Sóc Sơn (Hà Nội): dấu hiệu loạn giá, “thổi giá” trong gói thầu mua sắm đồ dùng, thiết bị giáo dục

17/04/2022 16:49

Công ty cổ phần VinaLong (VinaLong) liên tiếp trúng nhiều gói thầu mua sắm trong thời gian gần đây. Các thiết bị trong những gói thầu này có dấu hiệu bị “thổi giá”, “loạn giá”. Gần đây nhất, VinaLong liên danh với Công ty cổ phần thương mại và phát triển Bình An trúng gói thầu hơn 17 tỷ đồng do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư.

Công ty cổ phần VinaLong có địa chỉ trụ sở tại thôn Xuân Đoài, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Thống kê cho thấy, nhà thầu này đã tham gia 139 gói thầu và đã trúng 131 gói.

Ngày 30/12/2021, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn, bà Trần Thị Thanh Huế ký Quyết định số 270/QĐ-GD&ĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần VinaLong và Công ty cổ phần thương mại và phát triển Bình An (Công ty Bình An). Giá trúng thầu là 17.239.580.000 VNĐ. Gói thầu hơn 17 tỷ đồng tiết kiệm được cho ngân sách khoảng 190 triệu đồng.

z3346217665594_36afde7b0b4070988e14272ca90f904b
Quyết định số 270/QĐ-GD&ĐT của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6. Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty cổ phần VinaLong và Công ty cổ phần thương mại và phát triển Bình An (Công ty Bình An).

Trước đó, VinaLong đã trúng liên tiếp nhiều gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 tại nhiều Trường THCS trên địa bàn huyện Quốc Oai trong cùng 1 ngày. Hàng loạt gói thầu này do các Trường THCS trên địa bàn huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư như: Trường THCS Tuyết Nghĩa, Trường THCS Phú Mãn, Trường THCS Đông Xuân, Trường THCS Đông Yên...

Loạn giá thiết bị

Cùng một loại hàng hóa, cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật nhưng giá mua sắm lại khác xa nhau ở các gói thầu có sự tham gia của VinaLong.

Bộ thước thực hành đo khoảng cách, đo chiều cao ngoài trời có xuất xứ Việt Nam, có thông số kỹ thuật yêu cầu như nhau nhưng tại gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư lại cao gần gấp đôi giá do VinaLong mua sắm tại Trường THCS Đông Xuân (Quốc Oai). Giá của thiết bị này được liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 2.020.000 VNĐ, còn tại gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư chỉ có giá 1.233.000 VNĐ, chênh lệch khá lớn.

z3346220185068_3fff665f0e0a9e7c043b771d3ddfe128
Yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa là bộ đo kích thước, chiều cao và giá trúng thầu của liên danh VinaLong - Bình An đối với thiết bị này là 2.020.000 VNĐ
z3346221790998_24b46f189a303282449abe4ae0e552e3
Yêu cầu trong E-HSMT gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư đối với Bộ đo kích thước, chiều cao. Tất cả các yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị này trong Gói thầu tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn đều có trong yêu cầu kỹ thuật tại chương V (E-HSMT) của gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư nhưng giá thiết bị lại rất khác. Cả 2 gói thầu đều có sự tham gia của nhà thầu VinaLong.

Một hàng hóa khác, kèn phím có xuất xứ Indonesia, thông số kỹ thuật được yêu cầu tương tự nhau ở 2 gói thầu nhưng giá lại hoàn toàn khác nhau. Gói thầu số 03 mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 tại Trường THCS Đông Xuân, hình thức đấu thầu là chào hàng cạnh tranh, Công ty VinaLong trúng thầu với giá chào hàng thiết bị này là 1.085.000 VNĐ. Nhưng tại gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư, liên danh VinaLong – Bình An lại mua với giá gần 1,5 triệu đồng.

Bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên có xuất xứ Việt Nam, thông số kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu (E-HSMT) giống nhau: bộ học liệu điện tử được xây dựng theo chương trình môn học Lịch sử và Địa lý (CT 2018), có hệ thống học liệu điện tử (hình ảnh, bản đồ, sơ đồ, lược đồ, âm thanh, video, các câu hỏi, đề kiểm tra,...) đi kèm và được tổ chức, quản lý thành hệ thống thư viện điện tử, thuận lợi cho tra cứu và sử dụng. Bộ học liệu sử dụng được trên máy tính trong môi trường không kết nối internet. Phải đảm bảo tối thiểu các chức năng: chức năng hỗ trợ soạn giáo án điện tử; chức năng hướng dẫn chuẩn bị bài giảng điện tử; chức năng hướng dẫn và chuẩn bị và sử dụng học liệu điện tử (hình ảnh, bản đồ, sơ đồ, lược đồ, âm thanh, hình ảnh,...); chức năng hướng dẫn và chuẩn bị các bài tập; chức năng hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá. Vậy nhưng, trong gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư, liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 11.370.000 VNĐ. Còn tại gói thầu do Trường THCS Đông Xuân làm chủ đầu tư, Công ty VinaLong trúng thầu, thiết bị này được mua với giá chỉ 4.119.000 VNĐ. Như vậy, một bộ học liệu điện tử hỗ trợ giáo viên chênh lệnh nhau hơn 7 triệu đồng ở hai gói thầu.

z3346223948649_9c95885268b6ab77394b13c8a287e4d7
Yêu cầu kỹ thuật trong E-HSMT là giống nhau nhưng giá mua sắm lại chênh lệch nhau quá lớn, nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước.

Bếp điện trong gói thầu mua sắm ở Sóc Sơn và trong gói thầu số 03: mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 tại Trường THCS Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai cũng có yêu cầu về kỹ thuật giống nhau được nêu trong chương V của E-HSMT. Nhưng giá của loại thiết bị này trong 2 gói thầu trên lại chênh lệch nhau 2 lần, mặc dù cùng xuất xứ. Cụ thể, gói thầu do trường THCS Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) làm chủ đầu tư, thiết bị này có giá trúng thầu là 775.000 VNĐ. Để trúng gói thầu tại huyện Sóc Sơn, liên danh VinaLong – Bình An đã đề xuất và mua với giá hơn 1,6 triệu đồng. Thiết bị được mua với giá cao hơn gấp đôi cũng chỉ để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật như nhau?

z3346226411308_8c5ab5c7ad4f8fbca00ec77c7b792071
Cùng yêu cầu về kỹ thuật, cùng xuất xứ nhưng giá mua sắm bếp điện lại khác xa nhau. Gói thầu do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư mua sắm 54 bếp điện với giá gấp đôi so với gói thầu khác có cùng đơn vị trúng thầu?

Rất nhiều thiết bị khác trong các gói thầu mua sắm đồ dùng học tập có sự tham gia của Công ty VinaLong cũng có dấu hiệu loạn giá. Giá mua sắm mỗi lúc một khác, thậm chí khác xa nhau nhưng cũng chỉ để đáp ứng những yêu cầu tương tự nhau trong E-HSMT. Gói thầu mua sắm đồ dùng học tập do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư có giá hơn 17 tỷ đồng, mua sắm nhiều loại thiết bị, có nhiều loại thiết bị được yêu cầu mua hàng chục bộ, số tiền chênh lệch (nếu có) sẽ là rất lớn.

“Thổi giá” thiết bị?

Không những loạn giá mà gói thầu: mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư còn có dấu hiệu bị “thổi giá”.

