Qua nhiều năm tồn tại, đến nay nhiều dãy nhà chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng với mức độ nguy hiểm cao... Ảnh: Vietnam+ |
Vướng mắc lớn nhất của vấn đề là hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề đền bù mức nào cho các chủ căn hộ cũ là nút thắt mấu chốt. Câu chuyện này sẽ còn tiếp tục khó khăn, kéo dài mãi mãi nếu như căn hộ chung cư không được quy định niên hạn sử dụng.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình thẩm định và lấy ý kiến góp ý. Đề cương Luật có phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn của công trình. Theo đó, giấy chứng nhận cấp cho chủ sở hữu căn hộ sẽ ghi thời hạn của chung cư là 50-70 năm thay vì sở hữu, sử dụng lâu dài như hiện nay. Nội dung này ngay lập tức gây phản ứng của nhiều người sử dụng chung cư cũng như một số bất động sản bởi nó sẽ tác động đến thị trường phân khúc nhà ở này. Tuy vậy, xét về lâu dài và kinh nghiệm tại nhiều quốc gia phát triển, việc quy định niên hạn sử dụng cho chung cư là cần thiết.
Nhìn thẳng thực tế, chung cư là một loại công trình xây dựng nên đương nhiên nó có thời hạn sử dụng. Bởi đến một thời điểm nào đó công trình sẽ xuống cấp, cũ hỏng và không còn an toàn cho người sử dụng, cần cải tạo hoặc xây mới. Khi đó nếu quy định đã rõ ràng việc cải tạo sẽ dễ dàng, tiết kiệm và không gây những bức xúc trong đời sống xã hội. Vấn đề đặt ra là điều kiện đi kèm với quy định niên hạn sử dụng chung cư là gì? Đây là điều cơ quan xây dựng pháp luật cần tính toán thấu đáo để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân khi công trình chung cư hết niên hạn sử dụng. Khi người dân thấy được sự yên tâm về chính sách trên cơ sở của sự hợp lý, công bằng, minh bạch thì chính sách sẽ được người dân chấp nhận và dễ dàng đi vào cuộc sống.