Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng mạnh 10.26 điểm (0.82%) lên 1,262.33 điểm, HNX-Index tăng 3.24 điểm 1.08%. Tuy nhiên khối lượng giao dịch trên HOSE là 13 ngàn tỷ đồng, thấp nhất trong 12 ngày gần đây từ 27/7/2022.
Trong rổ VN30, BVH đã vươn lên dẫn đầu với mức tăng 2.6%, vị trí tiếp theo HPG tăng 2.4%, BID đứng thứ 3 với mức tăng 2.3%, những tháng ngày tươi đẹp với cổ đông của ngân hàng này. VHM, KDH, VJC là ba cổ phiếu giảm giá duy nhất trong rổ VN30 với mức giảm 0.3%, 0.5%, 0.7%.
Chứng khoán vươn lên dẫn đầu thị trường với mức tăng mạnh 3.02%. Trong đó MBS và VIX hiện sắc tím. Duy nhất có TVS giảm giá 1.24%, 3 cổ phiếu đứng giá trong rổ 25 cổ phiếu theo dõi.
Bất động sản tăng 0.55% với DTA, LHG, SDU trần. Và một ngày tăng giá mạnh không thể thiếu ngân hàng. Ngân hàng tăng 0.7% với 14 cổ phiếu tăng giá/4 cổ phiếu giảm giá.
Một ngày cuối tuần có lẽ thị trường hoạt động tốt vượt mức mong chờ với các nhà đầu tư.
Một ngày giao dịch có vẻ tốt hơn kỳ vọng, sau một ngày khối lượng giao dịch cao đột biến với giá xuống, khá nhiều chuyên gia lo ngại về một ngày phân phối ngắn hạn tiếp theo. Điều này đã không xảy ra.
Thị trường tốt dần lên
Tới 14h, thị trường đang hoạt động theo xu hướng tốt dần lên, VN-Index đã tăng 7.31 điểm. VGC đã trần. Tham gia vào những cổ phiếu tím đáng chú ý có LHG, FRT, HSG. Hôm nay cổ phiếu dòng thép hoạt động rất tốt HPG đang tăng 1.7%, HSG trần, NKG tăng 5.56%, POM tăng 1.83%...
Ngân hàng đã tăng 0.26%, chú ý có BID tăng 1.17%, STB tăng 0.99%. Số cổ phiếu tăng giá/giảm giá là 11/4.
Chế biến thủy hải sản vươn lên dẫn đầu thị trường với sự đóng góp tích cực của VHC (3.09%). CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7/2022 với tổng doanh thu 1.198 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 13% so với tháng 6. Trong tình hình nhu cầu toàn cầu đang giảm lại kết quả này gây bất ngờ với khá nhiều người.
Số mã tăng giá trên hai sàn đã nhiều số mã giảm giá 328 (10 cổ phiếu trần)/282 (5 cổ phiếu sàn), gần 4.500 tỷ đã rót vào VN-Index trong 1 tiếng qua.
Phiên sáng: Chưa có tình trạng chốt lời bằng mọi giá
Kết phiên sáng VN-Index tăng khá 3.43 điểm (0.27%), VN30 hiện sắc xanh nhẹ 0.85 điểm. Trong rổ VN30 số cổ phiếu tăng giá là 12 cổ phiếu so với 11 cổ phiếu giảm giá. Dẫn đầu vẫn là GAS với mức tăng 1.7% theo sát sau là VRE tăng 1.4%. Cổ phiếu quốc dân HPG chiếm vị trí thứ 3 mức tăng 1.3%.
Không có cổ phiếu nào giảm giá trên 1% trong rổ này. Hết phiên sáng có 6,250 tỷ đồng rót vào sàn HOSE, một con số khá thấp gần đây. Điều này chứng tỏ trong phiên sáng chưa có tình trạng bán chốt lời bằng mọi giá sau một đợt tăng khá. Thị trường đang giao dịch trong biên độ hẹp với xu hướng tốt dần lên.
Ngành chứng khoán đã tăng trên 1% và là tác nhân chính kéo thị trường, bất động sản tăng 0.29% với duy nhất SDU trần. Dòng họ VIC, VHM đang giảm 0.33% tuy nhiên VIC tăng nhẹ 0.15% cùng với VRE tăng 1.38% thừa lấy công bù tội.
VGC đang tăng 6.45%. Tổng CTCP Viglacera (VGC) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn tổng công ty đạt 111% kế hoạch cả năm và gấp 2.1 lần so với cùng kỳ năm trước.
SVC đang trần, ngoài việc doanh nghiệp này báo lãi kỷ lục trong quý 2 với doanh thu thuần 9,400 tỷ, lãi ròng 147 tỷ đồng, tăng tương ứng 33% và 50% so với cùng kỳ thì doanh nghiệp này cũng vừa công bố nghị quyết việc phát hành 33.3 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1.
Ngân hàng vẫn đang giảm nhẹ 0.03%, tuy nhiên ngoại trừ BAB giảm mạnh 2.37%, tất cả cổ phiếu còn lại đều tăng giảm trong biên độ nhỏ hơn 1%.
11h00: Cổ phiếu chứng khoán đảo chiều
Ngành chứng khoán đã đảo chiều xanh 0.43% với 12 cổ phiếu tăng giá/8 cổ phiếu giảm giá. Tăng giá mạnh có MBS tăng 5.35%, VIX tăng 3.52%. Hai ông lớn VND đang giá tham chiếu và SSI giảm 0.2%.
Chứng khoán thế giới và chứng khoán Việt Nam có thể sẽ đối diện với một tháng 8 không nhiều biến động vĩ mô. Lạm phát Mỹ và toàn cầu có vẻ như đã đạt đỉnh. Nhưng từ việc đạt đỉnh đến mức trở về bình thường là chuyện cần thời gian, có thể cả năm 2022. Đồng thời việc tăng lãi suất và hút tiền về rất có thể sẽ là tiền đề cho một đợt suy thoái, điều này sẽ gây áp lực lên chứng khoán toàn cầu trong phần cuối năm.
Tuy nhiên Việt Nam đã đứng ngoài đợt lạm phát cao toàn cầu vừa qua, điều này cùng với giá hàng hóa đang ở mức thấp có thể là động lực để ngân hàng Việt Nam chưa tăng lãi suất (Theo Dragon Capital). Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Việt Nam sẽ có một kết quả vượt trội với thế giới trong năm nay, cả về tốc độ tăng trưởng lẫn khả năng kiềm chế lạm phát, đồng thời dòng tiền không bị hút về sẽ có ảnh hưởng tốt tới thị trường chứng khoán hơn so với thế giới.