Dự án Khu dân cư thị trấn Ái Nghĩa được quảng bá nằm tại vị trí trung tâm đắc địa của huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nối với các địa phương khác như TP.Đà Nẵng, TP.Hội An, và huyện Duy Xuyên... Đây được xem là động lực để phát triển cho thị trường bất động sản của huyện Đại Lộc, góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Dự án một nơi, tên một nẻo
Tuy nhiên, trong quy hoạch dự án này lại nằm tại thôn Lạc Thành, xã Điện Hồng (Thị xã Điện Bàn), là địa phương giáp ranh với huyện Đại Lộc trên tuyến ĐT 609. Việc này khiến dư luận xôn xao khi dự án nằm một nơi nhưng tên gọi lại đặt một nẻo.
Ngay cả ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cũng không hề biết trên địa bàn của mình có một dự án khu dân cư được mở bán. Theo ông Quang, vị trí rao bán thuộc địa bàn xã Điện Hồng, Thị xã Điện Bàn, không thuộc huyện Đại Lộc.
Theo thông tin, hiện nay trên địa bàn huyện Đại Lộc vẫn chưa có các dự án liên quan đến bất động sản, đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư hoặc các dự án thương mại. Hiện tại, chỉ mới có 7 dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh mục đầu tư, chưa triển khai các bước tiếp theo.
Chưa có sổ vẫn rao bán rầm rộ
Trước đó, một đơn vị tại TP Đà Nẵng đã trúng đấu giá dự án này nhưng không nộp tiền sử dụng đất nên phiên đấu giá đã được tổ chức lại. Theo tìm hiểu, dự án này được lấy tên thương mại Khu dân cư thị trấn Ái Nghĩa sau khi trúng đấu giá do Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn tổ chức lần 2.
Sau khi nộp 50% nghĩa vụ tài chính, đơn vị trúng đấu giá đã đổi tên thương mại dự án thành Khu dân cư thị trấn Ái Nghĩa. Mặc dù dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song đơn vị phân phối đã tổ chức rao bán rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng với giá hàng chục triệu đồng/m2 cùng với nhiều mức chiết khấu hấp dẫn và có sổ đỏ pháp lý rõ ràng,...
Lãnh đạo UBND xã Điện Hồng (Thị xã Điện Bàn) cho hay Trung tâm phát triển quỹ đất Điện Bàn thông báo phía đơn vị trúng đấu giá đã nộp 50% nghĩa vụ tài chính. Phần còn lại, người này cho biết sẽ được hoàn tất vào tháng 9 này.
“Hiện tại đơn vị trên chỉ là trúng đấu giá, sau khi Trung tâm phát triển quỹ đất hoàn thiện về giá và Thị xã thu tiền xong mới đưa về xã quản lý. Chưa có sổ đâu, vì chỉ mới nộp 50% giá trị đấu giá trúng thôi”, vị lãnh đạo này cho hay.
Các chuyên gia cảnh báo, việc nhập nhèm giữa các địa danh, hồ sơ pháp lý của dự án khiến việc mua bán, đầu tư giữa các bên thiếu minh bạch. Cùng với đó, người mua có thể gặp thiệt hại vì những thông không chính xác từ đơn vị phân phối.