Những 'vết đen' của Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng dưới thời ông Nguyễn Văn Hùng

23/03/2022 19:50

Công ty TNHH Phát triển du lịch Quốc tế Phượng Hoàng Mộc Châu là chủ đầu tư dự án khu du lịch rừng thông bản Áng - dự án đầy 'tai tiếng', sai phạm ở Sơn La đã bị Thanh tra Chính phủ 'điểm mặt' trong kết luận thanh tra hồi tháng 6 năm ngoái.

Những 'vết đen' của Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng dưới thời ông Nguyễn Văn Hùng

'Nhắm' dự án khu du lịch gần 367ha tại Hòa Bình

Sáng 23/3, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Phát triển du lịch Quốc tế Phượng Hoàng Mộc Châu (viết tắt là Phượng Hoàng Mộc Châu) về ý tưởng đề xuất dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại xóm Máy xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình của doanh nghiệp này.

Cụ thể, Phượng Hoàng Mộc Châu đề xuất chính quyền tỉnh cho phép nghiên cứu triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại xóm Máy với tổng diện tích khảo sát thực hiện dự án là 366,7ha. Ranh giới dự án bao gồm phía Bắc giáp khu dân cư xóm Máy, phía Nam giáp đường tỉnh lộ 433, phía Đông giáp khu dân cư xã Toàn Sơn, phía Tây giáp núi tự nhiên.

Dự án dự kiến chia thành 7 phân khu, gồm bố trí xây dựng biệt thự để bán, cải tạo suối tạo cảnh quan cho khu nghỉ dưỡng và toàn bộ dự án; khu vui chơi giải trí cao cấp ngoài trời; khu trung tâm xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao; khu tổ chức sự kiện, hội họp, nhà hàng; khu du lịch tâm linh; xây dựng và cải tạo toàn bộ cảnh quan thung lũng, xây dựng 200 căn Bungalow nghỉ dưỡng cao cấp; khu biệt thự trên đồi.

Đại diện Phượng Hoàng Mộc Châu tự thiệu, doanh nghiệp đã có 15 năm thành lập và phát triển, hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch, đã xây dựng và đầu tư một số điểm kinh doanh dịch vụ du lịch cao cấp tại 3 địa phương: Bắc Ninh, Mộc Châu và Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp mong muốn được tỉnh tạo điều kiện để triển khai ý tưởng, đồng thời bày tỏ quyết tâm xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đảm bảo thiết kế nổi bật, có cảnh quan đẹp tại địa phương.

Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình khẳng định định hướng phát triển xanh, bền vững của tỉnh, luôn tạo điều kiện và mong muốn thu hút các nhà đầu tư có tâm, có tầm và năng lực, thực sự đầu tư tại tỉnh. Ông Ngô Văn Tuấn nhất trí với ý tưởng đề xuất của Phượng Hoàng Mộc Châu, đồng thời đề nghị Sở Xây dựng, chính quyền thành phố Hòa Bình phối hợp với doanh nghiệp xác định địa điểm cụ thể để tiến hành khảo sát, tuyệt đối tôn trọng các quy hoạch đã có, đảm bảo cảnh quan thiên nhiên và các yếu tố về môi trường...

Chủ đầu tư dự án nghìn tỷ đầy sai phạm ở Sơn La

Tìm hiểu được biết, Phượng Hoàng Mộc Châu thành lập ngày 22/6/2017 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Chủ sở hữu là ông Nguyễn Văn Hùng (1957), còn tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật khi ấy là ông Nguyễn Quốc Khánh (1962).

Đến tháng 6/2018, chiếc ghế tổng giám đốc được nhường cho ông Nguyễn Sơn Hà (1953). Tiếp đó, ngày 24/7/2020, Phượng Hoàng Mộc Châu tăng vốn điều lệ lên 408,1 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Hùng sở hữu 51% cổ phần, ông Phạm Ngọc Khanh (1962), phó tổng giám đốc nắm giữ 49% còn lại.

Ông Nguyễn Văn Hùng là người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng, "sếu đầu đàn" của nhóm doanh nghiệp mang thương hiệu Phượng Hoàng, ra đời từ năm 2007, sẽ được đề cập tại phần dưới đây.

Trở lại với Phượng Hoàng Mộc Châu, đây là chủ đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Rừng thông bản Áng, tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng ở Sơn La, tiến độ thực hiện 2018-2025. Trước đó, dự án này được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 13/7/2017, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại quyết định số 654/QĐ-UBND ngày 1/4/2020.

Có thể nói dự án rừng thông bản Áng là dự án trọng điểm của tỉnh, quy mô sau điều chỉnh trên 50ha, với 10 phân khu chức năng, gồm khu quảng trường, khu khách sạn vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn 5 sao, khu dịch vụ nhà hàng ẩm thực, khu biệt thự nghỉ dưỡng từ 50 - 100 căn biệt thự, khu dịch vụ thương mại, khu vui chơi ngoài trời, khu thể thao... Đến nay, dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục, công trình... thu hút nhiều lượt du khách tới tham quan hàng năm.

Một phần quang cảnh dự án rừng thông bản Áng

Đặc biệt, mặc dù diện tích trên 50ha, nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo Phượng Hoàng Mộc Châu, chính quyền địa phương khi trước chỉ mất 3 tháng đã giải phóng xong mặt bằng để bàn giao cho phía doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm sát sao của huyện Mộc Châu lúc đó.

