảnh báo rằng mọi kế hoạch áp giá trần đối với năng lượng xuất khẩu của Nga sang châu Âu sẽ khiến nguồn cung bị gián đoạn. Theo ông Miller, “một quyết định đơn phương như vậy rõ ràng là vi phạm các hợp đồng hiện hành, điều này sẽ dẫn đến việc chúng tôi ngừng nguồn cung”. Tuần trước, ông Miller từng đưa ra cảnh báo tương tự, rằng Gazprom sẽ không cung cấp năng lượng cho bất kỳ bên nào tham gia kế hoạch áp giá trần của châu Âu. Ông Miller còn nhận định dù châu Âu có nỗ lực tích trữ khí đốt cho mùa đông năm nay thì vẫn sẽ còn hàng trăm triệu người dân không có khí đốt để sưởi ấm.

Trong thời gian tiêu thụ đạt đỉnh, châu Âu được dự báo thiếu 800 triệu m3 khí đốt mỗi ngày, tương đương khoảng 1/3 tổng nhu cầu. Dữ liệu từ Cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) cho thấy hệ thống lưu trữ khí đốt của châu Âu ngầm hiện đạt khoảng 91% công suất. Trong kịch bản xấu nhất, tỉ lệ này sẽ chỉ còn 5% vào tháng 3 năm sau.

“Khả năng cao là châu Âu sẽ vượt qua mùa đông năm nay nhưng điều gì sẽ xảy ra khi họ cần bơm khí đốt vào cơ sở lưu trữ trước mùa đông năm 2023 và 2024. Rõ ràng cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không kết thúc một sớm một chiều” - ông Miller cảnh báo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Trong phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Tuần năng lượng Nga lần thứ năm (REW 2022) ngày 12-10, ông Putin nhấn mạnh sản lượng khai thác của Nga đủ cung cấp cho toàn bộ châu Âu và sẵn sàng tăng lượng xuất khẩu sang thị trường này nếu cần. Tuy nhiên, Nga sẽ từ chối cung cấp năng lượng cho nước nào tham gia kế hoạch áp giá trần nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, theo hãng tin Reuters. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cũng cảnh báo rằng kế hoạch áp giá trần với năng lượng Nga sẽ thất bại và mức giá trần có thể trở thành giá sàn.

Hiện các nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang tích cực thảo luận các phương án áp giá trần năng lượng Nga. Dự kiến bộ trưởng năng lượng các nước EU sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận cụ thể các chủ trương trên trước khi những vấn đề này chính thức được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra vào ngày 20 và 21-10 tới.

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn một số nguồn tin nội bộ cho biết Trung Quốc được cho là đã yêu cầu các công ty năng lượng trong nước ngừng bán khí đốt cho nước ngoài, bao gồm châu Âu, để đảm bảo nguồn dự trữ trong nước cho cuối năm.

OPEC+ đồng lòng trước ý định giảm sản lượng dầu

Dù bị chỉ trích kịch liệt từ phía Mỹ và đồng minh sau khi công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày vào tháng 11 tới (so với mức tháng 8), các nước OPEC+ đã cùng thể hiện sự đồng lòng trước quyết định này, theo hãng tin Reuters. Động thái mới nhất, ngày 16-10, Hoàng tử Khalid bin Salman - Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia (nước dẫn đầu khối OPEC) cho biết quyết định giảm sản lượng nói trên đã được toàn bộ thành viên OPEC+ đồng ý và thống nhất thi hành.

Trước đó, Saudi Arabia nhấn mạnh rằng việc cắt giảm là nhằm mục đích kinh tế, ổn định thị trường năng lượng toàn cầu chứ không mang yếu tố chính trị. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei lên tiếng xác nhận quan điểm này. Viết trên trang Twitter chính thức, ông nêu rõ quyết định mới nhất của OPEC+ đã được nhất trí thông qua là thuần túy kinh tế, không có mục đích nào khác.

Thông báo của Tổng công ty dầu mỏ quốc gia Iraq (SOMO) nhấn mạnh có sự đồng thuận hoàn toàn giữa các nước OPEC+ về cắt giảm sản lượng. “Cách tốt nhất để vượt qua các thách thức của thị trường dầu trong giai đoạn bất ổn và thiếu rõ ràng hiện nay là tiên phong tiếp cận vấn đề nhằm giữ ổn định của thị trường và đưa ra định hướng cần thiết cho tương lai” - thông báo nêu rõ.

Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Kuwait Nawaf Saud al-Sabah hoan nghênh quyết định của OPEC+ và của các nước sản xuất dầu khác, đặc biệt là Nga. Ông cho biết Kuwait cùng chung mối quan tâm về một thị trường dầu cân bằng, hãng thông tấn KUNA đưa tin. Phía chính quyền Oman và Bahrain cũng khẳng định tất cả thành viên OPEC+ đã nhất trí về việc cắt giảm. Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab gọi quyết định này mang tính “lịch sử”, giải thích thêm là nhóm hướng đến sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu hơn là một mức giá cụ thể.•

Châu Âu chi hơn 97 tỉ USD nhập nhiên liệu hóa thạch của Nga

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), các nước thuộc EU đã chi tới hơn 97,5 tỉ USD cho việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga trong chín tháng qua, hãng tin Politico cho hay.

Thống kê từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho thấy kết quả tương tự. Cụ thể, từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 9, EU đã chi khoảng 96 tỉ USD để nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga, dù lượng nhiên liệu EU nhập khẩu từ Nga trong tháng 9 giảm 50% so với tháng 3 và giảm 14% so với tháng 8.

Trên thực tế, giới chuyên gia nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu chỉ mới bắt đầu. Tiêu thụ năng lượng sơ cấp vẫn ở mức ổn định so với năm 1990, trong khi tỉ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm từ 83% xuống 71%. Do đó, EU phần lớn vẫn phải lệ thuộc nhiên liệu hóa thạch trong khi năng lực nội khối khiêm tốn - chỉ đáp ứng 3% nhu cầu dầu mỏ, 12,6% nhu cầu khí đốt và 42% nhu cầu than đá. Những bước tiến chậm chạp trong lĩnh vực phi carbon hóa và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào bên ngoài chỉ làm tăng thêm vai trò quan trọng của nguồn cung năng lượng nước ngoài với EU.

Bạn đang đọc bài viết "Nga, OPEC+ đồng loạt rắn với phương Tây về năng lượng" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).