Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Thư (14/7), Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau khi các nhà đầu tư đón nhận dữ liệu lạm phát Mỹ “sốc” hơn dự báo – yếu tố làm gia tăng nỗi lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản trong tháng này.
Dù đóng cửa trong sắc đỏ, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đã phục hồi sau khi giảm sâu lúc đầu phiên, trong phiên thậm chí có lúc còn tăng điểm.
Theo dữ liệu vừa được Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/1981, chủ yếu do giá xăng dầu tăng mạnh. Không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi của Mỹ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Báo cáo CPI là một sự kiện rủi ro lớn, nhưng thị trường đã không biến động quá mạnh”, nhà phân tích chiến lược đầu tư Ross Mayfield tại Baird ở Louisville, bang Kentucky (Mỹ), bình luận. “Các nhà đầu tư vốn đã dự báo về động thái thắt chặt quyết liệt của Fed rồi. Tôi cho rằng báo cáo này sẽ không ảnh hưởng nhiều trừ phi có bất ổn và đây là lý do thị trường không xảy ra bán tháo trong phiên hôm nay (13/7)”.
Báo cáo CPI đã làm tăng dự báo về việc Fed có thể nâng lãi suất mạnh hơn mức dự báo 75 điểm cơ bản trước đó. Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai gắn liền với lãi suất cơ bản giờ đây dự báo khả năng cao hơn rằng Fed tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 7.
"Nếu Fed bỏ qua con số CPI chính, họ sẽ thấy rằng giá cả hàng hóa đã giảm đôi chút kể từ giai đoạn khảo sát CPI”, ông Mayfield nói và nhận định thêm nếu Fed tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản dựa trên báo cáo CPI tháng 6 thì có thể họ sẽ bị “lỗi nhịp”.
CPI lõi của Mỹ trong tháng 6 cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt so với đỉnh hồi tháng 3, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu lạm phát bình quân năm tăng 2% của Fed.
Câu hỏi rằng “liệu việc thắt chặt chính sách của Fed có thể kiềm chế lạm phát không và có đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái không” dường như đang chuyển thành câu hỏi “suy thoái kinh tế liệu có thể nghiêm trọng tới mức nào”.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 208,54 điểm, tương đương 0,67%, xuống còn 30.772,79 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 17,02 điểm, tương đương 0,45%, còn 3.801,78 điểm. Trong khi đó, Nasdaq giảm 17,15 điểm xuống còn 11.247,58 điểm, tương đương mức giảm 0,15%.
9 trên 11 nhóm ngành chính của S&P 500 giảm điểm, trong đó nhóm cổ phiếu công nghiệp và dịch vụ viễn thông sụt mạnh nhất, còn cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng nhiều nhất.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 sẽ bắt đầu chính vụ khi một loạt ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley công bố báo cáo vào thứ Năm, theo sau là Citigroup và Wells Fargo & Co vào thứ Sáu.
Tính đến thứ Sáu tuần trước, giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích lũy quý 2 của các công ty trong S&P 500 đạt khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức dự báo 6,8% đưa ra hồi đầu quý, theo Refinitiv.
Cổ phiếu của Delta Air Lines giảm 4,5% trong phiên hôm qua sau khi hãng này báo cáo kết quả kinh doanh thấp hơn dự báo của các nhà phân tích, dù CEO Ed Bastian khẳng định nhu cầu đi lại cao sẽ mang lại lợi nhuận “có ý nghĩa” cho cả năm nay.
Trong phiên hôm qua, giá dầu tăng nhẹ, kể cả sau khi thông tin dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ tăng và dữ liệu lạm phát “nóng” củng cố cho dự báo về tình huống Fed tăng lãi suất mạnh hơn.
Giá dầu thô Brent tăng 8 cent lên 99,57 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 46 cent lên 96,3 USD/thùng.
So với mức 139 USD/thùng hồi tháng 3 – mức cao nhất kể từ năm 2008, dầu thô Brent đã giảm đáng kể trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về các đợt tăng lãi suất mạnh của Fed sẽ khiến tăng trưởng kinh tế suy giảm và ảnh hưởng tới nhu cầu dầu.
Trong phiên giao dịch hôm thứ Ba (12/7), giá dầu thô Brent giảm hơn 7%, lần đầu tiên xuống dưới mức 100 USD/thùng kể từ tháng 4 đến nay.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự báo giá dầu vẫn có thể tăng thời gian tới.
“Tôi cho rằng xu hướng tăng giá vẫn chưa chấm dứt”, ông Thomas Saal, phó chủ tịch cấp cao của StoneX Financial, nhận định. “Mức tồn kho vẫn ở mức thấp trên toàn cầu và đây là một nhân tố quan trọng cho sự tăng giá”.