Những 'vết đen' của liên danh Ngọc Sao Thủy - Tasco, nhà đầu tư dự án 2.400 tỷ ở Thanh Hóa
UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, đơn vị trúng thầu dự án khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú là liên danh Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy - Công ty Cổ phần Tasco.
Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, nhà đầu tư này cũng là đơn vị duy nhất vượt qua vòng sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú.
Được biết, dự án có quy mô 39,69ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện dự án hơn 2.256 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 151,7 tỷ đồng.
Liên danh Ngọc Sao Thủy - Tasco sẽ có thời hạn và tiến độ thực hiện dự án không quá 54 tháng kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.
Việc liên danh Ngọc Sao Thủy - Tasco dễ dàng bỏ túi dự án hơn 2.400 tỷ đồng đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, đầu tư địa ốc. Trên một số nhóm bất động sản, nhiều thành viên đặt ra câu hỏi rằng năng lực tài chính của bộ đôi này có gì đặc biệt, ấn tượng tới đâu mà thuận lợi trúng thầu khi là nhà đầu tư duy nhất vượt qua vòng sơ tuyển lựa chọn của UBND tỉnh Thanh Hóa?
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trước hết về Công ty Cổ phần Tasco (HUT) - đây là cái tên không hề xa lạ đối với những ai quan tâm đến lĩnh vực giao thông, địa ốc. Tasco đang niêm yết trên sàn chứng khoán với mã HUT, từng "vang bóng một thời" và là "đại gia" giàu lên nhanh chóng nhờ đầu tư vào các dự án BOT, bên cạnh các dự án bất động sản tầm cỡ như dự án Foresa Villa (khu nhà ở sinh thái Xuân Phương rộng 38ha), dự án văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng, dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building – Pháp Vân, dự án Xuân Phương Residence, dự án nhà ở cho cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, Tasco sở hữu khối tài sản hơn 9.842 tỷ đồng. Dù vậy, hơn một nửa tài sản, nguồn vốn được tài trợ bởi các khoản nợ vay với 5.310 tỷ đồng, chủ yếu là là vay dài hạn.
Chủ nợ lớn nhất của Tasco là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Hà Nội với khoản cho vay 2.144 tỷ đồng, theo sau là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Nam Định và chi nhánh sở giao dịch 3 với lần lượt 1.724 tỷ đồng và 830 tỷ đồng.
Sử dụng đòn bẩy ở mức rất cao (hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu xấp xỉ 2 lần) là một trong những nguyên nhân chính khiến Tasco liên tục thua lỗ trong các quý trở lại đây, thậm chí, các khoản lỗ đang cho thấy xu hướng ngày một "phình to", phản ánh sự sa sút trầm trọng của "ông trùm" BOT này.
Cụ thể, giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021, chi phí lãi vay của Tasco đã lên tới 231,6 tỷ đồng, cao hơn 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế cũng "rớt thảm" xuống mức âm 146,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 89,7 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2021, Tasco đã lỗ lũy kế hơn 53,3 tỷ đồng.
Nhìn lại năm 2020, Tasco ghi lỗ sau thuế hơn 243 tỷ đồng, đảo chiều khoản lãi 44,6 tỷ đồng năm 2019. Ngoài sự suy giảm của doanh thu, các chi phí giá vốn, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và lãi vay cũng tăng rất nhanh, tạo áp lực lớn đến kết quả kinh doanh của Tasco.
Đáng chú ý, mảnh ghép còn lại của liên danh nhà đầu tư vừa trúng thầu dự án 2.400 tỷ đồng cũng không hề sáng sủa hơn. Theo đó, Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy (viết tắt là Sao Ngọc Thủy) là pháp nhân mới thành lập từ ngày 18/4/2019, "đại bản doanh" đặt ở tỉnh Thanh Hóa.
Ngọc Sau Thủy có vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng, trong đó hai cổ đông sáng lập là bà Tống Thị Lan (sinh năm 1964) và ông Phạm Ngọc Sáng (1958) lần lượt góp 70% và 30% vốn. Ông Sáng và bà Lan có cùng địa chỉ nhà tại tỉnh Thanh Hóa. Sau này, ông Sáng đã rút lui khỏi Ngọc Sao Thủy, thay vào đó là bà Phạm Thị Trang (1992) - người có cùng địa chỉ thường trú với bà Lan, ông Sáng.
Theo thông tin mà VietnamFinance có được, tổng tài sản của Ngọc Sao Thủy tính tới ngày 31/12/2020 đạt 523,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn tài sản lại nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn với 420 tỷ đồng, còn lại hơn 103,4 tỷ đồng là khoản tiền và tương đương tiền.
Kể từ khi thành lập, Ngọc Sao Thủy dường như "ngủ đông" khi không hề phát sinh doanh thu, năm 2019 và 2020 đều ghi nhận con số 0. Khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng lần lượt 5,9 triệu đồng và 995 triệu đồng.
Ngoài Ngọc Sao Thủy, cơ đồ của bộ đôi doanh nhân Tống Thị Lan, Phạm Ngọc Sáng còn có Công ty TNHH TM Thuận Lợi, Công ty TNHH Kiến trúc nội thất T&H Concept, Công ty TNHH XD Khai thác khoáng sản Thiên Phú, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thương mại Chúc Ngọc Linh, Công ty Cổ phần Tập đoàn bất động sản Thiên Tài, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Lộc Phát.
(Còn nữa)