Tầm nhìn nào cho Vịnh Vân Phong?

24/06/2022 14:57

Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, hầu hết các trung tâm thương mại tài chính lớn đều hình thành từ một thành phố cảng, ví dụ như London, New York, San Francisco, Tokyo, Shanghai, Sidney v.v…

Vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), cách Nha Trang 70 km về hướng Bắc, là điểm cực Đông của lãnh thổ Việt Nam, và gần nhất với các trục giao thông hàng hải quốc tế. Đây là một vịnh có đê chắn sóng thiên nhiên dài hơn 20 km, diện tích mặt nước rộng 43.544 ha, gấp 3 lần vịnh Cam Ranh. Với mức nước sâu từ 20 đến 40 m, vịnh Vân Phong là địa điểm đặc biệt có độ nước sâu vượt hơn các cảng quốc tế hiện nay (ví dụ như Yokohama là 16 m, kênh đào Suez là 18,9 m, eo biển Malacca/Singapore là 21,2 m). Nếu được đầu tư trở thành một cảng trung chuyển quốc tế, Vân Phong có thể tiếp nhận tất cả các loại tàu lớn hiện nay và trong tương lai, kể cả các tàu container siêu lớn, tàu khu trục, tàu sân bay, và tàu chở dầu trên 500.000 tấn.

1-1656055276.png
Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) nhìn từ trên cao. (Ảnh: Vân Thi)

 

Nhiều dịp trò chuyện với các chuyên gia, trong đó có TS Chu Quang Thứ - Nguyên Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, tôi được biết xây dựng Vân Phong trở cảng trung chuyển quốc tế là ước mơ cháy bỏng lâu nay của ngành Hàng hải và các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Trong góc nhìn của tôi, khi Vân Phong phát huy hết tiềm năng của mình, thành phố cảng Vân Phong sẽ là trung tâm tài chính - kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Tất nhiên điều này cần được nhìn về tương lai hàng chục năm với cách làm đột phá và các bước chuẩn bị bài bản. Điều đáng tiếc là đến nay tiềm năng của Vân Phong với tư cách là một tuyến nước sâu hiếm có, vẫn chưa được "đánh thức" đầy đủ.

Từ những năm đầu thập niên 2000 đến nay, đã có nhiều nỗ lực của các bên, nhiều văn bản liên quan đến Vịnh Vân Phong được ban hành, song cái đích cảng trung chuyển quốc tế vẫn còn rất xa.

Có thể kể đến như quyết định số 92 từ năm 2006 của Thủ tướng, về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh Tế Vân Phong; nêu rõ mục tiêu đưa Vân Phong trở thành khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo… Vào năm 2007, dự án Cảng Vân Phong đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư với diện tích 750 ha, gồm 37 bến, chiều dài toàn bến khoảng hơn 12.500m, công suất thiết kế khoảng 17,5 triệu TEU/năm, tổng mức đầu tư 3,6 tỷ USD. Công trình này được kỳ vọng là cảng trung chuyển nước sâu có thứ hạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự án triển khai từ năm 2009, tuy nhiên sau đó đã phải tạm dừng vì nhiều lý do, bao gồm cả ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Với cá nhân tôi, từ năm 2003 đã nỗ lực cùng các bên tổ chức cuộc họp giữa Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty tư vấn KHM (Mỹ) và đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, để giới thiệu dự án và kêu gọi phía Mỹ đầu tư, hỗ trợ thực hiện nghiên cứu khả thi. Cũng trong năm đó, chúng tôi đã tổ chức đưa một phái đoàn do Đại sứ Mỹ dẫn đầu đến Nha Trang làm việc với Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Phía Đại sứ Mỹ tỏ ra rất quan tâm đến tiềm năng của vịnh Vân Phong và đề nghị mời một phái đoàn của Việt Nam qua Mỹ tham quan hệ thống cảng quốc tế của Mỹ, đặc biệt là cảng Oakland, một cảng hỗn hợp dân sự và hải quân Mỹ tại tiểu bang California. Nhưng sau đó các cơ quan không nhất trí được thành phần đoàn đi tham quan, rồi công việc dần bị lãng quên…

Gần 20 năm đã trôi qua, nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhưng tôi vẫn tin tưởng về tương lai của Khu kinh tế Vân Phong và tiềm năng cảng nước sâu tại đây. Nếu chúng ta thực sự "đánh thức" được khu vực này thì triển vọng hợp tác với các đối tác quốc tế là rất lớn - Vân Phong sẽ trở thành một "Singapore" thời đại mới nếu phát triển hết tiềm năng.

Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó dành một điều về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, bao gồm: Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư; điều kiện với nhà đầu tư chiến lược… Hai tháng trước, ngày 13/4/2022, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Vân Phong được xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực…, với kinh tế biển là nền tảng "có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic"…

Có thể kể thêm, quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, bên cạnh ưu tiên phát triển các khu bến cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), đã đề cập đến việc nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong nhằm khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý của khu vực này.

Như vậy, yêu cầu "đánh thức" tiềm năng của vịnh Vân Phong vẫn đang được đặt ra và theo tôi, đang ngày càng trở nên cấp bách hơn bởi bối cảnh kinh tế thế giới xoay chuyển rất nhanh. Chúng ta cần xác định "tầm nhìn Vân Phong" là đô thị hiện đại, một thành phố cảng quốc tế, qua đó xác định các bước đi bền vững. Bước đầu tiên là thực hiện quy hoạch tổng thể và báo cáo tác động môi trường. Tiếp theo mới là quy hoạch chi tiết cho cảng trung chuyển, và giai đoạn khởi động.

Với tầm nhìn xuyên suốt thế kỷ này và giai đoạn tiếp theo, cùng các bước đi đúng, chắc chắn Vân Phong sẽ chuyển mình và cất cánh.

Bạn đang đọc bài viết "Tầm nhìn nào cho Vịnh Vân Phong?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).