Trong quá trình hoạt động nhiều spa đã “biến tướng” thực hiện các dịch vụ kỹ thuật vượt phạm vi chuyên môn cho phép như: cắt mí, nhấn mí, tiêm liller, botox, tạo má núm đồng tiền, môi trái tim, phun xăm có sử dụng thuốc gây tê.... gây nhiều nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng khách hàng có nhu cầu làm đẹp.
Spa massage, gội đầu kiêm luôn... hút mỡ bụng, tiêm filler
Vào đầu tháng 8/2022, Bệnh viện Mắt TPHCM tiếp nhận một nữ bệnh nhân 41 tuổi bị thủng 4 lỗ trên mắt sau khi cắt mắt làm mí tại một cơ sở làm đẹp thuộc quận Gò Vấp, TPHCM với giá 4 triệu đồng.
Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nữ bệnh nhân tên H. (36 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốc nặng (huyết áp không đo được), giảm oxy máu, nhiễm toan chuyển hoá nặng, lơ mơ… sau khi tẩy mụn trứng cá ở lưng tại cơ sở thẩm mỹ có sử dụng gây tê.
Hay trường hợp của chị N.T.C.D. (30 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) bị hỏng mắt sau khi tiêm filler làm đầy mũi tại spa TN - Beauty clinic Spa (lô H3, tầng 6, chung cư 384 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4). Theo chị D. trước đó đã được chủ spa tiêm filler (loại hyaluronic acid) làm đầy mũi với giá 2 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, chị Đỗ Ngọc Linh (ngụ tại phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ: Đến spa để massage thư giãn, ngâm chân thảo dược, nhưng lại bị chào mời tiêm tinh chất làm sáng da, cắt mí, tiêm tinh chất giảm mỡ bụng, phun môi, mày... “làm các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp như trên tại spa liệu có đảm bảo an toàn sức khoẻ không?”, chị Linh lo ngại.
Cũng gặp tình huống như chị Linh, bà Trần Thị Ngọc Nương (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) thì cho hay: “Nhân viên spa L.G tư vấn cho tôi tiêm tinh chất vào da để thu nhỏ lỗ chân lông, đều màu da, căng bóng da. Ống tinh chất tiêm đẹp da nhập từ Hàn Quốc, giá 20 triệu đồng/lọ, hiện giảm còn 10 triệu đồng/lọ, nhưng tôi thấy không an toàn vì không đọc được chữ nào trên sản phẩm, mọi thông tin về sản phẩm khách hàng hoàn toàn phụ thuộc vào lời giới thiệu của nhân viên tư vấn tại spa”.
Sản phẩm được cho là tinh chất tiêm trực tiếp vào da mặt, giúp da mịn màng trắng sáng không nhãn mác phụ spa L.G bán 20 triệu đồng/lọ. |
Treo biển một đằng, thực hiện “n” dịch vụ vượt phép
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại nhiều địa chỉ spa trên địa bàn các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận (TPHCM)... đa số các cơ sở hoạt động dịch vụ spa đều “vẽ” dịch vụ, treo biển một đằng nhưng thực hiện “n” dịch vụ vượt phép.
Tại cơ sở làm đẹp Litter Gaden trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), ghi nhận bên ngoài treo bảng biển sơ sài của một cơ sở spa massage, chăm sóc da mặt, thư giãn sức khoẻ bình thường, nhưng bên trong lại thực hiện các dịch vụ như một phòng khám thẩm mỹ.
Bảng hiệu quảng cáo chỉ là một spa, nhưng tư vấn thực hiện dịch vụ như phòng khám chuyên khoa PTTM |
Người giới thiệu tên Tr. quản lý chi nhánh này tư vấn, mời chào: “Bên em có chuỗi hơn 10 viện thẩm mỹ, có bệnh viện chuyên phẫu thuật thẩm mỹ tại quận 10, bác sĩ da liễu có bằng thạc sĩ. Gói hút mỡ bụng bên em 130 triệu đồng hôm nay giảm giá duy nhất còn 70 triệu đồng. Để hút mỡ bụng bên em dùng máy lipo tự động hóa lỏng vùng mô mỡ, khi đó bác sĩ chỉ việc đi một đường nhỏ xíu để hút toàn bộ lượng mỡ đó ra ngoài”. Đưa cho tôi xem hình 2 chai chất lỏng, Tr. cho hay, đó là mỡ hút ra từ bụng của một khách hàng.
