Nghi vấn nâng khống giá thiết bị tại gói thầu do Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh mời thầu
Mua sắm thiết bị giáo dục, đồ dùng học tập là hoạt động thường niên của các đơn vị giáo dục. Tuy nhiên, mua sắm thế nào cho hợp lý với nhu cầu, chất lượng, về giá… trở thành người tiều dùng thông minh, đặc biệt là sử dụng Ngân sách Nhà nước để mua sắm.
Tài chính Doanh nghiệp nhận được thông tin phản ánh về việc có nhiều dấu hiệu nâng khống giá thiết bị cao hơn so với giá thị trường, dẫn đến nguy cơ thất thoát ngân sách tại gói thầu: “Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 1 các trường công lập trên địa bàn huyện Đông Anh” (năm 2021 – PV) do Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đông Anh làm đơn vị mời thầu.
Quyết định số 38/QĐ-PGD&ĐT ngày 17/5/2021 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu “Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiếu lớp 1 các trường công lập trên địa bàn huyện Đông Anh”
Theo Quyết định phê duyệt số 38/QĐ-PGD&ĐT ngày 17/5/2021 do Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh Dương Thị Sáu ký, liên danh Công ty CP thương mại và sản xuất thiết bị giáo dục, Công ty CP Điện chiếu sáng và Thiết bị Đô thị Hồ Gươm, Công ty TNHH đầu tư phát triển và Thương mại Thiên Ân là liên danh trúng thầu với giá trúng thầu là 12.896.189.000 đồng. Trong đó, Công ty CP Thương mại và Sản xuất thiết bị giáo dục là liên danh chính.
Như vậy, với giá trúng thầu như trên, ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 108 triệu đồng (gói thầu có giá dự toán là 13.005.000.000 đồng). Gói thầu được thực hiện bằng nguồn Ngân sách Thành phố.
Tuy nhiên điều đáng nói giá của nhiều thiết bị giáo dục tại gói thầu này lại có dấu hiệu bị nâng khống, có nguy cơ gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, sản phẩm Smart Tivi 55 nhãn hiệu Tivi TCL 55P8 được phê duyệt trúng thầu với giá là 16.500.000 đồng/chiếc. Trong khi, giá khảo sát trên thị trường đang được chào bán với giá khoảng 4.200.000 đồng/chiếc (chưa bao gồm công vận chuyển và lắp đặt), tức là tăng gần 4 lần, tương đương nâng giá 12.300.000 đồng/chiếc.
Giá sản phẩm Smart Tivi 55 nhãn hiệu Tivi TCL 55P8 được phê duyệt trúng thầu và so sánh với giá được chào bán ngoài thị trường.
Sản phẩm Đàn phím điện tử nhãn hiệu EZ-300/Yamaha, số lượng mua là 30 chiếc, giá phê duyệt trúng thầu là 14.635.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, giá thị trường bán ở mức 10.124.505đ, tức là tăng hơn 4,5 triệu đồng/chiếc.
Đáng chú ý, cũng với mã sản phẩm này, diễn ra cùng thời điểm, Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn phê duyệt trúng thầu với giá 13.198.000 đ/chiếc cho nhà thầu khác.
Một sản phẩm khác cũng có dấu hiệu nâng khống giá sản phẩm tương tự như các sản phẩm trên, khi sản phẩm đầu DVD nhãn hiệu Sony DVP – SR370/BCSP6, số lượng mua 46 chiếc, giá phê duyệt là 2.384.000 đ/chiếc, trong khi khảo sát tại siêu thị Nguyễn Kim, sản phẩm này đang được chào bán với mức giá 950.000 đồng/chiếc, tức là nâng giá 1.434.000 đ/chiếc,…
Dấu hiệu nâng khống giá thiết bị cũng xảy ra ở nhiều hạng mục mua sắm khác thuộc gói thầu này.
Vấn đề đặt ra là: Việc tổ chức đấu thầu, mua sắm nhằm mục đích tiết kiệm cho Ngân sách Nhà nước. Nhưng dựa vào những điển hình nêu trên thì dấu hiệu nâng khống thiết bị, sản phẩm đang làm thất thu lớn Ngân sách Nhà nước mà Phòng GD&ĐT Đông Anh là đơn vị mời thầu.
Theo dữ liệu Tài chính Doanh nghiệp có được, Công ty CP thương mại và sản xuất thiết bị giáo dục có địa chỉ tại số 104 Đường Nguyễn Khang, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Doanh nghiệp này đã tham gia đấu thầu 55 gói thầu, trong đó đã trúng thầu 51 gói, trượt thầu 2 gói, 2 gói chưa có kết quả ở cả vai trò nhà thầu độc lập và liên danh.
Các bên mời thầu mà đơn vị này tham gia nhiều nhất gồm: Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội), nhiều Sở Tài chính các tỉnh thành, Phòng GD&ĐT, các trường học trong cả nước.
Công ty CP Điện chiếu sáng và Thiết bị Đô thị Hồ Gươm có địa chỉ tại phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Doanh nghiệp này đã tham gia 61 gói thầu, trong đó đã trúng thầu 53 gói, trượt thầu 7 gói, 1 gói chưa có kết quả. Ban Quản lý đầu tư xây dựng và Phòng GD&ĐT một số quận, huyện là những đơn vị mà doanh nghiệp này thường xuyên trúng thầu.
Công ty TNHH đầu tư phát triển và Thương mại Thiên Ân có địa chỉ tại đường Linh Đường, Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Doanh nghiệp này đã tham gia 65 gói thầu, trong đó đã trúng thầu 55 gói, trượt thầu 1 gói, 9 gói chưa có kết quả.
Quan chức ngành giáo dục "ngã ngựa" khi dính sai phạm trong đấu thầu
Có lẽ chưa khi nào các vụ việc trong đấu thầu trang thiết bị y tế và giáo dục đã làm nóng dư luận như thời gian gần đây.
Điển hình như, ngày 22/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cùng 3 thuộc cấp và 2 giám đốc doanh nghiệp về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hay trước đó, ngày 16/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT Thanh Hóa và một số đơn vị liên quan; đồng thời khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cùng 6 đồng phạm khác.
Ngày 24/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học. Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét đối với Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cùng 14 bị can liên quan.
Liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu thầu về lĩnh vực y tế, giáo dục, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe các vi phạm. Điển hình như vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...
Trung tướng Tô Ân Xô cho hay, các sai phạm trong hoạt động đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin, truyền thông...mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục.
Trung tướng Tô Ân Xô phân tích, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Nghiêm trọng hơn, còn làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.