Vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương toàn cầu đang lo lắng về tỷ lệ lạm phát chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, tình trạng thiếu hụt dầu diesel dự báo sẽ đẩy chi phí nhiên liệu và vận tải lên cao hơn nữa, đồng thời gây thêm áp lực lên giá bán lẻ.
Dầu diesel là nhiên liệu đa năng, có thể sử dụng cho phần lớn các máy móc và loại phương tiện giao thông, từ đường bộ, đường thủy, đến đường sắt,... Đặc biệt, dầu diesel còn được dùng cho các phương tiện có tải trọng lớn như: Xe nâng bán tự động, xe nâng dầu hoặc cả các tuabin khí,...
Châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu diesel của Mỹ và châu Á. Nhập khẩu diesel của châu lục này đã bị hạn chế trong những tuần gần đây do tiêu thụ nội địa tăng cho các ngành sản xuất và giao thông đường bộ.
Dữ liệu từ công ty tư vấn Insights Global của Hà Lan cho thấy dự trữ gasoil, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, ở các kho chứa tại khu vực cất giữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) của Châu Âu đã giảm 2,5% trong tuần vừa qua.
Dự trữ nhóm nhiên liệu này của châu Âu hiện đang ở mức thấp nhất so với cùng thời điểm kể từ 2008, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất tầm trung trên đất liền của Singapore cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, chỉ còn 8,21 triệu thùng.
Chuyên gia Lars van Wageningen của Insights Global cho biết: "Nhu cầu dầu diesel đang được cải thiện (ở Tây Bắc Châu Âu) nhưng công suất lọc dầu hiện vẫn thấp hơn so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, và mức nhập khẩu sụt giảm đang khiến thị trường chịu áp lực thiếu cung nghiêm trọng.
Giá diesel trên thị trường Tây Bắc Âu hôm thứ Hai (7/2) đạt 114 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014, trong khi tỷ suất lợi nhuận của diesel so với dầu thô tuần vừa qua đạt mức cao nhất trong hai năm.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley lưu ý rằng năm 2008 giá dầu diesel đã vọt lên khoảng 180 USD/thùng do thị trường sản phẩm chưng cất tầm trung "cực kỳ thắt chặt", khi giá dầu thô Brent tăng lên gần 150 USD/thùng.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng cho biết rằng: "Chúng tôi không có ý rằng thị trường sẽ lặp lại điều đó vào lúc này, nhưng điều đáng chú ý là giá dầu diesel – đã từng được theo dõi chặt chẽ trong giai đoạn 2007-08 – những tháng gần đây lại trở thành tâm điểm chú ý". Ngân hàng Morgan Stanley dự kiến giá dầu thô sẽ đạt 100 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.
Tuần trước, một cơn bão mùa đông đã ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nhiên liệu ở Mỹ, khiến một số công ty điện lực đã phải chuẩn bị phương án sử dụng nhiều hơn các nhiên liệu là sản phẩm dầu chưng cất để đáp ứng nhu cầu, trong khi Hàn Quốc và Ấn Độ đã không thể lấp đầy khoảng trống về nguồn cung do Trung Quốc gần đây kìm hãm xuất khẩu sản phẩm tinh chế vì nhu cầu trong nước của chính họ cũng tăng.
Nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá dầu diesel tại châu Á tăng vọt, với giá tham chiếu gasoil 10ppm đạt mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014.
Lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Âu.
Các nhà máy lọc dầu thường phản ứng với hiện tượng tỷ suất lợi nhuận cao và hàng tồn kho thấp bằng cách tăng sản lượng. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế tháng trước cho biết ngành lọc dầu toàn cầu đang bị căng thẳng với công suất năm 2021 giảm lần đầu tiên sau 30 năm khi công suất của các cơ sở đóng cửa cao hơn của các cơ sở được bổ sung mới.
Việc tăng sản lượng dầu diesel cũng sẽ đòi hỏi gia tăng tốc độ xử lý dầu thô thông thường tại các nhà máy lọc dầu, với các thiết bị hạ nguồn được cấu hình để tối đa hóa sản lượng chưng cất các sản phẩm tầm trung với chi phí thấp hơn.
Thay vào đó, một số nhà máy lọc dầu - đặc biệt là ở Mỹ - vẫn đang vận hành các nhà máy ở công suất thấp hơn mức trung bình 5 năm để tránh sản xuất quá nhiều nhiên liệu máy bay – mặt hàng mà nhu cầu vẫn thấp hơn so với năm 2019, khiến các công ty đang rất khó khăn trong việc tìm cách khôi phục lại các kho dự trữ dầu diesel lên mức an toàn trong ngắn hạn.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết: "Với áp lực từ các nhà đầu tư trong việc giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu dầu cao, bối cảnh này có thể làm giảm động cơ đầu tư vào những công suất lọc dầu mới".
Theo ông Staunovo: "Với nhu cầu nhiên liệu có thể sẽ tăng trong 10-15 năm tới và nguồn cung không thể theo kịp, tôi dự đoán sẽ có nhiều biến động hơn (về giá nhiên liệu) trong tương lai.
Nguồn cung ở châu Âu bị thắt chặt đã đẩy mức chênh lệch giá dầu diesel kỳ hạn giao ngay so với kỳ hạn 6 tháng tại khu vực này lên hơn 100 USD/tấn vào thứ Hai (7/2), mức chênh lệch lớn chưa từng có trong lịch sử. Giá giao ngay cao hơn quá nhiều so với kỳ hạn tương lai phản ánh nhu cầu mạnh mẽ trong ngắn hạn và khuyến khích các nhà giao dịch giải phóng dầu từ kho dự trữ để bán, khiến lượng dầu trong kho càng thêm cạn kiệt.
Khoảng cách giá giữa hợp đồng diesel giao ngay và giao sau 6 tháng tại Châu Âu.
Trong khi đó, lượng gasoil và dầu diesel nhập từ phía đông Suez, Nga, Baltics và Mỹ vào Châu Âu trong tháng này nếu theo tốc độ như hiện nay thì sẽ chỉ đạt khoảng 1,66 triệu tấn, thấp hơn mức kỳ vọng là 1,83 triệu tấn, và càng thấp xa so với mức 4,6 triệu tấn nhập trong tháng 1/2022.
Một nhà môi giới tàu chở dầu sạch của Mỹ cho biết: "Chúng tôi thấy lượng dầu diesel xuất khẩu từ Bờ Vịnh Mỹ chỉ ở mức tối thiểu và lượng chất lên các tàu rỗng đang ở mức zero".