Người dân cần làm gì khi bị ‘khủng bố’ đòi nợ dù không vay tiền

24/05/2022 14:45

Khi bị quấy rối, đe dọa, người dân cần lưu lại các số điện thoại, tin nhắn, ghi âm, các hình ảnh để làm bằng chứng, sau đó trình báo với công an để được giải quyết.

Có thể xử lý hình sự

Nhiều ngày nay, cô Phạm Thị Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh), và nhiều giáo viên trong trường liên tục bị “khủng bố” bởi những kẻ đòi nợ. Mặc dù toàn bộ giáo viên, nhân viên nhà trường không một ai vay tiền. Những cuộc gọi đầu tiên, chúng mạo danh phụ huynh, vu khống giáo viên đánh đập học sinh rồi bắt đầu lăng mạ, chửi bới. “Sau này, chúng mới lộ rõ ý đồ là muốn gây sức ép để đòi nợ một người em chồng của một nữ giáo viên trong trường”, cô Giang nói.

Không chỉ gọi điện cho hiệu trưởng, giáo viên để quấy rối, chúng còn lấy hình ảnh của cô Giang cắt ghép, đưa lên bàn thờ. Ngoài ra, những kẻ đòi nợ còn mạo danh vị giáo viên có em chồng đang nợ tiền chúng để gọi điện cho 2 đại lý gas trên địa bàn TP Vinh ship 2 bình gas đến giữa trường học nhằm đe dọa. “Chúng tôi thật sự rất hoang mang. Không ai vay tiền mà cũng bị vạ lây. Chúng tôi không biết phải xử lý như thế nào cả”, cô Giang nói.

Một người dân ở huyện Tương Dương bị bôi xấu trên mạng xã hội dù không vay tiền. Ảnh: T.H

Tại huyện Anh Sơn, ông Đoàn Văn Thanh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, ông thậm chí còn bị những kẻ đòi nợ lên Facebook cá nhân lấy hình ảnh của ông với gia đình người bạn chụp chung rồi vu khống ông ngoại tình với vợ bạn. Nguyên nhân là do một nữ giáo viên trên địa bàn huyện vay tiền của một công ty tài chính quá hạn nhưng chưa trả.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về tình trạng này, một vị luật sư ở TP Vinh cho biết, những nạn nhân bị quấy rối nên lưu lại số điện thoại, ghi âm, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ và gửi kèm theo văn bản đến tổ chức, cá nhân cho vay nợ để khiếu nại về biện pháp nhắc nợ, đòi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, có thể gửi đơn kèm chứng cứ tới Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng hoặc gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan công an, Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Cũng theo vị luật sư này, hành vi gọi điện, nhắn tin nhằm ép buộc cá nhân hoặc tổ chức trả một khoản nợ khống là có dấu hiệu cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017). Hành vi này có mức hình phạt tù từ 1 năm đến 20 năm. Trường hợp người gọi điện, nhắn tin không nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản mà nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì hành vi này cấu thành tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017). Còn việc sử dụng mạng viễn thông để làm nhục người khác thì sẽ rơi vào khoản 2 hoặc khoản 3 điều luật này, có mức hình phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả gây ra.

Ngoài ra, trường hợp gọi điện nhằm vu khống cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017), có mức hình phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vu khống và hậu quả xảy ra. Trong trường hợp có các hành vi tương tự như trên nhưng chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 102 Nghị định (số 15/2020/NĐ-CP) ngày 3.2.2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Hành vi này có mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Người dân cần cảnh giác

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng (app). Tới lúc người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc, người cho vay sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện thoại tới những số trong danh bạ nhằm gây áp lực trả nợ, bất kể người đó là ai.

Ngoài ra, trên thực tế nhiều người bị mất chứng minh nhân dân (CMND), và căn cước công dân (CCCD), thậm chí chỉ bị chụp lại cũng có nguy cơ trở thành con nợ dù không vay tiền. Mới đây, công an một số địa phương ở Nghệ An cũng đã phát cảnh báo về tình trạng này. Theo đó, hiện tại, tại một số xã, phường xuất hiện một nhóm đối tượng đến từng nhà hộ dân xin chụp ảnh CCCD, CMND sau đó trả cho người dân 100.000 đồng trên mỗi CMND/CCCD được chụp.

Mã QR và chip trên thẻ CCCD chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao triệt để lợi dụng để trục lợi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công dân vẫn “vô tư” chia sẻ hình ảnh CCCD của mình trên mạng xã hội. Hành vi chia sẻ đó tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin cá nhân. Chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin in trên thẻ CCCD là biết rõ thông tin cá nhân của công dân. Kẻ xấu có thể dùng hình ảnh CCCD hay CMND được chia sẻ trên mạng để đăng ký tài khoản ngân hàng, hoặc vay tiền trên app….

Một vị hiệu trưởng bị ghép ảnh đưa lên bàn thờ dù cô và các giáo viên không hề vay tiền. Ảnh: T.H

Hiện tại, có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp hình ảnh CCCD hay CMND hai mặt là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Vì vậy, các đối tượng xấu thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, sau đó chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm chiếm đoạt. Các app cho vay tiền online này có ưu điểm là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, nhưng có nhược điểm lớn nhất đó là bỏ qua khâu xác minh chính chủ, hoặc có xác minh nhưng quá trình xác minh rất sơ sài, từ đó tạo sơ hở và kẽ hở cho những đối tượng khác có cơ hội để chiếm đoạt tiền thông qua hợp đồng vay.

Cơ quan công an khuyến cáo, toàn thể người dân nêu cao cảnh giác, không chia sẻ hình ảnh CMND và CCCD lên mạng xã hội, không cho các đối tượng chụp ảnh CMND và CCCD, đồng thời báo cáo ngay với cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời nếu xuất hiện tình trạng này.

Bạn đang đọc bài viết "Người dân cần làm gì khi bị ‘khủng bố’ đòi nợ dù không vay tiền" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).