Sàn HOSE luôn có khoảng 80% số cổ phiếu tăng giá trong phiên chiều, đi kèm với đó là lượng giao dịch cũng tăng khá mạnh, dù về tổng thể cả ngày thì vẫn kém đáng kể so với ngày hôm qua. VIC và nhiều Large Cap tăng đúng 7% kéo cả thị trường tích cực.
Bộ ba cổ phiếu lớn nhà Vin là VIC, VHM và VRE đều tăng mạnh trong phiên chiều nay, đồng thời được khối ngoại đóng góp khá lớn vào tổng lượng khớp. cụ thể, VIC đã quay lại với mức tăng trần đúng 7%, 2 mã còn lại cũng tăng xuýt soát 7%. Khối ngoại tuy không còn đóng góp gần 90% lượng mua VIC, nhưng cũng phải đến 70%, tương tự họ cũng mua hàng triệu đơn vị ở VHM và VRE.
Trong nhóm ngành BĐS, thì có thêm PDR và SJS là những mã giảm sàn hôm nay, đồng thời cũng giảm sàn nhiều phiên liên tiếp. Dù mức giá cổ phiếu có thể coi là hấp dẫn, nhưng người mua có lẽ vẫn còn chờ tín hiệu “phất cờ”, tức có ai đó thu dọn hàng chục triệu cổ phiếu đang chất bán giá sàn ở những mã này.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng rất mạnh trên sàn HOSE, tập trung ở nhiều mã ngân hàng, bộ ba cổ phiếu nhà Vin và 1 số mã khác như HPG, KDH, SSI, VND, POW, NLG… Tuy nhiên, MBB, KBC hay DGC lại là những Large Cap bị họ bán ròng khá nhiều.
Ngân hàng không phải là nhóm lớn tăng nổi bật trong cả ngày hôm nay, chưa nói là còn dính “vết son” EIB, tuy nhiên trong thời điểm kết phiên chiều, lại có thêm BID bất ngờ giảm giá. Khối ngoại hiện diện khá rõ ở nhóm này, trong đó mua ròng nhiều nhất ở STB, HDB, CTG hay SHB, cả mua lẫn bán nhiều ở VCB, VPB, nhưng bất ngờ nhất là bán ròng mạnh ở MBB.
Tận dụng 15 phút còn giao dịch sau khi HOSE đóng cửa, chỉ số UPCoM-Index kịp tăng thêm 1 đoạn, lên mức cao nhất trong cả ngày. Ở nhóm Large Cap sàn này, có hàng loạt mã tăng khủng, từ 10% trở lên như BSR, MSR, MVN, OIL, TVN, VEF, VGI. VGT, VTP… Những mã khác tăng trên 5% cũng không hề ít.
PVS hay IDC có thể coi là những cái tên khá xui xẻo, giảm giá ngược trong nhóm Large Cap sàn HNX chiều nay. Ở những mã còn lại trong nhóm này, kể cả những mã từng có dấu hiệu đuối cuối phiên sáng như BAB, KSF hay MBS, tất cả đều được kéo tăng trở lại, thậm chí có những mã kịp tăng tới đỉnh vào cuối phiên chiều.
Từng giảm giá vào cuối phiên sáng, nhưng MSN đã được kéo tăng trở lại ngay khi bước vào phiên chiều, tăng dần tăng dần và được đẩy mạnh vào phút cuối ATC, kết phiên tăng gần 7%. Trong “họ” cổ phiếu nhà Masan, MSN chỉ chịu thua MSR về độ tăng giá. Khối ngoại có lẽ là yếu tố mang lại sự hồi phục mạnh mã ở mã này.
Phiên sáng yên bình trên cả 3 sàn
Chỉ số VN-Index kết phiên sáng nay với mức tăng gần 2%, dù không phải là mức cao nhất trong phiên, cũng như không so sánh được với mức tăng chiều qua, nhưng vẫn có thể coi là rất tích cực, vì đại diện cho gần 80% số cổ phiếu tăng giá trên sàn HOSE. Diễn biến của chỉ số này cũng lan tỏa tích cực cho 2 sàn HNX và UPCoM. Tuy nhiên thanh khoản 3 sàn lại có vẻ kém đi, nhất là trong hơn 30 phút cuối phiên.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trên sàn HOSE, trong đó ưu tiên mua nhiều ở mấy mã ngân hàng như STB, HDB, CTG… và HPG hay VIC. Thậm chí có mã như VIC, lượng mua của khối ngoại chiếm đến gần 90% tổng lượng khớp sáng nay. Tuy nhiên, cũng có 1 số ít cổ phiếu bị bán ròng ngạc nhiên như MBB hay KBC.
VIC giữ được đà tăng giá sát trần (hoặc chạm trần trong nhiều thời điểm) trong hơn nửa thời gian đầu phiên sáng nay, và có lẽ khối ngoại là người góp công lớn trong việc giữ đà tăng giá. Tuy nhiên kể từ sau 10g30, cổ phiếu này có vẻ bị bán nhiều hơn, và lùi đà tăng giá về mức trên 5%. Điều may mắn là 2 cổ phiếu lớn khác cùng “họ” với mã này là VHM và VRE cũng không có dấu hiệu lùi nào trong cùng thời gian này, và diễn biến của VIC cũng gần như không ảnh hưởng gì đến các chỉ số quan trọng mà VIC có trọng số lớn.
Trong số những Large Cap của sàn HOSE, EIB và PDR vẫn là 3 cái tên giảm sàn suốt phiên sáng nay, với lượng đặt bán sàn rất lớn. Ngoài ra, cũng có 1 số gương mặt thân quen khác thay nhau thỉnh thoảng nổi lên sắc đỏ, và cuối phiên sáng có BCM, KDC, VHC, PLX hay TPB.
Chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM gần như không có diễn biến gì tiêu cực trong phiên sáng. Một yếu tố quan trọng đó là tính tích cực lan tỏa từ HOSE. Trên các nhóm largecap của 2 sàn này, luôn có nhiều mã tăng giá mạnh, như CEO, MBS, SHS, NVB, VCS … của sàn HNX, hay BSR, MSR, MVN, OIL, SIP, TVN, VEF, VGI, VGT hay VTP của sàn UPCoM.
Nhóm dầu khí nhà PVN có rất nhiều mã tăng giá mạnh trong phiên sáng nay, tuy nhiên đáng tiếc nhất lại là PVS, khi đến cuối phiên lại rơi về tham chiếu, dù trong phiên có lúc tăng cực mạnh.
10h30: VN-Index treo cao quan sát diễn biến tại VIC
Chỉ số VN-Index được giữ ở mức cao trên tham chiếu bình quân chừng 20 điểm trong nửa đầu phiên sáng nay, với lực đỡ từ nhiều Large Cap. Tuy nhiên có vẻ như độ cao của chỉ số sẽ tùy theo diễn biến của 1 mã lớn là VIC.
Sàn HOSE vẫn đang có đến 80% số cổ phiếu tăng giá, so với chỉ gần 15% giảm giá. Ở nhóm Large Cap, nhất là những cổ phiếu vốn hóa tỷ USD, đa số tăng giá bình quân từ 3% trở lên. GAS, HPG và khá nhiều Large Cap khác đang tăng trở lại so với đầu phiên. 2 nhóm Mia và Small Cap thậm chí có mức tăng giá bình quân còn lớn hơn nữa.
VIC có lẽ đang là cổ phiếu tâm điểm trong số những đại gia vốn hóa tỷ USD hàng đầu của sàn HOSE . Cổ phiếu này liên tục có khớp lệnh ở mức giá trần hay sát trần, và khối ngoại thì đóng góp tới gần 90% số lượng mua khớp. Thông tin từ Bloomberg về đợt IPO chỉ trong vài tháng tới trên đất Mỹ có phải là nguyên nhân khiến khối ngoại phải mua gấp ngay lúc này? Tuy nhiên quan sát diễn biến của mã này, vẫn có nỗi lo khối ngoại không giữ được giá, và nếu VIC rớt từ độ cao này, thì dĩ nhiên VN-Index sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
EIB và PDR tiếp tục là 3 đại gia giảm sàn cho đến lúc này trên sàn HOSE. Lượng bán sàn tại PDR dù hơn 11 triệu cổ phiếu, nhưng có lẽ cũng chưa thấy có tín hiệu gom vào. Đặc biệt tại EIB, lượng bán sàn hơn 60 triệu cổ phiếu.
Trong các nhóm ngành lớn trên HOSE, tôn thép có thể coi là nhóm tích cực nhất, hơn cả ngân hàng, BĐS hay chứng khoán do đa số đều tăng từ 4% trở lên, thậm chí HPG và NKG đến giờ cũng bám dính với sắc tím khi có hàng triệu cổ phiếu được mua trần.
Với biên độ dao động giá lớn hơn, không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiều Large Cap sàn HNX tăng giá hơn 7%, thậm chí có mã tăng tới 10% và qua đó, đẩy chỉ số HNX-Index tăng tới 2.5%, mạnh hơn hẳn so với VN-Index.
