Ngày 30/05/2022, Báo Công lý đăng tải bài viết Đoan Hùng – Phú Thọ: Tiếng kẻng từ mỏ đá, người dân chạy ‘giặc’ giữa thời bình, phản án việc nổ mìn khai thác đá của Công ty cổ phần xây dựng và cơ giới Vạn Thắng (sau đây gọi tắt là Công ty Vạn Thắng) tại mỏ đá núi Hin, xã Phú Thứ (nay là xã Hợp Nhất) gần sát nhà dân, không những khiến nhà cửa bị rạn nứt, gây khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường mà còn khiến người dân phải sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ do có việc đất đá bay vào nhà dân.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải thì người dân khu Thống Nhất đã phản hồi lại với Báo Công lý về những tín hiệu tích cực từ phía Công ty Vạn Thắng đã có những khắc phục ban đầu. Cụ thể: Tiếng mìn nổ khi khai thác tại mỏ đá đã giảm đi nhiều, không còn khiến người dân giật mình; khói bụi trong khi khai thác, chế biến đá cũng ít hơn; công ty đã sử dụng xe phun nước thường xuyên hơn để làm ẩm đường vận chuyển; cống thoát nước của công ty chảy thẳng vào nhà dân đã được bịt lại. Bên cạnh đó, UBND huyện Đoan Hùng đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Được biết, Công ty Vạn Thắng có Dự án “ Đầu tư khai thác, chế biến đá xây dựng” tại mỏ đá núi Hin, được UBND tỉnh Phú Thọ quyết định Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 3486/QĐ-UBND ngày 03/11/2011. Tổng diện tích khai thác và xây dựng khác là 4,0 ha trong đó: Khu vực khai thác là 3,62 ha; Khu vực chế biến và xây dựng là 0,38 ha. Loại khoáng sản khai thác, chế biến là đá xây dựng các loại. Công nghệ khai thác lộ thiên (theo dự án đã được thẩm định). Số lượng khai thác 30.000m3/năm.
Trong Giấy phép khai thác khoáng sản, số 01/GP-UBND được UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 15/01/2016, Quyết định cho phép Công ty Vạn Thắng khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá núi Hin cũng ghi rõ trách nhiệm việc khai thác, chế biến phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trao đổi với PV Báo Công lý, Trưởng phòng Quản lý Môi trường (Chi cục Bảo vệ Môi trường Phú Thọ) bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, theo ĐTM được duyệt cho Dự án đầu tư khai thác, chế biến đá xây dựng tại mỏ đá núi Hin của Công ty Vạn Thắng thì khu vực nổ mìn phải được phun nước, tưới ẩm sau đó mới được nổ mìn để giảm bớt khí bụi thải, còn khu vực chế biến phải có giàn phun sương để sàng đá các loại.
Nói về phản ánh của người dân khu Thống Nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, nhất là vào mùa khô hanh thì bụi quẩn quanh hết các nhà dân sống xung quanh khu vực mỏ đá đã kéo dài nhiều năm nay và nhân dân trong khu đã có những kiến nghị lên xã, các cấp quản lý về môi trường. Phía đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ khẳng định là không hay biết có tình trạng trên và nếu thực tế đã xảy ra tình trạng này từ lâu như vậy thì đúng là khổ cho người dân. Sắp tới, Chi cục Bảo vệ Môi trường sẽ báo cáo Sở và chắc chắn sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng trên (nếu có).
Lý giải về điều này, Trưởng phòng Khoáng sản, ông Định cho biết trách nhiệm quản lý đều được phân cấp, đều có trách hiệm quản lý. Vì vậy, nếu việc khai thác đá của Công ty Vạn Thắng gây ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường và các vấn đề sai phạm khác thì trách nhiệm quản lý trước tiên phải thuộc về UBND huyện Đoan Hùng, còn Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ là giám sát, quản lý bước đầu. Quá trình thực hiện việc khai thác khoáng sản thì phải do các sở ngành khác cùng nhau kết hợp quản lý.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết thêm: “Theo ĐTM đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt cho Công ty Vạn Thắng khai thác, chế biến đá xây dựng tại mỏ đá núi Hin thì hàng ngày phải có các xe tưới ẩm để đảm bảo môi trường. Khí thải bụi của việc khai thác đá phải được hạn chế ở mức tối đa, chỉ được ảnh hưởng trong khu vực chế biến, khai thác.”
Rõ ràng, việc khai thác đá của Công ty Vạn Thắng tại mỏ đá núi Hin chỉ được gây ảnh hưởng trong khu vực chế biến, khai thác. Nhưng nhiều năm nay, khói bụi đá tại đây lại ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà dân sống xung quanh khu vực mỏ đá và tiếng “kêu cứu” của người dân đã kéo dài một thời gian khá lâu nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ vẫn chưa hề hay biết.