Nợ phải trả tăng mạnh, nhập nhằng trong kinh doanh, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) xin niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu

16/08/2022 11:58

Với cơ cấu tài sản chủ yếu cấu thành từ nợ, mang tính rủi ro cao nhưng Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã SIP) mới đây vẫn tự tin nộp hồ sơ niêm yết hơn 92,9 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE.

Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) xin niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu ngay sau đà tăng

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã UPCoM: SIP) được thành lập từ năm 2007,  hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhà xưởng, khu dân cư. Cơ cấu cổ đông của SIP ghi nhận tại 12/2021 gồm 4 cổ đông chính là: CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc (nắm19,46% vốn điều lệ), ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT (nắm 9,92% vốn điều lệ); CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) (nắm 8,86% vốn điều lệ), ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc (nắm 7,36% vốn điều lệ) và 54,4% vốn điều lệ còn lại thuộc về nhóm cổ đông khác.

Trong ngày 11/08 vừa qua, Đầu tư Sài Gòn VRG đã nộp hồ sơ niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu lên sàn HoSE, với giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 15/08 là 134.000 đồng/cổ phiếu thì vốn hoá của Đầu tư Sài Gòn VRG sẽ là 12.448,6 tỷ đồng.

sip-1660624380.jpg Nợ phải trả chiếm tới 81% tổng tài sản, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) vẫn tự tin xin niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu trên HoSE. Ảnh TL

Động thái xin niêm yết trên sàn HoSE của Đầu tư Sài Gòn VRG diễn ra ngay sau khi cổ phiếu này bật tăng trần liên tục nhiều phiên khiến giới đầu tư không khỏi thắc mắc về sự trùng hợp này.

Cụ thể thì diễn biến giá từ đầu năm 2022 tới nay của cổ phiếu SIP có nhiều diễn biến khá bất thường. Trong giai đoạn đầu năm 2022 cho tới giữa tháng 04 năm 2022, giá cổ phiếu SIP chỉ biến động nhẹ, luôn quanh mốc 140.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, từ giữa tháng 04 đến giữa tháng 05 năm 2022, giá cổ phiếu SIP liên tục lao dốc và chạm đáy 98.900 đồng/cổ phiếu. Kể từ đó đến giữa tháng 07, cổ phiếu này có đôi lúc rung lắc nhưng vẫn chưa thể thoát hoàn toàn khỏi mốc giá 100.000 đồng/cổ phiếu.

Đà bật tăng của SIP bắt đầu từ ngày 13/07 tại mốc 100.500 đồng/cổ phiếu tới nay đã đạt 134.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với việc tăng 33% chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Điều đáng chú ý hơn đó là đà tăng này chỉ diễn ra ngay trước khi  Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) nộp đơn xin niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận đi lùi, tài sản chiếm 81% là nợ phải trả

Xem xét về tình hình kinh doanh trong 4 năm gần nhất của Đầu tư Sài Gòn VRG, có thể thấy rằng doanh thu hàng năm của đơn vị này tăng trưởng rất đều đặn nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lại không tăng trưởng tương xứng, thậm chí còn có dấu hiện sụt giảm.

Cụ thể thì trong năm 2020, doanh thu ghi nhận đạt 5.082,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.025,7 tỷ đồng. Sang đến năm 2021, dù doanh thu đã tăng tới gần 10% lên mức 5.577,6 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lại giảm xuống chỉ còn 835,4 tỷ đồng, tương đương mức giảm khoảng 19%

sip-2-1660624632.jpg

Một điểm đáng chú ý nữa đó chính là qua các năm, dù vốn chủ sở hữu của SIP liên tục gia tăng nhưng cơ cấu nợ phải trả trong tổng tài sản vẫn chiếm tỷ lệ vô cùng cao. Trong năm 2021, ghi nhận tổng tài sản của Đầu tư Sài Gòn VRG đạt 17.817,3 tỷ đồng, trong khi Nợ phải trả chiếm tới 14.519,4 tỷ đồng, tương đương với 81,4%.

Ghi nhận tại thời điểm gần nhất, kết thúc Quý II năm 2022, tỷ lệ nợ trong tổng tài sản của Đầu tư Sài Gòn VRG vẫn chưa có tín hiệu cải thiện. Tổng tài sản ghi nhận khi kết thúc ngày 30/06 là 18.922,2 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm tới 15.342,2 tỷ đồng, vẫn chiếm tới 81,1%, cho thấy mức độ rủi ro tài chính cao trong hoạt động kinh doanh của đơn vị này.

Nhập nhằng trong kinh doanh, bị phạt và truy thu thuế

Về hoạt động kinh doanh của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, đơn vị này còn từng có dấu hiệu vi phạm quy định của nhà nước về việc kê khai thuế

Vào cuối năm 2021 vừa qua, Cục Thuế TP HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG với sai phạm Khai sai thuế giá trị gia tăng nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp; Khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp

Với các hành vi kể trên, Đầu tư Sài Gòn VRG đã phải nộp phạt hành chính 42,7 triệu đồng và bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền lên tới 181 triệu đồng.

Điều đáng chú ý đó là sự cố trên cũng không phải là lần đầu CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG bị xử lý vi phạm về khai báo thuế. Trong tháng 03 năm 2020, đơn vị này cũng đã bị Tổng cục thuế (Bộ tài chính) truy thu, phạt vi phạm hành chính và tiền nộp chậm lên tới 3,56 tỷ đồng

Bạn đang đọc bài viết "Nợ phải trả tăng mạnh, nhập nhằng trong kinh doanh, Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) xin niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).