Điều tưởng như tương tự với HNX-Index là UPCoM-Index, khi chỉ số này được hỗ trợ bới nhiều Large Cap có mức tăng giá từ 10% hoặc hơn như BSR, MSR, OIL, SNZ, TVN, VEF, VGT, VGI, VTP…, tuy nhiên chỉ số chính sàn UPCoM lại chỉ tăng “khiêm tốn” có 1.4%.
Nhóm ngân hàng tiếp tục là điểm sáng với thông tin hỗ trợ là “nới room 2%”. Lưu ý thông tin này chưa thể coi là chsinh thức, dù cũng khó nói đó là tin đồn vô căn cứ. Trong nhóm này, EIB là tâm điểm khi giảm sàn với hơn 60 triệu mã bị đặt ở mức giá thấp nhất bên bán. TPB hay VPB cũng là mã đáng chú ý khi đang giảm liên tục từ mức cao đầu phiên, về tham chiếu vào lúc này.
Tin ra không đúng lúc có lẽ đang bóp nghẹn tâm lý người mua PLX. Cổ phiếu này đang giảm giá gần 1% dù cũng bùng nổ khớp lệnh chiều qua. May thay, đây có lẽ vẫn đang là chuyện riêng của PLX, khi mà những cổ phiếu cùng ngành khác như OIL, PSH, PMS… vẫn đang tăng giá cả.
Mở cửa: Tâm lý hưng phấn còn đó, nhưng chờ xác nhận
VN-Index mở cửa tiếp tục tăng trên 12 điểm nhờ tâm lý hưng phấn của NĐT kéo từ chiều qua. Sàn HOSE có gần 80% số cổ phiếu tăng giá, và phần còn lại chủ yếu là vàng chứ ít mã đỏ. Tuy vậy, số cổ phiếu đua trần lại không nhiều như bùng nổ chiều qua.
Tâm lý hưng phấn vẫn còn khá cao, với nhiều cổ phiếu trên sàn HOSE dự kiến khớp trần ngay đầu phiên sáng nay, tuy nhiên càng đến sát thời điểm ATO thì số lượng dự kiến tăng trần chưa đến 50 mã. Ngược lại, đa số dự kiến khớp trong khoảng tăng từ 4-5%, cho thấy phiên hôm nay rất quan trọng, tức là (về mặt kỹ thuật) sẽ giúp xác nhận “đáy” sáng hôm qua là đáy thật hay đáy giả.
Diễn biến 2 chỉ số HNX và UPCoM-Index dù tích cực, nhưng cũng không đến mức bùng nổ như chiều qua, có lẽ chờ thêm thông tin “định hướng” từ sàn HOSE. Cụ thể, 2 chỉ số này chỉ tăng chừng 1% cho đến khi VN-Index mở cửa, tuy nhiên ngay sau đó 2 chỉ số này cũng đều có xu hướng bứt tốc.
Trên sàn HOSE tại thời điểm ATO, hầu hết các nhóm ngành lớn nhỏ đều phủ sắc xanh, trừ số ít như nhóm phân phối xăng dầu. Ngoài ra, có 1 số đại gia bất ngờ đỏ như GAS, MSN hay FPT, bên cạnh 1 số đại gia tiếp tục giảm giá như PDR hay EIB. Khối ngoại mua ròng nhẹ đầu phiên.
Nhóm ngành BĐS nhà ở tiếp tục có 3 cái tên giảm sàn là PDR và SJS, đồng thời có 1 số tên tuổi khác đỏ ngay hoặc chỉ sau ATO 1 vài phút như AGG, CRE… Trong số này, SJS ít được truyền thông nhắc đến như hay PDR, nhưng đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp tính đến trước sáng nay. Ngược lại, VIC vẫn tiếp tục dư mua trần, và có lẽ đang là cổ phiếu nổi bật nhất trong số Large Cap của nhóm ngành này.
2 trong “bộ ba” đại gia hàng đầu ngành tôn thép là NSH và NKG đầu phiên sáng nay vẫn chất hàng triệu cổ phiếu đặt mua tại giá ATO hoặc trần, nhưng HPG thì không. Dù lệnh mua tại ATO vẫn nhiều, nhưng giá dự kiến khớp của HPG tăng chưa đến 5%. Đến thời điểm ATO, HPG tăng 4.5%, HSG vẫn tím, nhưng NKG mất màu tím chỉ còn tăng 6.2%. Các tên tuổi khác trong nhóm này nhìn chung vẫn giữ được mức tăng giá trên 3%, đáng chú ý trên UPCoM có TIS tăng hơn 10% và TVN tăng hơn 7%.