Hay như cơ sở spa Ngọc Anh trên đường Quang Trung (Gò Vấp), quảng cáo là “Mỹ viện tắm trắng da, điều trị các bệnh về da”... như một phòng khám da liễu, phòng khám thẩm mỹ. Chủ spa này cho hay: Liệu trình giảm béo bụng ở Ngọc Anh bằng cách bấm huyệt bụng đẩy hơi ra ngoài, sau đó tiêm tinh chất đánh tan mỡ bụng. Khách muốn giảm mỡ nhanh hơn thì đắp thêm bùn cứu, vừa tan mỡ lại thải độc, giá 6 triệu đồng/liệu trình. Ngoài ra, Ngọc Anh còn làm nhiều dịch vụ phun hồng nhũ hoa, hồng cô bé, tiêm filler, tinh chất căng da mặt đều có ủ tê...
Spa quảng cáo là Mỹ viện tắm trắng da, nhận đào tạo học viên |
Thậm chí có tình trạng, cơ sở chính xin cấp phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc phòng khám chuyên khoa da liễu, thì liền sau đó như gà đẻ trứng vàng, rất nhiều chi nhánh spa nở ra, hoạt động dịch vụ như một phòng khám chuyên khoa với cái tên mỹ miều như “Viện thẩm mỹ”, “Viện chăm sóc da,” hoặc “Viện phẫu thuật thẩm mỹ”, “mỹ viện tắm trắng”...
Đào tạo “ăn xổi”, “học ít làm liều” nở rộ
Chỉ cần gõ từ khóa “đào tạo spa” lập tức hàng chục trang web của các thẩm mỹ viện mở lớp dạy nghề hiện ra, cùng những lời quảng cáo có cánh “Trường đào tạo thẩm mỹ hàng đầu Việt Nam”, “đào tạo số 1 Việt Nam”, “100% cấp chứng chỉ quốc tế”, “chỉ 2 triệu đồng”, “từ con số 0 sau 1 tuần có thể hành nghề”…
Thực tế tìm hiểu, đâu chỉ cơ sở cơ sở thẩm mỹ làm chui ngang nhiên nhận đào tạo học viên mà các cơ sở mang mác đào tạo chính quy cũng vô cùng bát nháo trong quá trình cấp chứng chỉ hành nghề.
Spa Lisa tại quận Gò Vấp, TPHCM thực hiện các dịch vụ xâm lấn, có gây tê, tiêm tê, nhận đào tạo học viên |
N.P.L., chủ một spa tại quận 9 (TPHCM) từng chia sẻ: “Em nhận đào tạo ra nghề như massage, xăm môi mày, điều trị các bệnh về da như nám, sẹo rỗ, lăn kim, tiêm filler, tinh chất... Học viên chỉ cần đóng ký quỹ cho em 2 triệu đồng và cam kết sau khi học xong phải làm việc tại đây ít nhất là một năm. Học tại spa của em, học viên được thực hành ngay trên da thật của khách rất nhanh lành nghề. Chứng chỉ đào tạo nghề cho học viên thường thì spa chúng em liên kết với trung tâm dạy nghề”.
Tại một cơ sở ở Thủ Đức, quảng cáo là “trung tâm đào tạo” học viên thẩm mỹ, spa được cho là nổi tiếng do dược sĩ Đ.T.K.D. làm chủ, học viên chủ yếu học lấy chứng chỉ hành nghề spa trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh lân cận. Các học viên còn được vị dược sĩ này dạy tiêm chích da mặt, khuyến khích việc truyền trắng da trực tiếp vào tĩnh mạch, đồng thời giới thiệu sản phẩm dùng tiêm tĩnh mạch truyền trắng...
Hậu quả của đào tạo "ăn xổi", "spa hoá" biến tướng thực hiện dịch vụ vượt phạm vi cho phép, dẫn tới hậu hoạ kinh hoàng cho khách hàng có nhu cầu làm đẹp |
Chưa bao giờ “cầm được tờ A4 đời đời ấm no” trong ngành thẩm mỹ lại nhanh như vậy. Đây có lẽ là lý do mà các khóa học cấp tốc đào tạo “ăn xổi”, “học ít làm liều” ngày càng nở rộ. Và hệ lụy nhãn tiền của việc “thả nổi” ngành nghề này là liên tiếp xảy ra các ca biến chứng do thẩm mỹ, gây tổn hại sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của khách hàng.
