Khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 64.000 đồng/cp
Trong quý 1/2022, tổng sản lượng thông quan hệ thống cảng biển của CTCP Gemadept (HOSE - Mã: GMD) đạt hơn 785.000 TEU (+51% CK), chiếm gần 12,5% tổng sản lượng thông quan của hệ thống cảng biển Việt Nam. Trong đó, sản lượng container của cảng quốc tế Gemalink đạt mức 1 triệu TEU đầu tiên sau 12 tháng hoạt động (tương đương mức trung bình 83.000 TEU/ tháng), xấp xỉ 84% công suất thiết kế GĐ1. Bên cạnh đó, sản lượng của nhóm cảng Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng tốt ở mức 21% CK.
Lợi nhuận từ các công ty liên kết tích cực: Nhìn chung lợi nhuận trước thuế từ các công ty liên kết mảng logistics chủ chốt tiếp tục tăng trưởng tốt. Ngoài ra, biên LNG và LNHĐ đã trở lại mức trước đợt phong tỏa quý 3/2021.
Với việc sản xuất trong nước và cũng như hoạt động xuất nhập khẩu thông quan cảng biển tăng trưởng tốt, Mirae Asset cho rằng, GMD sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ hệ thống cảng biển và kho vận rộng khắp toàn quốc. Mirae Asset dự phóng doanh thu quý 2 và quý 3 khả năng cao sẽ đạt trên 800 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế dự phóng sẽ tăng mạnh ở mức lần lượt 285,7 tỷ đồng (+60,2% CK) và 307 tỷ đồng (+89,2% CK).
Năm 2022, Mirae Asset dự phóng sản lượng container thông quan các cảng chính GMD (trừ Gemalink) đạt khoảng 1,9 triệu TEU (+4,2% CK). Sản lượng của cảng Gemalink dự kiến sẽ đạt mức tối đa công suất 1,2 triệu TEU. Sản lượng cảng Dung Quất dự phóng đạt 2,7 triệu tấn (+12,5% CK). Bên cạnh đó, Mirae Asset loại trừthu nhập từ mảng cao su khi GMD định hướng thoái vốn khỏi mảng này. Mirae Asset dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của GMD lần lượt 3.456 tỷ đồng (+7,7% CK) và 1.209 tỷ đồng (+67,8% CK).
Rủi ro trong ngắn hạn Hoạt động tại các cảng chủ chốt trên thế giới vẫn tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của chính sách Zero-COVID tại Trung Quốc và các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Nga và lãi suất là các yếu tố không chắc chắn có thể làm thay đổi giá trị của doanh nghiệp và cổ phiếu GMD.
Hiện tại, Mirae Asset tiếp tục duy trì mức lợi suất yêu cầu (RRR) 12%, tỷ lệ tăng trưởng (g) sau năm 2030 ~ 5% và một số giả định khác, sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do (FCFF) Mirae Asset xác định mức giá hợp lý của cổ phiếu GMD là 64.000 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị mua cổ phiếu NTC với giá mục tiêu 251.000 đồng/cp
Luận điểm đầu tư
Thông tin trên được chia sẻ tại ĐHCĐ của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM - Mã: NTC) được tổ chức vào ngày 28/06/2022. Cụ thể dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTC-3) được Chính phủ phê duyệt chủ trương từ 2018, theo kế hoạch dự án dự kiến được triển khai từ 2021 tuy nhiên do Nghị định 67/2021/NĐ-CP được ban hành nên UBND cần thực hiện rà soát lại.
Sau quá trình làm việc, các bên đã xác định nguồn gốc đất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 67 và cũng không thuộc diện phải đấu giá đất. Ban lãnh đạo NTC cho biết, Tập đoàn cao su Việt Nam vẫn đang làm việc với cơ quan có thẩm quyền để sớm tháo gỡ vướng mắc nhằm triển khai dự án.
Dự án NTC-3 tạo động lực tiếp tục tăng trưởng. Với diện tích đất thương phẩm 288,52 ha, giá thuê thương phẩm tại khu vực này ước tính 100 – 110 USD/m2/chu kỳ thuê, và việc chuyển sang hạch toán doanh thu 1 lần đối với hoạt động cho thuê KCN và hạ tầng, Mirae Asset nhận định dự án có thể sẽ đóng góp từ 400 – 600 tỷ đồng LNST hàng năm của NTC trong 5 năm (2022 – 2027).
Dự kiến chuyển sang niêm yết tại HOSE trong năm 2022 Công ty cũng dự kiến làm các thủ tục để chuyển sàn niêm yết cổ phiếu từ UPCoM sang HOSE.
