SCIC thoái vốn khỏi Tổng công ty Thăng Long: “Tay to” nào thật sự hào hứng?

11/06/2022 09:29

Trước phiên đấu giá của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cơ cấu cổ đông của Tổng công ty Thăng Long xuất hiện cổ đông lớn có liên quan đến nhóm DNP và Tasco.

a-t6-1654853394.jpg

Phiên đấu giá lô cổ phiếu TTL do SCIC sở hữu dự kiến diễn ra vào ngày 21/6 tới. Ảnh: Đức Thanh

Sự hấp dẫn của Tổng công ty Thăng Long

Ngày 21/6/2022, SCIC sẽ bán đấu giá lô 10,5 triệu cổ phần, tương ứng 25% vốn điều lệ Tổng công ty Thăng Long - CTCP (TLG, mã TTL - HNX) với giá khởi điểm 194,565 tỷ đồng, tương đương 18.530 đồng/cổ phần.

TLG tiền thân là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, được thành lập năm 1973 và cổ phần hóa cuối tháng 3/2014. TLG được biết đến là nhà thầu thi công nhiều công trình cầu, đường và hạ tầng giao thông, có quá khứ huy hoàng khi thi công hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn như cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ…

Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi hình thức thành công ty cổ phần, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này có dấu hiệu dần sa sút. Năm 2015, TLG ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục với doanh thu thuần 2.416 tỷ đồng, lãi sau thuế 85 tỷ đồng, thì đến năm 2018, doanh thu thuần chỉ đạt 540 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,24 tỷ đồng. Giai đoạn 2019 - 2020, hoạt động xây dựng mang lại nguồn thu chủ yếu cho Tổng công ty, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế bình quân lần lượt đạt 762 tỷ đồng và 15 tỷ đồng.

Năm 2021, doanh thu của TLG tăng vọt lên 1.264 tỷ đồng. Tuy nhiên, do áp lực chi phí tài chính, lợi nhuận trước thuế ở mức 15,2 tỷ đồng. Năm 2022, dù đặt mục tiêu doanh thu tăng, đạt 1.465 tỷ đồng, nhưng Tổng công ty dự kiến lợi nhuận “đi lùi” về 9,12 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tính đến cuối quý I/2022, tổng tài sản của TLG đạt 2.231 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 72%, tương ứng 1.398 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, TLG được lựa chọn thực hiện 3 gói thầu xây lắp trong lĩnh vực giao thông với tổng giá trúng thầu hơn 930 tỷ đồng.

Ngoài việc được biết đến là nhà thầu chuyên thi công các công trình giao thông, TLG đang quản lý một số khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội. Đáng chú ý, TLG đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất đắc địa tại Hà Nội. Có thể kể đến khu đất 11.400 m2 tại đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm đang được sử dụng làm văn phòng và nhà xưởng. Đây là đất Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm.

Cũng tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TLG đang sử dụng 4.040 m2 đất tại đường Tân Xuân; 1.127,8 m2 đất tại đường Phạm Văn Đồng làm văn phòng và nhà xưởng. Đây đều là đất Nhà nước cho thuê trả tiền thuê hàng năm. Bên cạnh đó, Tổng công ty còn quản lý khu đất 9.656,26 m2 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Ai sẽ mua?

Với vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, ngoài 25% vốn do SCIC sở hữu, theo bản công bố thông tin về đợt chào bán của SCIC, các cổ đông lớn của TLG còn có Công ty cổ phần Tasco với tỷ lệ sở hữu 38,6%, Ngân hàng SHB và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội cùng sở hữu 7,16%.

Ngoài việc được biết đến là nhà thầu chuyên thi công các công trình giao thông, TLG đang quản lý một số khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội.

Cần nhắc lại, tại Nghị quyết số 43 ngày 29/11/2021, HĐQT Tasco đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của công ty này tại 7 doanh nghiệp, bao gồm cả 38,61% vốn tại TLG. Nghị quyết này được ban hành một tháng sau khi diễn ra cuộc chuyển giao đội ngũ lãnh đạo Tasco với sự tham gia của nhóm cổ đông lớn “họ DNP” - Nhựa Đồng Nai cùng với kế hoạch tái cấu trúc lớn cho Tasco.

Kể từ đó đến nay, Tasco đã từng bước thực hiện kế hoạch trên, nhờ đó ghi nhận doanh thu tài chính hàng trăm tỷ trong quý IV/2021 và quý I/2022, góp phần đưa lợi nhuận Công ty tăng trưởng trở lại sau nhiều quý lỗ liên tiếp. Báo cáo tài chính mới nhất quý I/2022 của Tasco cho thấy, TLG được ghi nhận là công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu không thay đổi là 38,6%.

Trong một động thái có liên quan, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG vừa công bố trở thành cổ đông lớn của TLG, sau khi mua hơn 3,35 triệu cổ phiếu TTL qua thỏa thuận hôm 30/5, qua đó nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 4,8 triệu, tương đương 11,5% vốn cổ phần. Theo dữ liệu giao dịch, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG đã mua cổ phiếu TTL bằng hình thức thỏa thuận vào ngày 28/3 (700.000 đơn vị) và ngày 6/4 (761.662 đơn vị).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG có nhiều liên hệ với nhóm DNP - nhóm cổ đông lớn đang sở hữu tỷ lệ chi phối tại Tasco. Đây là đơn vị thực hiện thi công Nhà máy Nước sạch DNP - Bắc Giang. Trong một thông tin công bố trên website, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG cho biết, Nhựa Đồng Nai là một trong những đối tác tiêu biểu cung cấp ống nhựa và vật tư thiết bị ngành nước HDPE cho Công ty.

Ngoài ra, ông Nguyễn Việt Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG cũng đang nắm giữ vị trí thành viên HĐQT, Tổng giám đốc của TLG. Trong khi đó, ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của TLG từng có thời gian đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của DNP Water. Cả ông Tuấn và ông Hà đều đảm trách các vị trí quan trọng của TLG từ nửa cuối năm 2021.

Như vậy, nhiều khả năng, bản chất việc thoái vốn của Tasco khỏi TLG là bán cho các công ty có liên quan cùng trong hệ sinh thái DNP. Đó cũng có thể xem là chỉ dấu cho khả năng thành công của phiên đấu giá lô cổ phiếu TTL do SCIC sở hữu vào ngày 21/6 tới.

Bạn đang đọc bài viết "SCIC thoái vốn khỏi Tổng công ty Thăng Long: “Tay to” nào thật sự hào hứng?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).