Nghi vấn “Kinh doanh giáo dục để thâu tóm đất vàng?”
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông tin, yêu cầu Nguyễn Hoàng Group không được dùng từ “Thành phố giáo dục” để quảng bá cho dự án của mình. Thông tin trên được UBND Tỉnh Quảng Nam phát đi vào tháng 3/2021 dựa trên cơ sở Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp rà soát lại một số dự án lớn tại địa phương.
Trước đó, vào tháng 6/2020, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đang xem xét thu hồi dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An của Nguyễn Hoàng Group do đơn vị này không thực hiện đúng tiến độ đề ra. Dự án có diện tích đất sử dụng là 41 ha, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự kiến phục vụ 12.000 học sinh với đủ các cấp từ mầm non cho tới đại học và sau đại học theo chuẩn quốc tế.
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Hoàng Group bị “tuýt còi” với các dự án giáo dục của mình. Tại thời điểm năm 2018, dự án Thành phố giáo dục quốc tế Quảng Ngãi do Nguyễn Hoàng Group thực hiện cũng đã gây nên xôn xao khi dự án không có trong quy hoạch sử dụng đất và xây dựng. Thế nhưng, tập đoàn này vẫn được UBND tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh, thay đổi và trao cho 9ha đất quy hoạch công viên để thực hiện dự án dù chưa có giấy phép.
Cụ thể, tháng 3/2018, Công ty TNHH Thành phố giáo dục quốc tế Quảng Ngãi (Nguyễn Hoàng Group) thực hiện Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Quảng Ngãi tại thành phố Quảng Ngãi. Khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, dấy lên nghi ngờ, bức xúc trong dư luận với hàng loạt câu hỏi về sự minh bạch. Đó là, dù không có trong quy hoạch sử dụng đất và xây dựng, nhưng tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh, thay đổi và trao gần 9ha đất quy hoạch công viên, xây xanh cho Nguyễn Hoàng Group này triển khai một cách siêu tốc; xây dựng khi chưa có giấy phép…
Khi thực hiện giai đoạn 2 của dự án, năm 2019, Nguyễn Hoàng Group tiếp tục thể hiện “tham vọng” thâu tóm Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Trước chủ trương này, rất nhiều cán bộ, lãnh đạo Đại học Phạm Văn Đồng, cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã không đồng tình, do lo ngại Đại học Phạm Văn Đồng (trường công lập) sẽ bị tư nhân hóa; hoặc chủ đầu tư sẽ phân lô bán nền diện tích đất vàng ở ngôi trường này. Cho tới nay, dự án này vẫn chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng đã thông tin, trước ồn ào tại Quảng Ngãi, Nguyễn Hoàng Group bị “vạch trần” khi xin làm dự án giáo dục tại Đà Nẵng.
Khoảng hơn 10 năm trước, Nguyễn Hoàng Group xin UBND TP. Đà Nẵng làm trường chất lượng cao ngay trung tâm thành phố, nhưng khi được chấp thuận và được giao đất không thông qua đấu giá, thì Nguyễn Hoàng Group xin chuyển đổi mục đất để phân khu đất vàng 5.000 m2 thành 50 lô, với diện tích mỗi lô là 90 m2.
UBND TP Đà Nẵng công khai 30 dự án vi phạm pháp luật về sử dụng đất, trong đó đã điểm danh dự án này của Nguyễn Hoàng Group.
Người ký giao 5.000 m2 đất cho Nguyễn Hoàng Group mà không thông qua đấu giá là ông Trần Văn Minh. Thời điểm ông Minh ký là vào tháng 12/2010, khi đang giữ chức Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Tháng 5/2020, ông Trần Văn Minh bị tuyên y án 12 năm tù giam về hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Kịch bản “thành phố giáo dục” trải dài từ Bắc tới Nam?
Không chỉ dừng lại ở các mảnh đất miền Trung, hàng loạt “đất vàng” ở Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng… cũng đã được Nguyễn Hoàng Group đề xuất theo hình thức đầu tư dự án với cái tên “thành phố giáo dục”.
Tháng 12/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH thành phố giáo dục quốc tế Hà Tĩnh (thành viên của Nguyễn Hoàng Group) đầu tư dự án này. Theo mô tả, đây là hệ thống giáo dục đa cấp học từ mầm non đến đại học theo chuẩn quốc tế.
Dự án triển khai trên diện tích khoảng 22ha chủ yếu tại phường Nguyễn Du và một phần thuộc xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.329 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3/2021. Trong đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng Trường mầm non quốc tế Sài Gòn Academy (20 lớp với 600 học sinh); Trường Quốc tế Bắc Mỹ (35 lớp, 700 học sinh): Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh quốc (52 lớp, 1.300 học sinh); Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool (90 lớp, 2.520 học sinh).
Giai đoạn 2 sẽ xây dựng Đại học quốc tế Hồng Bàng quy mô 6.000 sinh viên, dự kiến hoạt động vào quý 3/2022. Được biết, quy mô toàn dự án sẽ có khoảng trên 11.000 học sinh, sinh viên học tập tại đây.
Theo số liệu mới nhất từ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này hiện có 725 cơ sở giáo dục (bao gồm Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT) cả công lập và ngoài công lập; tổng cộng có 318.986 học sinh.
Kịch bản này cũng được thực hiện khi Nguyễn Hoàng Group đề xuất xin thực hiện Dự án thành phố giáo dục quốc tế Hải Phòng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm với tổng vốn đầu tư lên tới 13.000 tỷ đồng.
Dự án có quy mô diện tích 69,5 ha thuộc Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13.000 tỷ đồng.
Dự án gồm đầy đủ các chương trình chất lượng cao Mầm non quốc tế SGA; Hội nhập quốc tế iSchool; Quốc tế Song ngữ UKA và Quốc tế hoàn toàn SNA; Đại học Quốc tế Hồng Bàng đào tạo các chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe; Đại học Quốc tế Hàn Quốc đào tạo các chuyên ngành thẩm mỹ, ngôn ngữ, cơ điện tử, CNTT; Đại học Nhật Bản đào tạo các ngành logistics, cơ khí, ngôn ngữ, kinh tế, hàng hải, nông nghiệp công nghệ cao…
Tiến độ thực hiện dự án dự kiến: Quý III/2019 – quý I/2020 là giai đoạn lập thủ tục đầu tư dự án; Quý II/2020 – quý II/2022 triển khai đầu tư xây dựng; Quý III/2022 hoàn thiện dự án, đi vào hoạt động.
Như vậy, chỉ với vài dự án “Thành phố giáo dục quốc tế”, Nguyễn Hoàng Group đã dự kiến đầu tư chỉ khoảng trên 15.000 tỷ đồng, nhưng đã “thâu tóm” được tổng diện tích đất gần 140ha “đất vàng” thuộc các tỉnh thành trên cả nước.