Nhiều công ty bảo hiểm vẫn phớt lờ minh bạch thông tin

23/09/2022 20:16

Hiện nay, nhiều công bảo hiểm có hành vi vi phạm quy định công bố thông tin mà thiếu chế tài xử lý mạnh tay.

Sau khi đăng tải bài báo “Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải công khai thêm nhiều thông tin ‘nóng’” hôm 29/8/2022 phản ánh việc nhiều doanh nghiệp “quên” công bố thông tin báo cáo tài chính 2021, đến ngày 31/8/2022, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ra công văn số 1348/QLBH-PNT gửi từng công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm đề nghị nghiêm túc thực hiện công bố tài liệu này. Công văn do ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm ký.

Theo Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, hàng năm, các công ty bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài… phải công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài… toàn bộ nội dung báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên, như đã đưa tin tại số báo trước, tính đến thời điểm 29/8/2022, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ở cả 4 khối phi nhân thọ, nhân thọ, môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm vẫn chưa công bố báo cáo tài chính 2021 và các thông tin trọng yếu liên quan đến hoạt động trên website doanh nghiệp, nếu có cũng chỉ công bố bảng tóm tắt.

Ngoại trừ các công ty bảo hiểm niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM công bố thông tin theo pháp luật chứng khoán, hay đa số công ty bảo hiểm nước ngoài công bố thông tin theo chuẩn mực của công ty mẹ, phần lớn các công ty không thuộc những diện này đều xem nhẹ việc công bố thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Chỉ sau khi báo chí phản ánh cũng như sự đốc thúc từ cơ quan quản lý, việc công bố báo cáo tài chính 2021 mới có chuyển biến khi tính đến ngày 12/9, ghi nhận trên website doanh nghiệp, nhiều công ty bảo hiểm đã đăng tải đầy đủ báo cáo này như Xuân Thành, Phú Hưng, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI (khối phi nhân thọ), Cathay Life, BIDV MetLife, Bảo Việt Nhân thọ (khối nhân thọ)...

Dẫu vậy, vẫn có một loạt công ty bảo hiểm chưa thể thấy thông tin này trên trang điện tử doanh nghiệp như OPES, Toàn Cầu, HD, AAA, Fubon, Liên hiệp… Liên hệ tới những công ty này để tìm hiểu nguyên nhân chậm công bố thì đều nhận được phản hồi là do website bị lỗi, đang nâng cấp, mới thay đổi website nên chưa kịp cập nhật…, thậm chí còn “đổ lỗi” do Covid làm gián đoạn một số hoạt động, trong đó có việc cập nhật dữ liệu, thông tin?!!

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn cho biết, tuy luật chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm hiện hành chưa có chế tài xử phạt các doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin nói chung, nhưng theo Điều 12 - Nghị định 41/2018/NĐ-CP, việc không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không công khai báo cáo tài chính theo quy định sẽ bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng. Do đó, chế tài xử phạt vi phạm công bố thông tin kỳ vọng sẽ được đưa vào nghị định mới hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi). Với các công ty bảo hiểm đã là công ty đại chúng, công ty niêm yết, nếu vi phạm sẽ bị phạt theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Được biết, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, từ ngày 1/1/2022, ngoài thông tin tài chính, các công ty bảo hiểm còn phải công khai cả các thông tin phi tài chính như quyết định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của tòa án liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm… trên website doanh nghiệp - điều trước đây không bao giờ công bố. Theo giới quan sát, đây là điều thị trường mong chờ từ lâu, nhưng nếu cơ quan quản lý không mạnh tay xử lý những vi phạm tối thiểu như công bố báo cáo tài chính, thì những thông tin vốn được xem là “bí mật” như trên sẽ khó có thể được “bật mí”.

Góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (hiện đã được thông qua và có hiệu từ ngày 1/1/2022), từng có ý kiến cho rằng, quy định thời hạn phải công khai thông tin bất thường là 7 ngày làm việc kể từ khi xảy ra sự kiện là quá dài, làm mất tính thời sự, tính kịp thời, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ thể liên quan nên cần phải rút ngắn lại thông tin bất thường để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm. Cuối cùng, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh sửa thành: “Đối với công khai thông tin bất thường thì phải công khai trong thời hạn 3 ngày làm việc”.

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều công ty bảo hiểm vẫn phớt lờ minh bạch thông tin" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).