Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất

10/03/2022 09:14

Hiện tượng các doanh nghiệp đấu giá đất với giá cao rồi chấp nhận bỏ cọc, xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, đã đẩy giá nhà, đất tại nhiều khu vực bị đẩy lên mức rất cao.

Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất

Hiện tượng các doanh nghiệp đấu giá đất với giá cao rồi chấp nhận bỏ cọc, xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, đã đẩy giá nhà, đất tại nhiều khu vực bị đẩy lên mức rất cao.

Rầm rộ bỏ cọc đấu giá đất

Thời gian gần đây tại TP.HCM, vấn đề đấu giá đất công được dư luận đặc biệt quan tâm khi xảy ra hàng loạt vụ thất thoát tài sản nhà nước liên quan đến đất đai do không thực hiện quy định đấu giá, trong đó có Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Báo Kinh tế Môi trường trong thời gian qua cũng đã đăng tải rất nhiều bài về vụ việc đấu giá "khủng" 4 lô đất ở Thủ Thiêm, việc TP.HCM tổ chức đấu giá thành công 4 khu đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm thu về cho ngân sách 37.346 tỷ đồng càng cho thấy việc đấu giá đất đai thuộc sở hữu nhà nước cần phải được chấp hành nghiêm, đảm bảo pháp luật được thượng tôn, cơ hội kinh doanh được bình đẳng và ngân sách nhà nước không bị thất thoát.

Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất - Ảnh 1Đã xuất hiện hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá “ảo” để đẩy giá, đẩy giá đất, giá nhà tăng cao. (Ảnh: TL)

Cho đến nay, chưa có thông tin về việc Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước theo Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, mà lẽ ra phải thanh toán 50% giá trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày và phải thanh toán 50% giá trúng đấu giá còn lại trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có Thông báo của Cục Thuế.

Ngay sau các cuộc đấu giá đất, đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá "ảo" để "té nước theo mưa", thổi giá, đẩy giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương, hoặc để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu; hoặc nhằm "đánh vống" giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay tín dụng mà nếu thực hiện "trót lọt" thì có thể "rút ruột" ngân hàng; hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho hay.

Còn tại Hà Nội, rầm rộ bỏ cọc đấu giá đất cũng diễn ra trong thời gian vừa qua. Kế hoạch của TP.Hà Nội, trong năm 2021, thành phố sẽ đấu giá quyền sử dụng đất 446 dự án, tổng diện tích 177,29 ha, dự kiến số tiền trúng đấu giá hơn 23,6 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2022-2023, dự kiến đất đấu giá là 1.084,82 ha; Thu ngân sách đấu giá quyền sử dụng đất Hà Nội đạt 104.002,77 tỷ đồng.

Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất - Ảnh 2Khu đất đấu giá X4 Mai Dịch được "đẩy" lên gần 400 triệu đồng/m2, cao từ 2-2,6 lần giá khởi điểm. (Ảnh: Báo Giao thông)

Thế nhưng cũng giống như nhiều địa phương khác, trong thời gian gần đây, liên tục xuất hiện tình trạng bỏ bọc sau khi giá đấu bị đẩy cao bất thường.

Theo thông tin mà chúng tôi tìm hiểu, bỏ cọc đấu giá đất mới nhất phải kể đến như huyện Mê Linh, ngay trước thời điểm đón chào năm mới 2022, Trung tâm quỹ đất huyện này đã phải hủy bỏ kết quả đấu giá gần 20 thửa do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Rầm rộ bỏ cọc đấu giá đất tại Hà Nội, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách nếu không có biện pháp kịp thời.

Cụ thể: Dự án đấu giá thôn Ngự Tiền (xã Thanh Lâm) 10 thửa; Dự án tại điểm X2, thôn Văn Lôi (xã Tam Đồng) 5 thửa; Dự án tại điểm X3 (xã Tam Đồng) cũng có trường hợp bỏ cọc… Số tiền nhà đầu tư bỏ cọc trên địa bàn huyện khoảng 60 tỷ đồng.

