Sáng, tối bức tranh lợi nhuận quý III

08/10/2021 14:53

Bức tranh chung lợi nhuận quý III/2021 của doanh nghiệp niêm yết được dự báo khó sáng sủa, dù vậy vẫn có sự phân hóa giữa các ngành, các doanh nghiệp.

1312-loi-nhuan-quy-3-1
Nhóm công ty chứng khoán được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận quý III/2021 khả quan.

Những gam màu sáng

Thông tin từ một số doanh nghiệp niêm yết cho thấy, bất chấp bệnh dịch diễn biến phức tạp, kết quả kinh doanh quý III/2021 vẫn tăng trưởng cao. Đáng nói là kết quả này được so sánh trên mức nền không hề thấp của cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Vicostone (mã VCS) cho biết, doanh thu thuần quý vừa qua ghi nhận 1.858,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 574,6 tỷ đồng, tương ứng ước tăng 23,47% và 22,40% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Vicostone lần lượt tăng 76,54 % và 80,24% kế hoạch năm 2021 đã đề ra.

Công ty cổ phần Nafoods Group (mã NAF) cũng hé lộ kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý III/2021. Trong đó, tổng doanh thu ước đạt 412 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng ước đạt 20,5 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng ước đạt 60,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 80% kế hoạch cả năm.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có nhiều dữ liệu để có thể hình dung bức tranh tổng thể về hiệu quả kinh doanh quý III/2021 của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Dù vậy, qua việc tổng hợp các số liệu và dựa trên phân tích về đặc thù kinh doanh của từng ngành nghề, doanh nghiệp cho thấy, ngoài mảng thực phẩm thì hóa chất là một trong số ít ngành đang hưởng lợi trong đại dịch Covid-19.

Theo tổng hợp của Fiinpro, sau khi báo lãi lớn trong quý II/2021, nhóm phân bón (bao gồm DPM, BFC, DCM, LAS, DDV) tiếp tục hưởng lợi nhờ giá bán tăng bình quân 20% trong tháng 8 do chuỗi cung ứng bị gián đoạn và không bị ảnh hưởng nhiều bởi gia tăng chi phí đầu vào (than và khí đốt) do có thể chuyển phần lớn chi phí tăng sang người mua.

Tuy nhiên, gián đoạn cung ứng apatit (do Công ty Apatit dừng cung cấp quặng tuyển) có thể tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón chứa lân (LAS, DDV).

Trong khi đó, xuất khẩu cao su và hóa chất tăng mạnh trong tháng 7 và tháng 8/2021 tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận quý III cho các doanh nghiệp trong nhóm ngành này.

Đối với ngành thép, tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2021 và cả quý cuối năm dự báo được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu.

Hiện sản lượng tiêu thụ thép của HPG trong tháng 8/2021 tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ sản phẩm HRC (thép cuộn cán nóng), giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm 17% về tiêu thụ thép xây dựng trong nước.

Với nhóm tôn mạ, xuất khẩu tháng 7 và tháng 8 của HSG và NKG tăng lần lượt đều tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng tiêu thụ trong nước giảm lần lượt là 15,7% và 23%.

Do vậy, lợi nhuận quý III/2021 của các doanh nghiệp trong ngành thép dự báo tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, song mức tăng trưởng không cao bằng quý II/2021.

VNDIRECT đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021 lên 1.600 tỷ đồng, tăng 82% so với kế hoạch cũ.

Nhóm công ty chứng khoán cũng được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận quý III/2021 khả quan, nhờ giá trị giao dịch vẫn duy trì ở mức cao.

Với tín hiệu lợi nhuận 3 quý đầu năm tốt, một số công ty chứng khoán đã thực hiện điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh cả năm.

Đơn cử, VNDIRECT đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2021 lên 3.951 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và 82% so với kế hoạch cũ. Sau khi điều chỉnh, kế hoạch lợi nhuận sau thuế gấp hơn 2,3 lần so với thực hiện năm 2020.