Yêu cầu chung cũng như đặc tính kỹ thuật riêng của từng thiết bị trong gói thầu trên giống với nhiều gói thầu mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học khác nhưng giá mua sắm của liên danh VinaLong – Bình An lại cao hơn rất nhiều. Một số thiết bị có giá trúng thầu cao hơn giá thị trường, mặc dù cùng thông số kỹ thuật cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Gói thầu mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tại Sóc Sơn yêu cầu mua sắm 27 bộ bàn, lưới bóng bàn với thông số kỹ thuật yêu cầu như sau: mặt bàn bóng bàn được làm từ gỗ MDF chất lượng cao dày 18 ly, cực phẳng, mịn cho độ nảy cực chuẩn, ổn định và được sơn chống lóa. Khung bàn, chân bàn được làm bằng sắt 40 x 40; 20 x 20 mm dày 1.2 mm. Kích thước đóng thùng: 1600 x 1470 x 120 mm (dài x rộng x dày). Diện tích lắp đặt sản phẩm: 2740 x 1525 x 760 mm (dài x rộng x cao) theo tiêu chuẩn thi đấu của liên đoàn bóng bàn thế giới. Cọc bóng bàn 02 chiếc, lưới bóng bàn 01 chiếc; kiểu dáng thể thao khoẻ khoắn, sơn bóng chống gỉ, có lưới đi kèm. Liên danh VinaLong – Bình An mua loại hàng hóa này với giá 9.731.000 VNĐ.

Yêu cầu kỹ thuật trong chương V của E-HSMT đối với hàng hóa là Bàn, lưới bóng bàn
Yêu cầu kỹ thuật trong chương V của E-HSMT đối với hàng hóa là bàn, lưới bóng bàn.

Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện nay sản phẩm bàn và lưới bóng bàn có thông số kỹ thuật như trên chỉ có giá hơn 5 triệu đồng. Sản phẩm bàn bóng bàn kèm lưới và bóng thương hiệu VinaSport, xuất xứ Việt Nam có thông số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của E-HSMT gói thầu trên có giá trên thị trường dưới 6 triệu đồng. Như vậy, với 27 bộ thiết bị được mua, số tiền bị nâng khống có thể lên đến hàng trăm triệu đồng (nếu có).

 

z3348088350271_6ae8fb52df506472eb48c927033d2d70
Thông số kỹ thuật giống như yêu cầu của E-HSMT nhưng sản phẩm ngoài thi trường có giá chỉ hơn một nửa giá mua sắm của Liên danh VinaLong - Bình An.

Nhiệt kế điện tử số lượng 45 cái được liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 1.781.000 VNĐ, có xuất xứ Trung Quốc.

Tìm hiểu giá thiết bị này trên thị trường với thông số kỹ thuật trùng khớp với yêu cầu của E-HSMT thì được biết, sản phẩm có giá khoảng 1,2 triệu đồng.

z3348045131358_7de6db88d9b222ea114bbc5588ce44ff
Sản phẩm nhiệt kế điện tử với thông số giống như yêu cầu của E-HSMT có giá trên thị trường chỉ bằng 2/3 giá mà Liên danh VinaLong- Bình An mua sắm.

Trụ và lưới đá cầu được liên danh VinaLong – Bình An mua với giá 2.755.000 VNĐ, số lượng 54 bộ, xuất xứ Việt Nam. Đối với mặt hàng hóa này, yêu cầu về mặt kỹ thuật là: mẫu và kích thước theo tiêu chuẩn của Tổng cục Thể dục thể thao.

Cũng là loại hàng hóa này nhưng tại gói thầu số 2: mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 Trường tiểu học Nghĩa Hương thuộc dự toán mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 các trường công lập trên địa bàn huyện Quốc Oai, Công ty cổ phần thiết bị giáo dục và khoa học kỹ thuật Long Thành mua với giá chỉ 1.750.000 VNĐ. Tiêu chuẩn hàng hóa cũng theo mẫu và kích thước tiêu chuẩn của Tổng cục Thể dục thể thao.

Nhiều mặt hàng hóa khác trong gói thầu mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học trên cũng có giá cao bất thường. Số lượng danh mục thiết bị cần mua sắm lớn, có thiết bị được mua hàng chục thậm chí hàng trăm cái/bộ. Nếu như có việc nâng khống giá các thiết bị thì thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là không nhỏ.

Trên đây là một số phản ánh của người dân về việc có dấu hiệu "thổi giá", "loạn giá" trong Gói thầu: mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học phục vụ chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn tiếp nhận thông tin phản ánh, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.

Bạn đang đọc bài viết "Sóc Sơn (Hà Nội): dấu hiệu loạn giá, “thổi giá” trong gói thầu mua sắm đồ dùng, thiết bị giáo dục" tại chuyên mục Đấu Thầu. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).