Phía sau “thủ phủ” khoáng sản lớn nhất Bắc Trung bộ- Bài 2: Nhiều chính sách bất cập từ khai thác khoáng sản

07/06/2022 11:21

“Thủ phủ” khoáng sản Quỳ Hợp đang chịu quá nhiều hệ lụy từ khai thác khoáng sản. Trong khi đó, các nguồn thu từ hoạt động này lại không được điều tiết đúng mức

Bất cập điều tiết nguồn thu

Mỗi năm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 300 - 350 tỷ đồng, ngoài ra tỉnh Nghệ An giao cho địa phương thu thêm từ hoạt động này. Trong đó riêng số tiền thu được mỗi năm từ việc cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Quỳ Hợp lên đến trên dưới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã đưa vào cân đối ngân sách tại Quyết định số 77/2016/QĐ-UBND ngày 10/12/2016 và Quyết định số 50/2018/QĐ-UBND ngày 17/12/2018.

nam-to-1654574754.jpg

Nước sông Nậm Tôn ở xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có màu đỏ đậm, bùn lỏng tích tụ rất dày

Theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ cũng nêu rõ: “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương, đối với Giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp”. Theo đó, đối với các giấy phép khai thác khoáng sản do Trung ương cấp: Ngân sách Trung ương 70%; Ngân sách tỉnh 30%. Đối với giấy phép khai thác khoáng sản do tỉnh cấp: ngân sách tỉnh 50%; ngân sách huyện 40%; ngân sách xã 10%.

Nghị đinh 203/2013/NĐ-CP và Luật Khoáng sản cũng quy định rõ về tiền cấp quyền và tiền trúng đấu giá phải phân bổ lại cho địa phương nơi có khoáng sản (xã, huyện) để phát triển kinh tế và Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định tiền phí bảo vệ môi trường được phân bổ cho địa phương khắc phục hậu quả môi trường do hoạt động khai khoáng gây ra, nhưng địa phương hiện nay hòa chung các khoản trên vào ngân sách địa phương và chi theo Luật Ngân sách gây mâu thuẫn với Luật Khoáng sản quy định.

Tuy nhiên theo ghi nhân của phóng viên, trên thực tế ở những nơi đang có hoạt động khai thác khoáng sản thì cấp xã chưa thực sự nhận được phân bổ từ nguồn thu này. Bên cạnh đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường phải nộp 100% vào ngân sách Nhà nước theo các quyết định của UBND tỉnh Nghệ An. Vì vậy, huyện và xã không được sử dụng khoản này vào công tác quản lý nhà nước và bảo vệ môi trường.

Đơn cử tại xã Châu Hồng có hoạt động khoáng sản nhiều nhất nhì huyện Quỳ Hợp với 13 doanh nghiệp với 12 mỏ đang hoạt động. Trao đổi với phóng viên báo Công Thương ông Trương Văn Hoá - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Châu hồng cho biết, “ở đây người dân địa phương trực tiếp hứng chịu ảnh hưởng từ các hoạt động khai thác khoáng sản nhưng trên thực tế không được hưởng gì từ phí bảo vệ môi trường và nguồn thu nào từ hoạt động khai thác này” - ông Trương Văn Hóa thông tin.

Về vấn đề này ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Quỳ Hợp cho hay, điều này đồng nghĩa với việc huyện và xã không được hưởng nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Số tiền nêu trên đã nằm trong mục chi thường xuyên, huyện và xã không thể sử dụng để chi hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và Luật Khoáng sản năm 2010. “Đây là vấn đề bất cập, gây khó khăn, thiếu thốn cho huyện và xã, nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Việc điều tiết ngân sách trên chưa đúng với quy định của Luật và Nghị định”, ông Tùng nói.

Đừng để “quýt làm, cam chịu”

Quỳ Hợp là một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, người dân ở đây phần lớn là dân tộc thiểu số. Dù là huyện rất giàu tài nguyên khoáng sản nhưng Quỳ Hợp đang chịu quá nhiều hệ lụy từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản gây ra. Khiến cho đời sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Đến nay, vẫn có hơn 15,41% hộ gia đình ở huyện Quỳ Hợp là hộ nghèo và 16,11% là hộ cận nghèo.

mo-quang-1654574814.jpg

Mỏ quặng Thung Lùn ở xã Châu Hồng đang bị tạm ngừng khai thác

Thực trạng, Bộ cấp phép, tỉnh cấp phép, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được hưởng lợi, nhưng chính quyền cấp huyện, xã là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Việc chính quyền huyện Quỳ Hợp nhiều lần khẳng định tình trạng ô nhiễm sông Nậm Tôn có nguyên nhân từ hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên công tác kiểm tra, phát hiện gặp nhiều khó khăn, do năng lực cũng như phương tiện không đầy đủ. Việc sông Nậm Tôn bị bức tử làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong công tác quản lý?.

Theo lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện Quỳ Hợp, để làm rõ nguyên nhân và xử lý tình trạng gây nước đổi màu ở sông Nậm Tôn, Uỷ ban nhân dân huyện đã nhiều lần làm việc với các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành, Liên Hợp.

Tuy nhiên qua kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác quặng thiếc theo hình thức lộ thiên không phát hiện tình trạng xả nước thải đục ra sông. Riêng đối với các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức hầm lò, báo cáo đánh giá tác động môi trường có nhiều nội dung phức tạp, Uỷ ban nhân dân huyện không có đủ phương tiện kỹ thuật và chuyên môn để kiểm tra các tổ chức khai thác quặng thiếc hầm lò. Mặt khác, các vị trí khai thác thiếc hầm lò có các hang cát tơ chảy xuyên qua nhiều dãy núi đá sau đó mới chảy ra sông Nậm Tôn nên rất khó khăn trong việc xác định nguồn thải gây ô nhiễm.

Ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân huyện Quỳ Hợp cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Châu Tiến, Châu Hồng, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng thiếc có tình trạng xả nước thải gây đục sông Nậm Tôn. Uỷ ban nhân dân huyện đã nhiều lần kiểm tra nhưng chưa xác định được tổ chức, cá nhân gây ra.

Từ những con số biết nói được các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra, xử lý đã cho thấy phần nào thực trạng khai thác khoáng sản. Cụ thể trong năm 2021 đã khởi tố, xử lý hình sự 22 vụ, 29 đối tượng phạm tội trong lĩnh này. Trong đó, Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.466 vụ với 1.530 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Mới đây nhất, ngày 20/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 276 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Tân Hoàng Khang ở thị trấn Quỳ Hợp. Cụ thể, công ty này bị xử phạt vì đã lấn chiếm đất nông nghiệp và không thực hiện đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường... tại xã Châu Hồng.

Qua đó có thể thấy, đối với hoạt động khai thác, chế biến quặng thiếc, việc xả nước thải trực tiếp vào môi trường, ảnh hưởng đến các sông, suối gây bức xúc cho người dân. Thế nhưng các cơ quan chức năng dường như đang quá xem nhẹ vấn đề này. Trước hàng loạt những hệ lụy, nhất là về vấn đề liên quan đến môi trường thì người dân địa phương đang hàng giờ, hàng ngày hứng chịu. Khiến dư luận luôn đặt ra câu hỏi không biết đến khi nào người dân mới thoát khỏi cảnh “quýt làm, cam chịu”?

Bạn đang đọc bài viết "Phía sau “thủ phủ” khoáng sản lớn nhất Bắc Trung bộ- Bài 2: Nhiều chính sách bất cập từ khai thác khoáng sản" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).