Năm 2022, công ty đưa ra kế hoạch tổng doanh thu 654 tỷ đồng, tăng 36,87% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động kinh doanh tăng trưởng 75% ở mức 476 tỷ đồng, phần còn lại 175 tỷ đồng (-14% CK) đến từ hoạt động tài chính và 2,5 tỷ đến từ hoạt động khác. LNST theo kế hoạch ở mức 262 tỷ đồng (-10,7% CK). Đáng chú ý, doanh nghiệp đặt mục tiêu cho thuê 100 ha đất tại KCN NTC-3 với giá thuê từ 110 – 118 USD/ m2/chu kỳ thuê. Việc triển khai dự án NTC-3 nếu thực hiện đúng như kế hoạch được giao, Mirae Asset cho rằng kế hoạch LNST của NTC là quá thận trọng và công ty có thể hoàn thành vượt xa kế hoạch được thông qua.
NTC là doanh nghiệp có tỷ lệ chia cổ tức rất cao. Luôn duy trì mức trên 80%/VĐL bằng tiền mặt mỗi năm (tương đương 65-73% LNST) cho thấy chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức cao và tạo ra dòng tiền mạnh. Năm 2021, Công ty trình cổ đông kế hoạch cổ tức với tỷ lệ 90% và bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến tối thiểu 60%.
Mirae Asset thực hiện điều chỉnh giá trị sổ sách của NTC, theo đó giá trị sổ sách điều chỉnh của doanh nghiệp ở mức 142.000 đồng/cp. Đối với dự án khu công nghiệp NTC-3, Mirae Asset thực hiện định giá theo Phương pháp RNAV, trong đó suất chiết khấu trong mô hình định giá được nâng lên mức 17,4% (trước đây là 15,6%) do rủi ro về lạm phát cũng như khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2022. Kết quả giá trị hợp lý 1 cổ phần NTC sẽ ở mức 251.000 đồng/cp, giảm 3% so với mức định giá trước đó.
Công ty chứng khoán BIDV – BSC
Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DPM
BSC khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu DPM củaTổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Sàn HOSE) với giá mục tiêu 63.100 đồng/cp cho năm 2022, tương đương với upside 26% so với giá đóng cửa ngày 04/07/2022 dựa trên phương pháp P/E với tỉ lệ mục tiêu là 4,5x.
BSC dự báo DTT và LNST năm 2022 của DPM lần lượt đạt đạt 20.182 tỷ đồng (+58% YoY) và 5.548 tỷ đồng (+78% YoY). EPS 2022F = 14.032 đồng (+81%YoY) và P/E fw= 3.5 Dựa trên giả định: (1) Giá bán Ure trung bình năm 2022 đạt 14,644 VND/kg (+25% YoY); (2) Sản lượng Ure tiêu thụ đạt 865 nghìn tấn (+15.5% YoY); (3) Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 41% (so với mức nền cao năm 2021 đạt 37%).
Quan điểm đầu tư: Giá bán duy trì ở mức cao so với cùng kỳ và sản lượng kinh doanh tăng trưởng tích cực; Yếu tố cần theo dõi chưa được đưa vào định giá: Khoản hoàn thuế VAT khi luật sửa đổi; Doanh nghiệp duy trì trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm với tỉ lệ chi trả cao.
Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC
HUT - Kế hoạch tái cơ cấu đầy tham vọng
Việc ứng dụng hệ thống ETC sẽ hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của CTCP Tasco (HNX: HUT). Mặc dù các trạm thu phí ETC đã được đưa vào thí điểm từ 2016, nhưng phương thức thu phí mới này không phổ biến đối với các tài xế do (1) thói quen sử dụng trạm thu phí thủ công (MTC) và (2) một số vấn đề liên quan đến hệ thống ETC khiến các tài xế ngại sử dụng ETC.
Tuy nhiên, Chính phủ đã khuyến khích sử dụng hệ thống ETC và thí điểm sử dụng 100% hệ thống ETC tại một số trạm thu phí, điều này đã thúc đẩy các tài xế đăng ký dán thẻ ETC. Do đó, VCSC kỳ vọng thu phí ETC sẽ trở thành phương thức thu phí phổ biến hơn trong tương lai và thay thế các hệ thống MTC truyền thống, giúp mang lại lợi ích cho HUT khi công ty đang vận hành 91% số trạm ETC tại Việt Nam.
Kế hoạch tái cơ cấu thành công sẽ mang lại lợi ích cho HUT trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tại ĐHCĐ năm 2022 của HUT, ban lãnh đạo cho biết công ty có kế hoạch tái cấu trúc HĐQT và HĐKD. Nếu công ty có thể thực hiện thành công (1) thoái vốn toàn bộ khỏi mảng y tế và (2) kế hoạch thâu tóm SVC Holdings qua chuyển đổi cổ phần - dẫn đến việc hợp nhất báo cáo tài chính với công ty con của SVC Holdings là CTCP Dịch vụ Tổng gợp Sài Gòn (HOSE: SVC) – sẽ giúp hỗ trợ tích cực cho doanh thu và lợi nhuận từ HĐKD của HUT trong ngắn hạn. Trong dài hạn, ban lãnh đạo tin rằng kế hoạch tái cơ cấu sẽ giúp HUT phát triển 1 hệ sinh thái trong đó các mảng kinh doanh sẽ bổ trợ lẫn nhau.
Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.