Mới đây nhất, 4 thửa đất tại Khu X4, phường Mai Dịch cũng đã bị người trúng đấu giá bỏ cọc sau khi "đẩy" giá lên gần 400 triệu đồng/m2 (2-2,6 lần so với giá khởi điểm).

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, năm 2021, đã thực hiện đấu giá khoảng 10.880/12.800 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Thu tiền sử dụng đất 11.055 tỷ đồng/20.700 tỷ đồng, chỉ đạt 53,4% theo kế hoạch.

Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất - Ảnh 3PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói: "Trong thời điểm nhiều địa phương bị giảm nguồn thu ngân sách từ các hoạt động sản xuất kinh doanh thì tiền thu từ đấu giá, thuê đất là nguồn thu bù đắp đảm bảo nguồn thu. Hiện tượng rầm rộ bỏ cọc sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách thành phố nếu không có giải pháp kịp thời",

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu tình trạng bỏ cọc tiếp diễn, Hà Nội rất dễ "thất thu" ngân sách. Cùng với đó là ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đô thị, ổn định đời sống dân cư và rối loạn thị trường bất động sản Thủ đô.

Cần ngăn chặn những hệ quả, hậu quả tiêu cực có thể xảy ra

Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất - Ảnh 4Luật sư Trần Đức Phượng.

Nhìn từ vụ đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Việc giao đất, cho thuê đất cần phải thực hiện đúng theo quy định từ Luật Đất đai 2003 và Luật đất đai 2013 (hiện nay).

Cụ thể, phải được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất (đối với đất đã giải phóng mặt bằng) và đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư (đối với đất chưa giải phóng mặt bằng), nếu không thực hiện đúng quy định sẽ gây ra thất thoát ngân sách nhà nước, dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ bị xử lý vi phạm như trong thời gian qua tại TP.HCM.

Luật sư Phượng nêu quan điểm: “Đất đai là nguồn tài nguyên có giới hạn, là sở hữu toàn dân nên việc quản lý cần công khai minh bạch để người dân giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm không thực hiện đúng quy định pháp luật. Hiện nay, nhiều địa phương đã thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và thực tế đã mang lại hiệu quả, nguồn thu lớn cho ngân sách, đồng thời lựa chọn được những nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, tránh tình trạng đầu cơ đất, bỏ hoang đất”.

Trước những dấu hiệu "bất thường" của các cuộc đấu giá đất tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1767/CĐ-CP ngày 21/12/2021 chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời và với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên đã ngăn chặn được những hệ quả, hậu quả tiêu cực có thể xảy ra từ các cuộc đấu giá đất và kiểm soát được tình hình thị trường bất động sản. Nhưng, thị trường bất động sản vẫn đang trong tình trạng có dấu hiệu bị "đầu cơ", giá đất, giá nhà, giá căn hộ đang bị đẩy lên rất cao.

Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất - Ảnh 5Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, từ thực tế trên, sự cần thiết phải tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản".

Trong đó, Hiệp hội nhận thấy cần tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của "Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản" để kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, bắt đầu từ công tác xác định "giá khởi điểm đấu giá" nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng "đấu giá cuội", "đấu giá có quân xanh - quân đỏ".

Ngăn ngừa hành vi "thông đồng" giữa các nhà đầu tư tham gia đấu giá, hoặc hành vi "thông đồng" giữa nhà đầu tư với người của cơ quan tổ chức đấu giá, hoặc hành vi của phần tử xấu ngoài xã hội "can thiệp" trái pháp luật vào các cuộc đấu giá, đấu thầu.

Trước những dấu hiệu “bất thường” của các cuộc đấu giá đất tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1767/CĐ-CP ngày 21/12/2021 chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời và với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên đã ngăn chặn được những hệ quả, hậu quả tiêu cực có thể xảy ra từ các cuộc đấu giá đất và kiểm soát được tình hình thị trường bất động sản.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết "Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).