Dòng vốn ngoại giúp thị trường bất động sản đa dạng sản phẩm hơn
Nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam như bất động sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, văn phòng, logistic... đang là những sản phẩm được săn lùng bởi các nhà đầu tư ngoại. Ngoài ra, các phân khúc như nhà ở và căn hộ dịch vụ, mặt bằng bán lẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cũng có cơ hội tiếp tục tăng trưởng.
Các chuyên gia cho rằng, việc vốn ngoại tăng mạnh vào lĩnh vực bất động sản cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động.
Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh vì Việt Nam trong có nhiều chính sách hấp dẫn và là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh, tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn.
Ông David Jackson, Tổng Giám Đốc, Colliers Việt Nam chia sẻ về vấn đề này cho biết, tại Việt Nam, cầu vượt cung ở tất cả các phân khúc bất động sản, từ nhà ở đến bất động sản thương mại, cả về số lượng và chất lượng.
Dòng vốn ngoại cũng sẽ giúp đa dạng hóa nguồn vốn, giảm bớt áp lực nghẽn vốn hiện tại. Với nhiều vốn hơn, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm đa dạng hơn, qua đó nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh và tiêu chuẩn trong ngành.
Tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài để hút mạnh dòng vốn
Đưa ra kiến nghị để thu hút lượng lớn hơn nữa vốn FDI vào thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông David Jackson cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với nhà đầu tư nước ngoài; cải thiện khuôn khổ pháp lý và thủ tục hành chính; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và chính sách đầu tư một cách bình đẳng, minh bạch. Ngoài ra, việc Chính phủ thúc đẩy thực hiện các cam kết phát triển bền vững cũng sẽ giúp thu hút thêm nguồn vốn đầu tư chất lượng cao.
Phân tích từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cho thấy, trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Cụ thể là kinh tế ổn định, tăng trưởng GDP hàng năm ở mức cao. Tiếp theo là nguồn vốn FDI ổn định. Đặc biệt trong thời gian tới đây, sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ về sửa đổi các luật liên quan, qua đó cải thiện nguồn cung nói chung và nguồn cung nhà ở xã hội với nhiều chính sách ưu đãi.
Cùng với đó, những chính sách mới sẽ đem đến nhiều thay đổi lớn với thị trường trong năm 2023 có thể kể đến như Nghị định số 44/2022/NĐ-CP quy định chủ đầu tư phải cung cấp thông tin về dự án và lượt giao dịch bất động sản cho Sở Xây dựng; Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định về sức hút vốn FDI của ngành bất động sản trong thời gian tới, cho biết: “Thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc thu hút nguồn vốn ngoại bởi tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Đây là một điểm tích cực đối với thị trường bất động sản".
Mặt khác, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, để thu hút mạnh dòng vốn này, cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền trong việc bảo vệ các dự án đầu tư của họ; cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cho các dự án triển khai.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam mới đây cũng đánh giá: “Dòng vốn ngoại ở Việt Nam đã giúp người dân nói chung cải thiện thu nhập, việc thu hút đầu tư FDI tại miền Bắc chiếm 37% và miền Nam, đặc biệt Đông Nam bộ chiếm 41% cũng ảnh hưởng nhiều tới thị trường bất động sản”.