Làm căn cước ở TP.HCM: 'Tôi phải về quê bổ sung thông tin, lấy số định danh'

07/07/2022 10:45

Nhiều người dân tạm trú ở TP.HCM phải chờ đợi cả năm trời mà chưa có căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Bên công an giải thích là do thiếu sót dữ liệu trên hệ thống nên phải để người dân tự về quê bổ sung, lấy số định danh.

cccd-1657164328.pngAnh Mai Danh Dương phải từ TP.HCM về Thanh Hóa để lấy thông báo số định danh cá nhân - Ảnh: M.HÒA

Trong thời gian qua, không ít trường hợp người dân phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ về việc bị chậm trả CCCD gắn chip do các sai sót về dữ liệu, thậm chí không có dữ liệu trên hệ thống. Đa số các trường hợp rơi vào diện tạm trú tại TP.HCM và có giấy tờ thường trú ở tỉnh thành khác.

Phải về quê lấy thông báo số định danh

Anh Đoàn Thái Hậu (24 tuổi, thường trú tỉnh Đồng Tháp, tạm trú quận Phú Nhuận) cho biết đã làm CCCD gắn chip từ tháng 10-2021, cán bộ hẹn 2 tháng sẽ có nhưng đến nay vẫn chưa có. Nhiều lần gọi cho cảnh sát khu vực để hỏi thông tin nhưng không được, đến tháng 6-2022, anh Hậu lên trực tiếp trụ sở Công an phường 5, quận Phú Nhuận để hỏi thì được cán bộ công an cho biết hồ sơ  của anh bị sai thông tin địa chỉ thường trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phải về công an xã ở quê cập nhật lại. 

"Lúc làm CCCD thời điểm đó, tôi có trình sổ hộ khẩu cho cán bộ công an nhập thông tin và tôi khai thông tin đúng với yêu cầu. Sau khi làm xong các bước, cán bộ nói tôi kiểm tra lại thông tin trên giấy hẹn xem có sai thông tin gì không, tôi kiểm tra kỹ và không sai thông tin gì cả kể cả thông tin thường trú trong giấy hẹn cũng đúng. Vậy tại sao bây giờ trả lời thông tin thường trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của tôi bị sai?", anh Hậu nêu bức xúc.

Còn anh Mai Danh Dương (32 tuổi, thường trú tỉnh Thanh Hóa, tạm trú phường Tam Bình, TP Thủ Đức) cho biết hồi đầu năm nay anh đi làm CCCD ở Công an TP Thủ Đức và được yêu cầu phải có giấy thông báo mã số định danh. Anh về công an phường xin giấy này và được yêu cầu về quê lấy, anh phải vượt hàng ngàn cây số chỉ để lấy giấy thông báo mã số định danh rồi vào TP.HCM.

Đến ngày 23-6, anh Dương đến đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Thủ Đức để nộp hồ sơ làm CCCD, cán bộ công an yêu cầu anh về công an phường xin giấy xác nhận nơi tạm trú mới làm được. "Họ nói ở mục số 13 trong giấy thông báo mã số định danh, nơi ở hiện tại thể hiện địa chỉ ở quê nên tôi phải xin giấy xác nhận là tôi có tạm trú trên địa bàn TP Thủ Đức hay không để biết làm căn cước...", anh Dương chia sẻ.

Điều khiến người dân phải bức xúc, mất thời gian và tiền bạc là phía cán bộ công an sở tại đã tiếp nhận đầy đủ thông tin, hồ sơ của người dân, có đầy đủ các công cụ, phương thức để xác minh, bổ sung, chỉnh sửa thông tin nếu có sai sót, thiếu dữ liệu nhưng lại hướng dẫn người dân tự về quê để bổ sung, chỉnh sửa.

Công an nơi tiếp nhận phải xác minh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cán bộ công an yêu cầu người dân về quê nơi thường trú để bổ sung, điều chỉnh thông tin dữ liệu cá nhân lên hệ thống là thực hiện không đúng, không đủ trách nhiệm theo quy định. 

Bởi lẽ, theo Luật căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ quan công an nơi tiếp nhận có trách nhiệm xác minh, điều chỉnh thông tin dữ liệu của người dân làm căn cước lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia. Sau các bước xác minh, bảo đảm thông tin của người dân là chính xác thì công an nơi tiếp nhận thực hiện việc truyền dữ liệu lên Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư. 

"Trong các trường hợp cần xác minh, điều chỉnh thông tin, bổ sung số định danh của người dân, công an nơi tiếp nhận hồ sơ là đầu mối phối hợp với công an nơi người dân thường trú để thực hiện chứ không để người dân tự đi làm được..." - luật sư Thảo khẳng định.

Theo Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, Công an TP đã có thông báo chấn chỉnh, yêu cầu công an các địa phương phải giải quyết cho người dân thuộc các trường hợp chậm trả CCCD khi thiếu sót dữ liệu.

Bạn đang đọc bài viết "Làm căn cước ở TP.HCM: 'Tôi phải về quê bổ sung thông tin, lấy số định danh'" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).