Nhiều điểm “lạ” trong đấu thầu mua sắm tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc

14/06/2022 16:34

Là chủ đầu tư, trong giai đoạn 2020 - 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều gói thầu mua sắm có giá trị lớn, lên tới vài chục tỷ đồng; tuy nhiên, chỉ duy nhất một nhà thầu tham dự ở hầu hết các gói thầu và rất thuận lợi cho việc trúng thầu; ngoài ra, giá thiết bị cũng được cho là cao hơn khá nhiều so với giá thị trường cùng thời điểm.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lựa chọn nhà thầu cho khoảng 7 gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục có giá trị lớn, tổng giá trị các gói thầu gần 350 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở những gói thầu mua sắm này, tỷ lệ tiết kiệm Ngân sách lại khá thấp, nhiều gói thầu trúng gần như sát giá dự toán của chủ đầu tư. Ngoài ra, giá thiết bị được kê trong gói thầu cao hơn khá nhiều so với giá thị trường, ước tính chênh lệch hàng tỷ đồng.

Quyết định 1619 phê duyệt Dự toán và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án “Mua sắm đồ dùng, đồ chơi thiết bị nhà bếp, phòng học tin cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh”

Cụ thể, trong dự án “Mua sắm đồ dùng, đồ chơi thiết bị nhà bếp, phòng học tin cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh” được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Dự toán và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 1619/QĐ-CT ngày 22/06/2021. Dự án có tổng mức đầu tư là 104.871.446.000 đồng do Công ty Cổ phần Định giá và đầu tư Việt chịu trách nhiệm thẩm định giá và Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc làm bên mời thầu. Dự án được chia thành 4 gói thầu, trong đó 2 gói mua sắm, gồm: Gói thầu số 01 - Mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nhà bếp, phòng học tin cho trường mầm non trên địa bàn các huyện, thành phố (Vĩnh Yên, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch) có giá 55.553.990.000 đồng và gói thầu số 02 - Mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nhà bếp, phòng học tin cho trường mầm non trên địa bàn các huyện, thành phố (Phúc Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên) có giá gói thầu là 48.317.456.000 đồng.

Cả 2 gói thầu có danh sách hàng hóa tương tự nhau, được tổ chức đấu thầu rộng rãi, qua mạng và đóng/mở thầu cùng thời điểm. Kết quả mở thầu ngày 20/10/2021 cho thấy, mỗi gói thầu đều chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

Ngày 17/11/2021, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc ký Quyết định số 1143/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 02 - Mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị nhà bếp, phòng học tin cho trường mầm non trên địa bàn các huyện, thành phố (Phúc Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên); đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Một thành viên Điện tử Sao Mai với giá 46.688.034.300 đồng.

So sánh danh mục thiết bị mua sắm giữa 2 gói thầu gần như tương tự nhau này, nhiều hạng mục cùng chung loại thiết bị và giá cung cấp của Liên danh trong Gói thầu số 1 và của Công ty TNHH Một thành viên Điện tử Sao Mai (gói thầu số 2) có giá chênh lệch nhau không đáng kể. Tuy nhiên, so sánh giá do 2 nhà thầu cung cấp với giá thị trường cùng thời điểm thì lại có sự chênh lệch tương đối lớn, thậm chí nhiều thiết bị còn cao gần gấp đôi so với giá thị trường (?)

Cụ thể, thiết bị Tivi hiệu 55US660 H0TD có xuất xứ Indonesia, thuộc hạng mục số 14 trong Danh sách hàng hóa tại cả 2 gói thầu; theo các yêu cầu về thông số kỹ thuật, vận hành chạy thử, đào tạo, hướng dẫn vận hành, bảo hành, bảo trì, cũng như điều kiện kiểm tra và thử nghiệm được quy định tại Chương V, E-HSMT của Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị lớn chuyên cung cấp thiết bị trên thị trường đưa ra đơn giá thiết bị tương đương khoảng 15 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, đơn giá thiết bị mà Liên danh trong Gói thầu số 1 cung cấp là 21.150.000 đồng/chiếc, Công ty TNHH Một thành viên Điện tử Sao Mai (gói thầu số 2) cung cấp là 19.910.000 đồng/chiếc. Với tổng số 282 chiếc (gói thầu số 1) và 279 chiếc (gói thầu số 2), ước tính tổng mức chênh lệch của hạng mục so với giá thị trường khoảng 1,5 tỷ đồng.

Đối với thiết bị máy tính để bàn, nhãn hiệu FPT ELEAD LQ20.54H (thuộc hạng mục số 68 trong Danh sách hàng hóa tại cả 2 gói thầu) cùng chủng loại, xuất xứ, thông số kỹ thuật như Bộ vi xử lý Intel® Pentium® Gold G5400 Processor 4M Cache, 3.70 GHz hoặc tương đương; Bộ nhớ RAM 4GB DDR4-2400MHz; Ổ cứng 1TB SATA3 7200 RPM… cùng với chính sách bảo hành và hỗ trợ kỹ thuật chính hãng ≥ 36 tháng như E-HSMT, các đơn vị trên thị trường cung cấp thiết bị với giá khoảng 9.000.000 đồng/bộ. Trong khi đó, đơn giá thiết bị mà Liên danh trong Gói thầu số 1 cung cấp là 13.690.000 đồng/bộ, Công ty TNHH Một thành viên Điện tử Sao Mai (gói thầu số 2) cung cấp là 13.310.000 đồng/bộ. Với tổng số lượng 410 bộ (gói thầu số 1) và 350 bộ (gói thầu số 2), ước tính tổng mức chênh lệch của hạng mục so với giá thị trường khoảng 1,5 - 1,9 tỷ đồng.

Thông số kỹ thuật của thiết bị Máy tính để bàn quy định tại E-HSMT.

Tương tự, thiết bị tủ nấu cơm ga và điện, nhãn hiệu TA-TUCOM/TUCOM-001 ở cả 2 gói thầu, với các thông số: Điện áp: 220v/50hz, công suất 12kw/220V, chất liệu làm bằng Inox SUS 304; kích thước tủ S650xR700xC1700) mm; khay làm bằng Inox SUS 201 kích thước (D395 x R595 x C70) mm… giá thị trường của thiết bị này khoảng 19.000.000 đồng/bộ, tuy nhiên giá trúng thầu tại 2 gói thầu lại lên đến 38.000.000 – 40.000.000 đồng/bộ, cao hơn gần gấp đôi so với giá thị trường...

Bên cạnh đó, tại nhiều gói thầu khác do Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư cũng có sự chệnh lệch giá tương tự. Một số gói thầu đến nay vẫn chưa công bố kết quả mở thầu dù đã thực hiện đấu thầu xong, trong đó, theo nguồn tin riêng của Phóng viên, có 1 gói thầu do Công ty TNHH Một thành viên Điện tử Sao Mai trúng thầu.

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều điểm “lạ” trong đấu thầu mua sắm tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).