Từ thực tế câu hỏi được đặt ra, công tác quản lý giám sát hoạt động, kinh doanh, đào tạo nghề spa, thẩm mỹ của các cơ sở làm đẹp vẫn đang bị buông lỏng? Khi chủ spa, thẩm mỹ viện còn đang vi phạm trong hoạt động thì việc đào tào học viên có tiếp nối cách hành nghề vi phạm đó không? Để giải quyết tình trạng trên nên xử lý từ gốc hay từ ngọn, khi “spa hoá” phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, chuyên khoa điều trị da liễu ngày càng tinh vi, coi thường sức khoẻ, tính mạng người dân có nhu cầu làm đẹp?.
Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm
Mới đây, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế (TPHCM) cho biết, để kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thẩm mỹ, Sở Y tế đã có văn bản 2485 gửi Chủ tịch UBND quận huyện và TP Thủ Đức (TPHCM) tăng cường, quản lý các hoạt động hành nghề thẩm mỹ.
Đề nghị UBND chỉ đạo phòng y tế và các phòng chuyên môn tăng cường rà soát, cấp giấy phép kinh doanh và hậu kiểm sau khi đã cấp giấy phép kinh doanh.
Xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, thẩm mỹ tại các cơ sở không có giấy phép hoạt động đúng quy định.
Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an TPHCM, UBND quận huyện và TP Thủ Đức kiểm tra các cơ sở đào tạo về dịch vụ thẩm mỹ liên quan tới lĩnh vực y tế, công bố công khai việc xử lý vi phạm, công bố danh sách đơn vị được cấp phép
Trách nhiệm thuộc về Chính quyền địa phương!
Trao đổi với phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM cho rằng, hiện nay, tình trạng cơ sở chăm sóc sắc đẹp như spa, thẩm mỹ viện được cấp phép mở vô tội vạ, chủ spa thực hiện dịch vụ vượt phạm vi cho phép, đánh đổi sức khoẻ, tính mạng khách hàng, gây mất an ninh trật tự xã hội... Việc giám sát, phát hiện và cảnh báo rất quan trọng, phần lớn là thuộc trách nhiệm chính quyền địa phương, cụ thể là UBND và công an phường - xã hoặc các tổ dân phố, ấp...
Nên giao rõ nhiệm vụ cho Chủ tịch phường, spa nào vi phạm thì Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm, không thể để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm vòng quanh: Chính quyền địa phương đẩy trách nhiệm cho Sở Y tế. Sở Y tế đẩy cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thiệt thòi thì người dân chịu.
Địa phương phải là đơn vị thẩm định kỹ nhất về chứng chỉ hành nghề, nơi cấp chứng chỉ nghề, chuyên môn nghiệp vụ của người đến xin cấp phép mở dịch vụ spa... Đã cho mở dịch vụ thì phải thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động. Trong quá trình này, nếu khó khăn có thể đề nghị kết hợp liên ngành với Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an cùng vào cuộc thực hiện. Và đã kiểm gia giám sát phải thực sự nghiêm minh, không có chuyện tư túi xin – cho.
Nhưng rõ ràng hiện nay chính quyền địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ, quá lỏng lẻo trong khâu kiểm tra giám sát các sở làm đẹp, kiểm tra cho có, kiểm tra xuề xoà, thấy cái sai rõ như ban ngày nhưng dường như “lờ” đi.
Dẹp “loạn" bát nháo đào tạo, thực hiện loại hình dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da cũng giống như giáo dục con cái, phải bắt đầu từ gia đình, không thể đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội. Chúng ta hay có suy nghĩ: Cái gì liên quan đến y tế thì y tế chịu trách nhiệm, liên quan đến đào tạo thì giáo dục chịu trách nhiệm - đó là sai lầm, phải cùng chung tay thực hiện, chế tài xử lý nghiêm minh sai phạm thì mới mong có một thị trường spa, thẩm mỹ viện đúng với ý nghĩa của nó.