Tòa soạn xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 01/6/2021.
VN-Index có thể hướng về ngưỡng 1.350 điểm
(CTCK BIDV – BSC)
Chốt phiên giao dịch cuối tháng Năm, VN-Index tăng 7,59 điểm, đóng cửa ở mức 1.328,05điểm. HNX-Index tăng 7,39 điểm, đóng cửa tại mức 317,85 điểm.
Kéo chỉ số tăng trong phiên hôm nay gồm có HPG (+3,22); CTG (+1,96); BID (+1,78); ACB (+1,57); VIB (+1,33). Ngược lại, kéo chỉ số giảm gồm các mã VIC (-2,04); VHM (-1,55); SAB (-0,99); VCB (-0,88); MSN (-0,74).
Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 23.853 tỷ đồng, +1,66% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 25.458 tỷ đồng. Biên độ dao động khá mạnh với 20,49 điểm. Thị trường có 158 mã tăng, 41 mã tham chiếu và 261 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -1.686,06 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm HPG (-707,9 tỷ), MBB (-402,4 tỷ) và VCB (-105 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -28,11 tỷ đồng.
Theo BSC, VN-Index có những phút rung lắc trong phiên sáng nhưng sau đó tăng dần trở lại và hiện dần tiệm cận ngưỡng 1.230 điểm. Dòng tiền đầu tư giảm nhẹ nhưng vẫn có 9/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với thanh khoản không chênh lệch nhiều so với phiên cuối tuần trước. Theo đánh giá của chúng tôi, VN-Index có thể hướng về ngưỡng 1350 điểm vào những phiên giao dịch tiếp theo.
Hình minh họa |
Dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng mạnh mẽ
(CTCK MB - MBS)
Thị trường trong nước chốt phiên cuối tháng 5 với thanh khoản bùng nổ và thị trường tiếp tục bay cao nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Chỉ số VN-Index đã tăng liền mạch 4 tháng để thiết lập các mức cao mới, trong khi đó thanh khoản bình quân của thị trường cũng đã tăng từ mức 16.700 tỷ đồng/phiên từ tháng 2 lên trên 26.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 5. Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 7,59 điểm lên 1.328,05 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 16,0 điểm lên 1.474,78 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 158 mã tăng/261 mã giảm, ở rổ VN30 có 14 mã tăng, 16 mã giảm và 0 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục bùng nổ với giá trị khớp lệnh hơn 23.853 tỷ đồng, với giá trị giao dịch này thì đã được đẩy lên mức cao nhất từ trước tới nay. Giao dịch khối ngoại diễn biến không mấy tích cực khi tiếp tục bán ròng trở lại với tổng giá trị gần 1.680 tỷ đồng.
Theo MBS, dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng mạnh mẽ, nhịp giảm trong phiên sáng nhanh chóng bị hấp thụ bởi dòng tiền chưa có dấu hiệu đạt đỉnh trong 4 tháng qua. Chỉ số thị trường đang trong quá trình đi tìm các đỉnh cao mới, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, hoặc các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa cơ bản, v.v… Tiếp tục giữ nguyên quan điểm thử thách đối với thị trường trong những phiên tới là ngưỡng 1.350 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.300 điểm.
Sẽ có nhịp điều chỉnh trong những phiên sắp tới
(CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS)
Sắc xanh tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay bất chấp những diễn biến mới của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Dù lực cầu đã trở lại thị trường, chỉ số vẫn chưa có sự bứt phá đáng kể và số mã giảm điểm vẫn nhỉnh hơn số mã tăng điểm, cho thấy sự dè dặt nhất định của nhà đầu tư.
Hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàng đều đóng cửa tăng điểm, ấn tượng nhất là đà tăng của các cổ phiếu STB, BID, CTG,…. Thanh khoản không thay đổi quá nhiều so với phiên trước với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt khoảng trên 27.000 tỷ đồng. Kết thúc ngày giao dịch VN-Index ghi nhận 158 mã tăng điểm và 261 mã giảm điểm, chỉ số này tăng 7,59 điểm (tăng 0,57%) lên mức 1.328,05 điểm - cũng là mức cao nhất ngày, còn HNX dừng tại 317,85 điểm (tăng 2,38%).
Mặc dù các chỉ số giữ vững đà tăng, nhưng có thể thấy rõ biên độ dao động ngày ở giai đoạn này là khá lớn, đặc biệt trong giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ cả về vĩ mô và của các công ty đang niêm yết.
VN-Index duy trì đà tăng, thanh khoản cao hơn so với trung bình các phiên trước, cho tín hiệu hồi phục trong trung hạn. Tuy nhiên, đường giá đang ở band trên của BB20 và chỉ số RSI tiến vào vùng quá mua cho thấy khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh trong những phiên sắp tới. Ngưỡng kháng cự tại 1.335 – 1.340, ngưỡng hỗ trợ tại 1.250 – 1.260.
Xu hướng tăng đang yếu dần
(CTCK Asean - Aseansc)
Chỉ số VN-Index đã ghi nhận một phiên rung lắc khá mạnh tại vùng kháng cự 1.325 – 1.330 điểm. Dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co có thể sẽ tiếp tục diễn ra ở vùng giá cao thúc đẩy sự gia tăng của khối lượng giao dịch lên mức rất cao. Điều này là một dấu hiệu cảnh báo sức nóng của thị trường và thường sẽ kéo theo một nhịp điều chỉnh ngắn hạn ở phía trước. Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index đóng cửa dưới MA5 ngày, chỉ số có thể sẽ giảm sâu hơn để kiểm định hỗ trợ MA10 ngày. Ở kịch bản này, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên cân nhắc giảm tỷ trọng về mức thấp.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh dài dạng ‘Hanging man’ tại vùng kháng cự mạnh 1.325 – 1.330 điểm, kèm thanh khoản ở mức cao, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy xu hướng tăng đang yếu dần, và việc thay đổi xu hướng có thể xảy ra trong vài phiên giao dịch tới. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.320–1.325 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.310–1.315 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.330–1.335 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.340–1.345 điểm.
Hạn chế sử dụng đòn bẩy cao ở giai đoạn hiện tại
(CTCK Yuanta Việt Nam – FSC)
Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm hướng về mức mục tiêu 1.364 điểm theo báo cáo chiến lược đầu năm chúng tôi đưa ra. Đồng thời, điểm tích cực là dòng tiền tiếp tục hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như Ngân hàng, Chứng khoán và Bất động sản cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn bền vững hơn và thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng nhẹ, nhưng vẫn trong vùng bi quan cho thấy tâm lý vẫn chưa hoàn toàn lạc quan với xu hướng hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức khoảng 40 – 45% danh mục và hạn chế sử dụng đòn bẩy cao ở giai đoạn hiện tại.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.