Ngày 21-12, Công an TP HCM cho biết đang mở rộng điều tra vụ án, triệu tập hàng chục người có liên quan đến sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) ở nhiều tỉnh, thành. Đến nay, Công an TP HCM đã khởi tố 33 bị can ở 4 nhóm tội danh: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ" và "Giả mạo trong công tác".
Bắt nhiều đối tượng chủ mưu
Theo Công an TP HCM, vụ án đang tập trung làm rõ thủ đoạn, vai trò, tính chất và mức độ phạm tội của các giám đốc TTĐK cầm đầu và đồng bọn thực hiện tại TP HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.
Đến nay, Công an TP HCM đã khám xét 9 TTĐK và bắt nhiều đối tượng chủ mưu. Cụ thể gồm: 5 trung tâm do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc (TTĐK: 62-03D, tỉnh Long An; 71-02D, tỉnh Bến Tre; 83-02D, tỉnh Sóc Trăng; 66-02D, tỉnh Đồng Tháp; 63-03D, tỉnh Tiền Giang), TTĐK 50-15D (TP Thủ Đức, TP HCM) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm giám đốc, TTĐK 50-07V (quận Bình Tân, TP HCM) do Ngô Ngọc Sơn làm giám đốc, TTĐK 50-10D (huyện Củ Chi, TP HCM) do Nguyễn Thanh Tâm làm giám đốc, TTĐK 50-17D (huyện Nhà Bè, TP HCM) do Hồ Hữu Tài làm giám đốc; thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.
Kết quả điều tra xác định, để có tiền chia cho các nhân viên hằng tuần và làm quỹ hoạt động của trung tâm, giám đốc các TTĐK này đã chỉ đạo nhân viên cố ý bỏ qua các lỗi vi phạm về kiểm định chất lượng và tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường. Theo đó, đã có hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phương tiện, đối tượng môi giới đưa đến kiểm định được bỏ qua các lỗi, số tiền thu lợi bất chính ước tính gần 10 tỉ đồng.
Tại các TTĐK do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, Công an TP HCM còn phát hiện nhóm hành vi "giả mạo trong công tác" với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trần Lập Nghĩa đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Qua đó, đã cấp 52.291 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các ôtô đến đăng kiểm trái quy định.
Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-03S, hàng trăm ôtô phải chờ nhiều giờ để được đăng kiểm. Ảnh: ANH VŨ
Các trạm đăng kiểm quá tải
Sau khi nhiều TTĐK bị khám xét, ghi nhận tại các trạm đăng kiểm ở TP HCM sáng 21-12 cho thấy lượng xe cộng dồn chờ đến lượt đăng kiểm rất đông, ôtô, xe tải xếp 2 hàng dài cả km. Thậm chí, có trạm từ trưa đã không còn nhận xe, hẹn tài xế sáng hôm sau đến sớm.
Tại TTĐK 50-03V (phường Tam Bình, TP Thủ Đức) có gần trăm phương tiện nối đuôi nhau từ Quốc lộ 1 vào đường Phú Châu để chờ vào đăng kiểm. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, một người từ trong trung tâm mang bảng "Ngưng nhận hồ sơ đăng kiểm" (sẽ tiếp tục nhận trong ngày khi giải quyết bớt hồ sơ - PV) đặt trước cửa.
Ông Nguyễn Văn Kiệt (70 tuổi; ngụ đường Phú Châu, phường Tam Bình) cho biết tình trạng quá tải tại TTĐK này đã xảy ra 3 ngày nay. Các tài xế phải xếp hàng từ lúc 5 giờ, vật vờ hàng giờ mới được đăng kiểm xe. Tại TTĐK 50-03S (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), hàng trăm ôtô đậu kín 4 làn đường đoạn vào trung tâm để chờ đợi. Tại đây, các đăng kiểm viên làm việc không ngơi tay, liên tục đốc thúc các ôtô xếp hàng trật tự. Anh Huỳnh Ngọc Sơn (32 tuổi, một tài xế ôtô) nói đã nhiều lần mang xe đi đăng kiểm nhưng đây là lần đầu anh thấy quá tải.
Tại TTĐK 50-05V (đường Hồng Hà, quận Tân Phú), một nam nhân viên bảo vệ cho biết từ sáng các tài xế cũng đã chờ đợi, có trường hợp phải đợi đến gần trưa mới tới lượt. Tương tự, tình trạng này cũng diễn ra tại TTĐK 50-05V (Quốc lộ 1, phường An Phú Đông, quận 12).
Thêm 2 TTĐK ở TP HCM bị tạm đình chỉ hoạt động
Cùng ngày, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết vừa tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời hạn 3 tháng đối với 2 đơn vị đăng kiểm ở TP HCM là 50-17D (huyện Nhà Bè) và 50-10D (huyện Củ Chi), do vi phạm quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Các quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 21-12-2022 đến hết ngày 20-3-2023.
V.Duẩn
Siết cấp phép dịch vụ đăng kiểm
Chiều 21-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết cục đã có văn bản yêu cầu các TTĐK tại TP HCM tăng thời gian làm việc, kể cả làm việc ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật để bảo đảm công tác kiểm định xe cơ giới được nhanh chóng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đang triển khai một số giải pháp cấp bách để khắc phục những bất cập, tồn tại đang diễn ra. Theo đó, tiến hành rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng siết chặt công tác cấp phép, quản lý hoạt động của các TTĐK.
Đặc biệt là siết chặt điều kiện kinh doanh về kiểm định xe cơ giới quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Đồng thời xem xét, đề nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền tiến hành phân cấp, phân quyền cho các sở giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động các đơn vị đăng kiểm. "Hành vi vi phạm tại một số TTĐK là coi thường an toàn tính mạng của người tham gia giao thông của một bộ phận đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của một số đơn vị đăng kiểm" - ông Hải nói.