Và những mảng xám

Ngân hàng và bất động sản đang là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất trên sàn niêm yết. Khác với việc đưa ra con số dự báo lợi nhuận quý khá sớm như hai quý đầu năm, hiện chưa có ngân hàng nào công bố số liệu ước tính lợi nhuận quý III.

Báo cáo phân tích của một số công ty chứng khoán chỉ ra khả năng suy giảm tăng trưởng của nhóm ngành ngân hàng trong quý III/2021 là điều khó tránh khỏi.

Báo cáo về ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Yuanta cho thấy, kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng quý III/2021 sẽ giảm 19% so với quý II/2021, do tăng trưởng cho vay thấp và chi phí dự phòng tăng...

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến hết 31/8/2021 đạt 7,24% trên tổng điều hành tín dụng năm nay, dự kiến 12%. Riêng hai tháng gần đây, các ngân hàng rất tích cực đẩy tín dụng vào các doanh nghiệp nhưng khả năng hấp thụ vốn rất chậm.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho rằng, biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ giảm trong quý III/2021 do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đối với ngành bất động sản, kế hoạch tổng lợi nhuận sau thuế năm nay của nhóm này dự kiến tăng trưởng 14% so với năm 2020. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cả năm ở mức 39%.

Quý III/2021, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa có nhiều cải thiện bởi dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ ra hàng của các dự án.

Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (mã DIG) ước tính lợi nhuận 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 180 tỷ đồng, cách rất xa mục tiêu 1.400 tỷ đồng trong năm nay.

Tuy nhiên, dựa trên thống kê cũng như tính mùa vụ qua các năm, Fiinpro ước tính, mức tăng trưởng lợi nhuận cả năm bình quân 14% của nhóm bất động sản vẫn có thể được đảm bảo nhờ hoạt động bán buôn dự án của các doanh nghiệp lớn như Vinhomes (mã VHM) và điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản thường vào quý cuối năm.

Ngay cả doanh nghiệp thuộc ngành nghề thiết yếu như Công ty cổ phần Bột giặt LIX (mã LIX) ước tính lợi nhuận quý III/2021 đạt 30 tỷ đồng, giảm 50% so với quý II/2021. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp trong năm lợi nhuận của LIX lao dốc so với quý trước đó.

Giải thích nguyên nhân lợi nhuận suy giảm, lãnh đạo LIX cho biết, dịch bệnh đã gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng đến điểm bán, trong khi các thị trường xuất khẩu của LIX cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

GDP quý III/2021 ước tính suy giảm 6,17% so với cùng kỳ, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc trong năm nay là điều sớm được dự báo.

Tác động của dịch bệnh đến chất lượng và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp không phải là điều khó dự đoán, rõ nét nhất là quý III/2021 - giai đoạn cao điểm của dịch bệnh. Trong đó, nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ khách sạn chịu tác động nặng nề nhất.

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (mã VNS) cho biết, quý III/2021, lợi nhuận sẽ tiếp tục là con số âm, sau khi doanh nghiệp ghi nhận lỗ 66 tỷ đồng trong quý II/2021.

Năm 2021, VNS dự kiến doanh thu đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 79 tỷ đồng, nhưng Công ty dự kiến vượt lỗ kế hoạch khi mới kết thúc 3 quý đầu năm.

Việc tạm ngưng hoạt động lĩnh vực taxi tại TP.HCM để đảm bảo phòng chống dịch trong quý III/2021 là nguyên nhân doanh nghiệp này lỗ chồng lỗ.

Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (mã RIC) dự kiến lỗ ròng hơn 18 tỷ đồng trong quý vừa qua, nối dài chuỗi thua lỗ 8 quý liên tiếp…

Dù có những mảng sáng xám trong bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong quý III/2021, nhưng theo dự báo của Fiinpro, nếu lợi nhuận nửa cuối 2021 của các doanh nghiệp niêm yết chỉ bằng 70% quy mô lợi nhuận cùng kỳ năm 2020 thì mức tăng trưởng chung về lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp vẫn có thể đạt 13%.

Bạn đang đọc bài viết "Sáng, tối bức tranh lợi nhuận quý III" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).