Công ty chứng khoán BIDV – BSC
Chốt lãi cổ phiếu LHG tại ngưỡng 67.800 đồng/cp
CTCP Long Hậu (HOSE - Mã: LHG) đang có tín hiệu hồi phục khá rõ sau hai phiên điều chỉnh. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng hồi phục của cổ phiếu. Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang cho thấy dấu hiệu chuyển sang xu hướng tích cực.
Đường giá cổ phiếu hồi phục khi chạm ngưỡng MA20, cho thấy lực hồi phục nhẹ tại ngưỡng 53.7. Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 57.7, chốt lãi tại ngưỡng 67.8 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 53.7.
Chốt lãi cổ phiếu LHG tại ngưỡng 67.800 đồng/cp. Hình minh họa. |
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC
Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu DGC
Mức Stock Rating của DGC ở mức 98 điểm, cho nên FSC vẫn duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của DGC đóng cửa tăng 7% và tiến gần mức đỉnh cao nhất 52 tuần với KLGD tăng mạnh so với phiên giao dịch trước đó. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy rủi ro ngắn hạn giảm dần. Điểm tích cực là đồ thị giá vẫn giao dịch trên đường trung bình 20 phiên cho thấy xu hướng TĂNG ngắn hạn vẫn đang được đảm bảo. Ngoài ra, mức Sức mạnh giá ở mức 96 điểm cho thấy dư địa tăng giá vẫn còn.
FSC đã khuyến nghị mua cổ phiếu DGC vào phiên 21/02/2022 với lợi nhaận tạm tính là 52,84%, cho nên FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn tiếp tục NẮM GIỮ cổ phiếu DGC.
Công ty chứng khoán Phú Hưng - PHS
Khuyến nghị mua cổ phiếu STK với giá mục tiêu 81.900 đồng/cp
CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE - Mã: STK) đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 2.605,7 tỷ đồng (+27,6%YoY), trong khi LNST đạt 300,3 tỷ đồng (+7,8%YoY). Công ty cho biết dự án nhà máy sợi tổng hợp Unitex được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ được khởi công vào tháng 03/2022 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào Q3/2023, qua đó gia tăng công suất hiện tại thêm 60% lên 6.,000 tấn/năm với sản phẩm chính là sợi tái chế và sợi giá trị gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu sợi thô cho sản phẩm của Nike.
Hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu của Unifi: Ban lãnh đạo cũng cho biết, năm 2022 giá nguyên vật liệu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí xây dựng, tuy nhiên do chi phí xây dựng sẽ vẫn được kiểm soát do hơn 70% chi phí là máy móc thiết bị đã được chốt giá từ năm ngoái. Chi phí đầu tư cho 2 giai đoạn là 120 triệu USD (75 triệu USD cho giai đoạn 1 và 45 triệu USD cho gia đoạn 2). Hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu của Unifi: Công ty cho biết hợp đồng với Unifi sẽ kéo dài thêm ít nhất 2 năm nữa. Unifi có mạng lưới cung cấp nguyên vật liệu tại ASEAN, nên STK có thể nhập nguyên vật liệu tái chế từ các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan... mà không bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kế hoạch duy trì tỷ trọng sợi tái chế và sợi thường là 70% và 30%: Ban lãnh đạo cho biết công ty sẽ duy trì đơn hàng với một số khách hàng truyền thống về sợi giá trị gia tăng và sợi đặc biệt. Hơn nữa, khách hàng cũng đồng ý trả giá cao cho sợi tái chế, nên công ty đã đầu tư nhà máy Unitex.
Kế hoạnh tăng vốn năm 2022: ĐHĐCĐ của STK thông qua việc phát hành riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu (tương đương 19,08% số cổ phiều đang lưu hành) cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước, qua đó đưa vốn điều lệ lên 842,3 tỷ đồng. Công ty cho biết giá bán sẽ chênh lệch trong khoảng 7-10% giá thị trường.
Kết thúc Q1/2022, Doanh thu thuần của STK đạt 611,5 tỷ đồng (+7,8%YoY), LNST đạt 76,1 tỷ đồng (+8,6%YoY). Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ 180 bps còn 18,0%.
Nhờ tiên phong trong R&D ngành sợi và sự hạ nhiệt cạnh tranh tại thị trường trong nước do Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia, PSH nâng dự phóng doanh thu của STK lên 2.539 tỷ đồng (+24%YoY), LNST đạt 300 tỷ đồng (+7,6%YoY). Hơn nữa, PSH kỳ vọng Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex và Dự án liên minh Sợi-Vải-May sẽ tạo bệ phóng tăng trưởng cho công ty trong tương lai. Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu STK là 81.900 đồng/cổ phiếu (+37% so với giá hiện tại). Do đó đưa ra khuyến nghị Mua cổ phiếu STK.
