Theo chuyên gia, việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 sẽ giúp cải thiện thanh khoản 20-30%, tùy vào sự hưng phấn của thị trường…
Quan điểm được ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam chia sẻ xoay quanh diễn biến trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Ông có bình luận gì về diễn biến trên thị trường chứng khoán hiện nay, khi VN-Index tăng một mạch từ dưới 1.160 lên trên 1.280 rồi chững lại với vài phiên rung lắc?
Do thị trường đã tăng điểm liên tục, hồi phục từ dưới 1.200 lên gần vùng 1.300 điểm, nhiều mã cổ phiếu tăng một khoảng, về mặt kỹ thuật thị trường cần có nhịp điều chỉnh do một số nhà đầu tư chốt lời, một số nhà đầu tư e ngại.
Tuy nhiên tôi cho rằng thị trường khó có khả năng giảm sâu vì những thông tin tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường đã dần qua đi, còn lại thông tin tích cực chờ đón phía trước. Lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh, việc làm mới là hơn 500.000 vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia, cho thấy kinh tế Mỹ chưa vào suy thoái như nhiều lo lắng.
Với vị thế là nền kinh tế đầu tàu của thế giới, với những tín hiệu trên, Fed sẽ có những quyết sách có tính mềm mỏng hơn, sẽ không đẩy lãi suất điều hành lên cao nữa, các quốc gia theo đó nhìn vào Fed mà không tăng mạnh lãi suất, giúp chi phí vốn giảm.
Trải qua mùa COVID, ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu bởi giá dầu tăng cao, một số vấn đề quan ngại như nền kinh tế thế giới, Mỹ, châu Âu suy thoái nhưng kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp Việt đa phần tăng trưởng, cho thấy sức bật của doanh nghiệp còn tốt. Tín hiệu từ quý 3 trở đi tích cực, cơ hội các doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, biên lợi nhuận tốt hơn.
Thị trường sắp tới sẽ có những nhịp điều chỉnh, sau đó lấy đà tích lũy tăng tiếp. Thực tế trong 2, 3 phiên gần đây đã có dấu hiệu điều chỉnh, VN-Index trong phiên có khi giảm 8,9 điểm, cuối phiên giảm ít hơn, thậm chí chuyển đỏ sang xanh, dấu hiệu cho thấy thị trường điều chỉnh theo hướng tích cực đi lên.
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng vẫn “sáng”
Con số tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến giữa tháng 8 là 9,62%, tức một tháng rưỡi qua tín dụng chỉ tăng thêm 0,27%. Ông có bình luận gì về con số này và khả năng nới room trong cuối năm?
Với mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN thận trọng cho nới room tín dụng. Việc tăng trưởng tín dụng chậm này là có lý do và phải chấp nhận. Hiện giờ các ngân hàng kiến nghị xin nới room tín dụng làm sao hỗ trợ cho không chỉ ngân hàng, mà doanh nghiệp được nâng room tín dụng. Sắp tới có thể NHNN cân nhắc nới thêm, có thể không nới toàn bộ mà mở một số ngân hàng hoạt động kinh doanh, kiểm soát rủi ro tốt, hay các ngân hàng tham gia tái cơ cấu.
Tôi cho rằng sắp tới sẽ có sự cởi mở hơn.
Ông có đồng quan điểm với nhận định cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn “sáng” trong thời gian tới?
Tôi cho rằng triển vọng vẫn “sáng” với cổ phiếu ngân hàng trong cuối năm. Dựa theo tình hình trong nước, thế giới, các ngân hàng sẽ sớm được mở room tín dụng. Khi đó tốc độ tăng trưởng, biên lợi nhuận của ngân hàng tốt hơn, cổ phiếu ngành này sẽ ổn.
Đánh giá của ông về việc hàng loạt nhà băng sẽ tăng vốn vào cuối năm?
Về việc hàng loạt ngân hàng phát hành tăng vốn vào cuối năm, tôi cho rằng rủi ro không nhiều. Việc tăng vốn đáp ứng nhiều tiêu chí như hệ số an toàn, tăng nguồn vốn cho ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu giảm bớt đi trên bảng cân đối tài sản. Rủi ro tăng vốn lớn khi mà ngân hàng không hoạt động hiệu quả. Trong khi hiện nay các ngân hàng hầu như sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, không cho vay khách hàng rủi ro cao.
Các ngân hàng nếu được nới room sẽ có thêm nguồn vốn cho vay, cơ hội nhiều hơn dành cho phát triển kinh tế cuối năm. Bởi đặc thù văn hóa kinh doanh tại Việt Nam thì quý 3, 4 doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, việc tăng vốn ngân hàng cũng là để đón cơ hội này.
Tiền đề tiến tới rút ngắn về T+0
Thanh khoản đang là nút thắt cho sự hồi phục của thị trường. Theo ông, việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 sắp tới liệu có cải thiện được thanh khoản?
Với thông tin giảm thời gian thanh toán, trước đó Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) công bố chính thức áp dụng T+2 trong tháng 8 này. Khi quy trình thanh toán rút ngắn, nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro do không phải chờ đợi nhiều. Nhà đầu tư có thể bán được cổ phiếu sớm, có khả năng mua nhanh hơn, tốc độ vòng quay vốn, thị trường sôi động hơn. Tôi dự đoán thanh khoản sẽ tăng 20-30% tùy vào sự hưng phấn của thị trường, thông tin tích cực xung quanh.
Tôi nghĩ đây là điều tích cực cơ quan quản lý đã và đang làm cho thị trường chứng khoán. Xa hơn, đây là tiền đề tiến tới rút ngắn về T+0, đáp ứng được một trong những tiêu chí nâng hạng thị trường.
Về việc nâng hạng thị trường, ngoài vấn đề thanh toán, chúng ta còn cần phải cải thiện vấn đề nào nữa, thưa ông?
Đó là việc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt. Hiện cơ quan nhà nước đang làm lại các luật để có thể giải được bài toán hạn chế room cho khối ngoại để đáp ứng được tiêu chí này.
Ngoài ra quy mô thị trường lớn hơn nữa thì càng tốt, thêm nhiều cổ phiếu chất lượng. Chúng ta đã đạt nhưng thêm nữa thì tốt.
Nhận định của ông về bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 này?
Tôi nghĩ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 sẽ tốt hơn quý 2. Như thường lệ, kết quả kinh doanh đổ về quý 3, 4. Do thời gian qua quý 2 gặp nhiều khó khăn do tác động nhiều từ cuộc chiến Ukraine - Nga, giá dầu… Hiện những vấn đề doanh nghiệp đối diện như lạm phát, suy thoái… dần hạ nhiệt.
Tôi cho rằng doanh nghiệp các ngành như bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công, dầu khí, chứng khoán… sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3.
Cảm ơn ông.