Bộ GTVT đang lấy kiến các địa phương về kế hoạch đi lại trong bối cảnh bình thường mới khi người dân đã được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Khi các địa phương vẫn “ngăn sông cấm chợ” thì vận tải rất khó bình thường mới trở lại, ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch mở cửa dần nền kinh tế.
Bộ GTVT bỏ đề xuất hành khách tiêm vaccine, hoặc F0 khỏi bệnh được đi lại "bình thường mới".
So với Dự thảo lần 1, Dự thảo mới nhất về kế hoạch vận tải của Bộ GTVT đã bỏ quy định hành khách phải là người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, các điều kiện áp dụng thông thoáng hơn. Việc sớm khôi phục lại các hoạt động vận tải, người dân được tự do ra đường khi miễn dịch cộng đồng đang được nhiều người chờ đợi.
Người chưa tiêm vaccine vẫn được đi máy bay, tàu xe bình thường
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các địa phương, Bộ GTVT đã hoàn tất dự thảo lần 2 kế hoạch tổ chức vận tải khách của 5 lĩnh vực (hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy) trong thời gian các địa phương nới lỏng giãn cách.
Trong dự thảo lần 2 của Bộ GTVT đề xuất phương án tổ chức vận tải hành khách tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 không tổ chức hoạt động vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đang cư trú tại địa phương, hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị số 16 (trừ các trường hợp được cấp có thẩm cho phép);
Các sân bay, ga đường sắt trên địa bàn địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16.
Các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 19: Được tổ chức vận tải hành khách theo mức độ hạn chế tỷ lệ phần trăm phương tiện kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải.
Các địa phương đang bình thường mới: Tổ chức vận tải hành khách hoạt động bình thường.
Việc sớm khôi phục lại các hoạt động vận tải, người dân được tự do ra đường khi miễn dịch cộng đồng đang được nhiều người chờ đợi.
Đáng chú ý, Bộ GTVT điều chỉnh quy định với hành khách theo hướng:
Hành khách khi đi trên phương tiện vận tải (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chị thị số 19) phải thực hiện nghiêm 5K, các quy định về phòng chống dịch, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Trước đó, tại dự thảo cũ, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án: Hành khách đáp ứng quy định 5K, hoặc đáp ứng một trong các điều kiện (tiêm 2 mũi vaccine trong đó mũi 1 ít nhất 14 ngày, hoặc F0 đã khỏi COVID-19, hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ).
Vận tải đường bộ: Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 14 ngày/lần cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Ngoài ra, lái xe, nhân viên phục vụ phải đáp ứng một trong các điều kiện (tiêm 2 mũi vaccine trong đó mũi 1 ít nhất 14 ngày, hoặc F0 đã khỏi COVID-19, hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ).
Tần suất khai thác với xe khách tuyến cố định liên tỉnh theo 4 giai đoạn (cách nhau 10 ngày), lần lượt theo tỷ lệ không vượt quá 40% số chuyến trong 10 ngày của đơn vị được phê duyệt, có giãn cách chỗ ngồi - 60%, có giãn cách ghế - 80%, bình thường trở lại.
Hàng không: Tổ bay và nhân viên hàng không phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin ít nhất sau 14 ngày, có xét nghiệm âm tính.
Tần suất khai thác theo 4 giai đoạn (cách nhau 10 ngày): không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên tháng 4.2021, có giãn cách ghế - 70% - bằng tần suất trung bình 10 ngày đầu tháng 4.2021 - bình thường.
Bộ GTVT xây dựng phương án "riêng biệt" kết nối vận chuyển hành khách đến/đi tại sân bay, ga đường sắt thuộc khu vực đang áp dụng chỉ thị 16 đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Đường sắt: Lái tàu và nhân viên phục vụ phải đáp ứng một trong các điều kiện (tiêm 2 mũi vắc xin trong đó mũi 1 ít nhất 14 ngày, hoặc F0 đã khỏi COVID-19, hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Xét nghiệm Covid-19 định kỳ 14 ngày/lần.