Rủi ro lớn nhất của STK là rủi ro nguồn nguyên liệu. Ngoài ra công ty còn có những rủi ro sau: (2) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (3) Rủi ro pha loãng; (4) Rủi ro lạm phát làm giảm tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu.
CTCK Agribank - Agriseco
Tăng tỷ trọng cổ phiếu TNG với mức giá mục tiêu 43.600 đồng/cp (upside 18%)
Năm 2021, KQKD của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX - Mã: TNG) tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid gây ra. Cụ thể, TNG ghi nhận KQKD 2021 với doanh thu đạt 5.444 tỷ đồng (+22% yoy) và LNST đạt 526,3 tỷ đồng (+51% yoy) nhờ (1) Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu phục hồi; (2) Tăng trưởng công suất qua mở mới các chuyền may.
Định hướng của TNG là gia tăng tỷ trọng đơn hàng FOB để thay thế cho các đơn hàng CMT, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận. Theo cập nhật mới nhất từ phía doanh nghiệp, tổng doanh thu tháng 3/2022 đạt 412,85 tỷ đồng, tăng 26,16% yoy và qua đó doanh thu lũy kế Q1/2022 đạt 1.258 tỷ đồng, tăng 38% yoy, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022.
Tiếp tục gia tăng công suất, đáp ứng nhu cầu đặt may: Theo ban lãnh đạo, TNG sẽ tiếp tục đầu tư để tăng công suất trong giai đoạn 2022- 2026. Cụ thể, số lượng chuyền may dự kiến trong năm 2022 của TNG là 324 so với 278 trong năm 2021, tăng tương ứng 17% cùng kỳ và dự kiến có thể hoạt động với hiệu suất 90% khi đưa vào vận hành từ Q2/2022.
Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu tăng trưởng tích cực: Các thị trường xuất khẩu chính của TNG như Mỹ hay EU (chiếm tỷ trọng lần lượt 40% và 39%) được dự báo tăng trưởng tốt trong năm nay khi dịch bệnh được kiểm soát. Các khách hàng lớn của TNG như Decathlon, The Children Palace hay Nike đều có KQKD phục hồi ấn tượng trong 2021 và kỳ vọng có giá trị đơn hàng tiếp tục tăng trong 2022. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, hiện nay các đơn hàng đã được ký đến hết T10/2022. Trong đó, đối tác lớn nhất là Decathlon (chiếm 30% tỷ trọng xuất khẩu) kỳ vọng đạt 81,82 triệu USD giá trị đơn hàng trong 2022, tăng 22% yoy.
Mảng BDS nhiều tiềm năng: Dự án cụm Công Nghiệp (CCN) Sơn Cẩm với diện tích 70 ha và tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng sẽ bắt đầu cho thuê trong năm nay. Đây là dự án CCN nằm ở vị trí có hạ tầng giao thông thuận lợi, nằm gần cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, sân bay Nội Bài và nhiều khu công nghiệp khác. Trong năm 2022, TNG dự kiến sẽ ghi nhận khoảng 50% doanh thu tương ứng 700 tỷ đồng từ dự án CCN Sơn Cẩm, với biên lợi nhuận khoảng 16%.
Cập nhật tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2022: TNG đặt kế hoạch kinh doanh 2022 với doanh thu và LNST lần lượt là 5.990 tỷ đồng và 279 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 10% và 20% cùng kỳ (chưa bao gồm mảng BDS). Bên cạnh đó, TNG cũng dự kiến chi trả 16% cổ tức từ vốn điều lệ, với tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu cụ thể sẽ được thông qua trong ĐHĐCĐ sắp tới.
Khuyến nghị
Triển vọng 2022 của TNG khả quan đến từ (1) Mảng dệt may tăng trưởng tốt nhờ gia tăng công suất và nhu cầu thị trường xuất khẩu tích cưc; (2) Mảng BDS tiềm năng với dự án Sơn Cẩm. Agriseco dự phóng mảng dệt may tăng trưởng 25% yoy trong 2022 và mảng BDS ghi nhận 50% doanh thu từ dự án CCN Sơn Cẩm (tương ứng khoảng 700 tỷ đồng). Agriseco Research khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu TNG và giữ nguyên giá mục tiêu 43.600 đồng/cổ phiếu (upside 18%).
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.