Mỏ than Đèo Nai (nay là Công ty cổ phần Than Đèo Nai) được chính thức thành lập kể từ ngày 1/8/1960 theo Quyết định số 707, ngày 27/7/1960 của Bộ Công nghiệp nặng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Than Đèo Nai đã có vị trí đặc biệt và luôn là đơn vị sản xuất dẫn đầu của ngành Than Việt Nam.
Hơn 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Than Đèo Nai đã và đang sở hữu khai trường rộng trên 6 km2 với độ sâu khai thác - 210m so với mực nước biển. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác sản xuất, kinh doanh thì hoạt động mua sắm, đầu tư công từ vốn ngân sách nhà nước tại Công ty cổ phần Than Đèo Nai đang được dư luận quan tâm khi nhiều doanh nghiệp “quen” liên tục trúng nhiều gói thầu khủng với mức tiết kiệm siêu thấp.
Hoạt động đấu thầu tại Công ty Than Đèo Nai đang được dư luận quan tâm khi các gói thầu "khủng" thường xuyên rơi vào tay doanh nghiệp quen
Đơn cử, tại gói thầu thuê ngoài bốc xúc, vận chuyển đất đá năm 2019 các khu vực thuộc khai trường mỏ than Đèo Nai, liên danh Công ty CP Công nghiệp Tân Tiến, Công ty CP Vân Đồn MAST, Công ty CP hàng hải Quảng Hưng...đã trúng thầu với giá 531.892.068.780 và giá gói thầu là 535.789.519.659.
Một gói thầu “khủng” 535 tỷ đồng nhưng sau khi đấu thầu vẫn chỉ tiết kiệm được số lẻ cho ngân sách hơn 3,8 tỷ đồng theo quyết định số 288/QĐ-TĐN, ngày 15/01/2019 do ông Phạm Hồng Tài, Chủ tịch hội đồng quản trị ký.
Tiếp đó tại gói thầu thuê ngoài bốc xúc, vận chuyển đất đá đợt 2 năm 2019, lần nữa liên danh nhà thầu “quen” Công ty CP Công nghiệp Tân Tiến, Công ty CP Vân Đồn MAST,...tiếp tục trúng thầu với giá 259.610.057.385 và giá gói thầu là 260.236.749.933.
Mức tiết kiệm từ gói thầu này gần như không đáng nhắc đến hơn 600 triệu đồng theo quyết định số 1832/QĐ-TĐN, ngày 11/06/2019 do ông Nguyễn Trọng Tốt, Chủ tịch hội đồng quản trị ký.
Mức tiết kiệm thấp hơn 600 triệu đồng theo quyết định số 1832/QĐ-TĐN, ngày 11/06/2019
Tình trạng tương tự tiếp tục diễn ra trong năm 2020, tại gói thầu thuê ngoài bốc xúc, vận chuyển đất đá năm 2020, liên danh nhà thầu “quen” Công ty CP Công nghiệp Tân Tiến, Công ty CP Vân Đồn MAST, Công ty CP hàng hải Quảng Hưng,..tiếp tục trúng thầu với giá 575.654.506.177 và giá gói thầu là 576.758.898.897. Mức tiết kiệm từ gói thầu này là hơn 1 tỷ đồng theo quyết định số 267 TĐN-ĐM ngày 16/01/2020 do ông Đặng Thanh Bình, Phó giám đốc ký.
Theo tài liệu của phóng viên có được, hầu hết các gói thầu thuê ngoài bốc xúc, vận chuyển đất đá tại Công ty CP Than Đèo Nai đều do liên danh nhà thầu “quen” Công ty CP Công nghiệp Tân Tiến, Công ty CP Vân Đồn MAST, Công ty CP hàng hải Quảng Hưng,...trúng thầu và có đặc điểm chung mức tiết kiệm thấp.
Gần như các gói thầu Thuê ngoài bốc xúc, vận chuyển đất đá tại Công ty CP Than Đèo Nai đều do liên danh nhà thầu “quen” trúng thầu
Mở rộng điều tra, phóng viên nhận thấy liên danh nhà thầu trên không chỉ thường xuyên trúng các gói thầu khủng tại Công ty CP Than Đèo Nai. Bên cạnh đó tại nhiều công ty con thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam cũng thường xuyên xuất hiện liên danh nhà thầu này.
Như Gia Đình Việt Nam đã thông tin trước đó về những dấu hiệu “lạ” trong công tác đấu thầu tại Công ty CP Than Cao Sơn. Tại các gói thầu Thuê ngoài bốc xúc và vận chuyển đất đá thải phục vụ sản xuất của công ty này, liên danh nhà thầu “quen” Công ty CP Công nghiệp Tân Tiến, Công ty CP hàng hải Quảng Hưng,...cũng thường xuyên trúng thầu với mức tiết kiệm siêu thấp.
Dư luận đặt ra nghi vấn về sự “thâu tóm” các gói thầu bốc xúc, vận chuyển đất đá của liên danh nhà thầu Công ty CP Công nghiệp Tân Tiến, Công ty CP hàng hải Quảng Hưng,...tại các công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Ngoài ra, dư luận cũng hoài nghi về chuỗi gói thầu có mức tiết kiệm siêu thấp do các doanh nghiệp trúng thầu tại Công ty CP Than Đèo Nai.
Cụ thể, tại gói thầu Cung cấp 01 Máy xúc thủy lực gầu ngược có dung tích gầu ≥12m3, Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái đã trúng thầu với giá 53.584.542.000 và giá gói thầu là 53.603.154.000. Mức tiết kiệm siêu thấp hơn 18 triệu đồng.
Hay tại gói thầu số 2: Sửa chữa nhà bảo dưỡng XBD, Công ty CP xây dựng và kinh doanh tổng hợp An Bình đã trúng thầu với giá 7.041.135.330 và giá gói thầu là 7.110.033.434 theo quyết định số 279/QĐ-TĐN ngày 16/01/2019.
Tiếp đó tại gói thầu số 02: Cung cấp Máy khoan xoay cầu thủy lực d=152÷270mm, Công ty CP kim khí Thành Đô đã trúng thầu với giá 28.198.500.000 và giá gói thầu là 28.261.084.500. Mức tiết kiệm hơn 60 triệu đồng theo quyết định số 4081/TĐN-ĐM ngày 24/12/2019 do ông Đặng Quang Minh, phó giám đốc ký.
Tại gói thầu Cung cấp Máy khoan xoay cầu thủy lực d=152÷270mm, Công ty CP kim khí Thành Đô đã trúng thầu với giá 28.198.500.000
Tương tự tại gói thầu số 2: Cung cấp, lắp đặt 3 hệ thống phun sương dập bụi di động, Công ty đầu tư và thương mại Phú Đông đã trúng thầu với giá 4.818.000.000 và giá gói thầu là 4.839.513.994. Mức tiết kiệm thấp hơn 20 triệu đồng theo quyết định số 3886/QĐ-TĐN ngày 11/12/2019 do ông Phạm Duy Thanh giám đốc ký.
Việc nhiều gói thầu “khủng” rơi vào tay liên danh nhà thầu “quen” có mức tiết kiệm siêu thấp khiến dư luận cho rằng, đối với cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước thì đây là điều bất thường. Dư luận rất mong chờ vào đợt kiểm tra minh bạch của các cơ quan chức năng về hoạt động đấu thầu tại Công ty CP Than Đèo Nai.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin.