Kết thúc hai ngày họp chính sách, Fed thông báo giữ nguyên lãi suất cận 0 và sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng hiện tại, như thị trường dự báo, đánh dấu sự thay đổi chính thức với các chính sách hỗ trợ triển khai từ tháng 3/2020 để ứng phó suy thoái và thất nghiệp do đại dịch Covid-19.
Việc siết mua tài sản sẽ bắt đầu “cuối tháng này”, theo FOMC. Fed sẽ giảm quy mô mua 15 tỷ USD/tháng, gồm 10 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 5 tỷ USD chứng khoán thế chấp (MBS), hoàn tất vào khoảng giữa năm 2022.
Chương trình mua tài sản của Fed
Fed đã mua vào hàng nghìn tỷ trái phiếu chính phủ và MBS từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, trong quy trình nới lỏng định lượng (QE) nhằm giảm lãi suất dài hạn, nới lỏng điều kiện tài chính và giúp tăng lực cầu – tương tự như công thức sử dụng giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái 2007 – 2009.
Fed hiện mua 80 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp mỗi tháng. Kể từ khi triển khai, quy mô bảng cân đối của Fed tăng từ 4.400 tỷ USD lên 8.600 tỷ USD. Trái phiếu chính phủ và MBS chiếm khoảng 8.000 tỷ USD quy mô bảng cân đối của Fed.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: WSJ. |
Lý do Fed bắt đầu siết mua tài sản
Kinh tế Mỹ, đang trên đà tăng trưởng nhanh nhất kể từ những năm 1980, không cần những biện pháp mạnh tay nữa, và nếu duy trì, chúng sẽ mang lại hại nhiều hơn lợi. Ví dụ, tỷ lệ thế chấp thấp làm bùng nổ giá nhà, nhưng các vấn đề đang ảnh hưởng đến nền kinh tế chủ yếu là cung ứng trong khi lực cầu, bị ảnh hưởng trực tiếp nhất từ chương trình mua trái phiếu, tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Họ làm vậy bởi nền kinh tế thực sự mạnh… Nền kinh tế có thể tự đứng vững”, Julia Coronado, cựu kinh tế gia tại Fed, chủ tịch công ty tư vấn kinh tế MacroPolicy Perspectives, nói.
Cơ chế siết hỗ trợ
Fed từng thông báo trong giữa tháng 11 và tháng 12 sẽ giảm quy mô mua trái phiếu 10 tỷ USD/tháng, giảm mua MBS 5 tỷ USD/tháng. Fed dự báo duy trì tiến độ này trong những tháng kế tiếp, đồng nghĩa kết thúc hoàn toàn chương trình vào tháng 6/2022. Fed không dừng mua hoàn toàn ngay một lần để “tránh gây sốc cho thị trường tài chính, đẩy lãi suất cao hơn vốn có”, theo Kathy Bostjancic, kinh tế gia trưởng về Mỹ tại Oxford Economics.
Giới chức Fed còn cho biết họ có thể tăng tốc hoặc giảm tiến độ nếu cần. Thời gian 8 tháng siết hỗ trợ cũng nhanh hơn so với lần trước đó, cho thấy Fed tự tin về đà phục hồi kinh tế mạnh nhất nhiều thập kỷ và muốn có vị thế tăng lãi suất từ vùng cận 0 hiện tại trong năm 2022 nếu lạm phát còn cao.
Fed làm gì tiếp với bảng cân đối
Vào tháng 6/2022, bảng cân đối của Fed sẽ có quy mô hơn 9.000 tỷ USD, khoảng 8.400 tỷ là trái phiếu có liên quan đến các đợt QE kể từ cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước. Câu hỏi đặt ra là Fed dự định làm gì tiếp sau đó.
Lần gần nhất, Fed bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối hai năm sau khi bắt đầu tăng lãi suất ngắn hạn, bằng cách không thay thế các chứng khoán đáo hạn. Giới quan sát Fed cho rằng ngân hàng trung ương sẽ kiên nhẫn và thụ động hơn lần này, ít nhất là bởi Fed đã giảm quy mô quá nhiều trong giai đoạn 2018 – 2019.
Fed cũng không cần thiết phải giảm quy mô bảng cân đối như lần trước, khi cơ quan này thấy không hài lòng bởi đây là công cụ chính sách chưa được kiểm tra. Giờ đây, với hai lần sử dụng bảng cân đối làm bệ đỡ chính kể từ Đại Suy thoái, “giới chức Fed đã hiểu bảng cân đối sẽ được triển khai trong lần suy thoái tiếp theo và trở thành một công cụ trong ‘bộ đồ nghề’”, theo Coronado.
Một lựa chọn, đã được chủ tịch Fed Jerome Powell đề cập là giữ ổn định bảng cân đối và để nền kinh tế tăng trưởng. Khi GDP tăng, bảng cân đối sẽ tự giảm quy mô khi tính theo %, giảm dần ảnh hưởng theo thời gian. Tỷ lệ quy mô bảng cân đối so với GDP danh nghĩa hiện là gần 36%, gần gấp đôi so với trước đại dịch.
Những người khác không chắc chắn, cho rằng duy trì bảng cân đối quá lớn trong thời gian dài có thể hạn chế hiệu quả của biện pháp này khi cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra, khuyến khích Fed giảm quy mô.
“Những con số này lớn bất kể chúng ta nhìn chúng như thế nào… Có lý do để nghĩ về ‘bình thường hóa’ một số công cụ chính sách theo thời gian. Tôi nghĩ họ có thể nhận thấy một số lợi ích, trong đó có mở ra dư địa lớn hơn cho lần QE kế tiếp”, theo Matthew Luzzetti, kinh tế gia trưởng về Mỹ tại Deutsche Bank.