Tuy vậy, bất chấp những kỳ vọng đặt ra, dự án Rừng thông bản Áng lại tồn tại không ít sai phạm, đã được Thanh tra Chính phủ "chỉ mặt điểm tên" tại Kết luận số 1035/KL-TTCP ngày 30/6/2021.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Rừng thông bản Áng tồn tại nhiều sai phạm, bao gồm việc UBND tỉnh Sơn La ban hành quyết định chủ trương đầu tư số 1925 ngày 13/7/2017 là không có cơ sở, không đúng với quy định.

Đồng thời, chủ đầu tư không thực hiện việc lấy ý kiến tham gia của các cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ quy hoạch; chưa thực hiện quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng; xây dựng một số công trình không đúng với quy hoạch, vi phạm Luật Xây dựng năm 2014...

Đồng thời, quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND huyện Mộc Châu phê duyệt tại quyết định số 144 ngày 22/1/2020 cũng không đáp ứng đầy đủ nguyên tắc, nội dung của một đồ án điều chỉnh. Việc điều chỉnh cục bộ của đồ án thay đổi, bổ sung một số vị trí công trình xây dựng và hệ thống đường giao thông nội bộ của khu vực, điều chỉnh chức năng sử dụng đất không phù hợp quy định.

Dự án có một phần diện tích đất UBND huyện Mộc Châu đã đầu tư xây dựng một số hạng mục để chỉnh trang, phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình, cá nhân cộng đồng bản với giá trị xác định còn lại là hơn 1,76 tỷ đồng; năm 2018, UBND tỉnh giao cho nhà đầu tư thuê đất. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho biết UBND huyện Mộc Châu và các sở, ngành chậm thực hiện xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Đến năm 2019, các ngành mới tham mưu UBND tỉnh thực hiện, đầu năm 2020 đã thanh lý số tài sản trên thông qua hình thức đấu giá với giá trúng đấu hơn 4,1 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ xác định, để xảy ra một số tồn tại, hạn chế nêu trên, trong đó có trách nhiệm của UBND tỉnh Sơn La, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Mộc Châu và chủ đầu tư dự án.

'Sếu đầu đàn' âm vốn chủ sở hữu

Về cấu trúc tài chính của Phượng Hoàng Mộc Châu, theo tài liệu VietnamFinance thu thập được, khối tài sản của doanh nghiệp tính đến cuối năm 2020 đạt 565 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 420,5 tỷ đồng. Đáng nói, tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là tiền và tương đương tiền, với 399 tỷ đồng, còn lại là tài sản cố định với 130 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh gần như không biến động, mới phát sinh doanh thu thuần từ năm 2019 với 3 tỷ đồng, tăng lên gần 4 tỷ đồng ở năm kế tiếp. Khấu trừ chi phí và thuế, Phượng Hoàng Mộc Châu liên tục lỗ ròng từ khi thành lập, với mức lỗ cao nhất là 13,4 tỷ đồng năm 2020.

Nhìn chung bức tranh tài chính của Phượng Hoàng Mộc Châu tương đối ảm đạm, có thể hiểu được khi dự án Rừng thông bản Áng chưa hoàn thành, chưa đem về doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Thế nhưng so với Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng (Tập đoàn Phượng Hoàng), vẫn còn được cho là tươi sáng hơn.

Theo đó, xét giai đoạn 5 năm trở lại đây, doanh thu của doanh nghiệp lần lượt đạt 15,5 tỷ đồng (2016), 27,9 tỷ đồng (2017), 76,7 tỷ đồng (2018), 92,7 tỷ đồng (2019), 23,7 tỷ đồng (2020). Có thể thấy, Tập đoàn Phượng Hoàng duy trì đà tăng trưởng suốt giai đoạn 2016-2019, trước khi trở nên trầy trật vào năm 2020, nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn thua lỗ liên tục ở các năm này, chỉ duy nhất năm 2019 có lãi rất "mỏng" với 262,8 triệu đồng.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2018 ghi nhận các khoản lỗ của Tập đoàn Phượng Hoàng là 37,3 tỷ đồng, 43,4 tỷ đồng, 9,3 tỷ đồng. Thậm chí năm 2020, con số thua lỗ trở nên nặng nề nhất với hơn 73,1 tỷ đồng, gần bằng một nửa vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thua lỗ là vậy, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Phượng Hoàng liên tục bị ăn mòn. Đến cuối năm 2020, doanh nghiệp chính thức âm vốn chủ sở hữu 51,8 tỷ đồng, trong khi các khoản nợ tài chính ngày một tăng.

Nếu như năm 2016, nợ phải trả ở mức 307 tỷ đồng, thì đến thời điểm 31/12/2020 đã lên tới 488,2 tỷ đồng, chiếm hầu hết là nợ vay dài hạn với 406,5 tỷ đồng, dấy lên những lo ngại không hề nhỏ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Tập đoàn Phượng Hoàng, Công ty TNHH Phát triển du lịch Quốc tế Phượng Hoàng Galaxy cũng không có điểm nào tích cực về tài chính, gần như "ngủ đông" kể từ khi thành lập.

Bạn đang đọc bài viết "Những 'vết đen' của Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng dưới thời ông Nguyễn Văn Hùng" tại chuyên mục Doanh Nghiệp. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).