Bác sĩ khám cho một bệnh nhân bị chứng hậu COVID-19 tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: Reuters
Là tác giả chính của bản báo cáo, ông Philippe Colson tại Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm IHU (Pháp) cho hay do mới chỉ xác định được số ít trường hợp nhiễm biến thể lai giữa Delta và Omicron, hay còn gọi là “Deltacon”, nên giới chuyên gia chưa thể khẳng định liệu biến thể lai này có khả năng lây lan nhanh hơn hoặc gây bệnh nặng hơn hay không.
Hãng Reuters đưa tin trong báo cáo được công bố trên trang dữ liệu khoa học medRxiv ngày 8/3, nhóm nghiên cứu của ông Colson cho biết đã có ba bệnh nhân ở Pháp bị nhiễm biến thể lai “Deltacron”.
Bên cạnh đó, công ty nghiên cứu di truyền học Helix mới đây thông báo đã xác định ở Mỹ có hai trường hợp nhiễm Deltacron.
Đáng chú ý, các nhóm chuyên gia khác đã báo cáo thêm 12 trường hợp nhiễm “Deltacron” ở châu Âu kể từ tháng 1. Biến thể này có protein gai của Omicron và cơ thể của Delta.
Sự tái tổ hợp gien của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở người xảy ra khi hai biến thể khác nhau lây nhiễm vào cùng một tế bào chủ.
Ông Philippe Colson giải thích thêm: “Trong đại dịch COVID-19, hai hoặc nhiều biến thể đã cùng lưu hành trong cùng một khoảng thời gian và ở cùng khu vực địa lý. Điều này tạo cơ hội cho các biến thể kết hợp với nhau”. Ông và các đồng nghiệp cũng đã thiết kế một kit xét nghiệm PCR có thể nhanh chóng phát hiện loại biến thể lai trên.