Tần suất khai thác cũng chia 4 giai đoạn (cách nhau 10 ngày), số lượng đôi tàu khai thác trên từng tuyến đường sắt không vượt quá 50% biểu đồ chạy tàu trước dịch và có giãn cách chỗ trên tàu - 70% có giãn cách ghế - 70% không giãn cách ghế - bình thường.
Các quy định tương tự cũng được áp dụng với vận tải hàng hải và đường thủy nội địa.
Phương án “riêng biệt” kết nối sân bay, nhà ga tại nơi đang áp dụng Chỉ thị 16
Đáng chú ý, Bộ GTVT xây dựng phương án "riêng biệt" kết nối vận chuyển hành khách đến/đi tại sân bay, ga đường sắt thuộc khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, tại sân bay, ga đường sắt sẽ bố trí vị trí, khu vực trong sân bay, ga đường sắt dành riêng cho phương tiện vận tải đường bộ đón, trả khách; hướng dẫn phương tiện vận tải đường bộ ra, vào sân bay, ga đường sắt theo đúng vị trí, khu vực đã quy định.
Đồng thời, quy định khu vực dành riêng cho khách chờ để đi lên tàu; hướng dẫn, giám sát hành khách trong việc tuân thủ công tác phòng, chống dịch tại sân bay, ga đường sắt; Phối hợp với Sở GTVT (địa phương có sân bay, ga đường sắt) để tổ chức việc đưa, đón hành khách thông qua sân bay, ga đường sắt.
Lực lượng chức năng điều tiết giao thông trong ngày đầu TP.Hà Nội nới lỏng giãn cách.
Sở GTVT (địa phương có sân bay, ga đường sắt) chủ trì, phối hợp với Sở ban ngành, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý sân bay, ga đường sắt, đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tổ chức hoạt động vận tải hành khách kết nối giữa vận tải đường bộ với sân bay, ga đường sắt.
Đơn vị vận tải kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, lái xe sẽ vận chuyển hành khách đi, đến sân bay, ga đường sắt theo nguyên tắc "một cung đường hai điểm đến"; không được phép dừng đỗ trên hành trình (trừ trường hợp khẩn cấp).
Cùng với đó, phải chấp hành hướng dẫn của Sở GTVT, đơn vị quản lý sân bay, ga đường sắt khi vận chuyển hành khách đi/đến sân bay, ga đường sắt. Hành khách chấp hành nghiêm hướng dẫn của sân bay, ga đường sắt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đang chờ thêm ý kiến từ Bộ Y tế
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, đến nay Bộ GTVT mới chỉ nhận được 17 ý kiến góp ý của 1 Hiệp hội vận tải, 15 địa phương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc mở lại hoạt động vận tải hành khác. Ngoài ra, Bộ GTVT chưa nhận được ý kiến của Bộ, ngành nào khác.
"Vì nhu cầu hoàn thiện và triển khai kế hoạch là rất cấp bách, Bộ GTVT đã tổ chức tiếp thu, hoàn thiện dự thảo (lần 2) và chính thức có văn bản đề nghị Bộ Y tế có ý kiến", Thứ trưởng Thọ cho hay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách và các quy định phòng chống dịch, Bộ GTVT đã giao các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên cả 5 lĩnh vực GTVT.
“Việc này để hướng dẫn triển khai thực hiện trong tình hình mới với tinh thần khẩn trương, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi mặt, đánh giá kỹ mọi tác động", ông Thọ nói.
Theo ông Thọ: “Phương án tổ chức giao thông sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương. Sau khi thống nhất, Bộ GTVT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch".
Thứ Bộ GTVT cho rằng, các Sở GTVT địa phương cần nắm bắt tình hình, nhu cầu địa phương để góp ý vào kế hoạch vận tải chung của Bộ GTVT sau khi nới lỏng giãn cách. Trong đó, chú trọng xây dựng phương án tổ chức giao thông kết nối với các ga, bến cảng, bến xe và cảng hàng không, tổ chức giao thông đối với các phương tiện cá nhân.
Được biết, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi tới Bộ Y tế về việc góp ý kiến dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19./.