Tăng tốc thi công đưa 361 km Bắc - Nam về đích

02/07/2022 07:00

Các nhà thầu đang nỗ lực thi công ngày đêm, đảm bảo 361 km cao tốc Bắc-Nam về đích đúng tiến độ trong năm 2022.

3 dự án thành phần chậm tiến độ

Cập nhật mới nhất tình hình triển khai 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 về đích năm 2022, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT) cho biết, hiện tại, sản lượng trung bình của 4 dự án đã đạt khoảng 61,3% giá trị hợp đồng.

cao-toc-bac-nam-1656670556.jpg Nhiều gói thầu thuộc 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có kế hoạch về đích năm 2022 đang nỗ lực thi công phần móng mặt, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, đáp ứng tiến độ đề ra - Ảnh minh họa

Trong đó, đoạn Mai Sơn - QL45, sản lượng đạt 65,63%, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Sản lượng thi công đoạn Cam Lộ - La Sơn đạt 89,04%, chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch.

"Mối "đe dọa" lớn đối với tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam hiện nay là giá vật liệu leo thang nhanh chóng khiến đơn giá thi công các gói thầu tăng từ 15 - 30%, có những gói thầu tăng hơn 40%. Thực trạng này khiến nhà thầu gặp khó khăn về tài chính huy động vật liệu trong giai đoạn thi công hoàn thiện (thường chiếm khối lượng giải ngân lớn).

Các cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành cơ chế bù giá để nhà thầu có tiềm lực tăng tốc thi công, hoàn thành các dự án thành phần theo đúng kế hoạch", đại diện Ban QLDA Thăng Long.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu tập trung khắc phục các khó khăn để hoàn thành dự án, thực hiện cắt chuyển 1,99 km và một số hạng mục công trình của các nhà thầu chậm tiến độ, đáp ứng mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 9/2022.

Đối với dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, sản lượng hiện đạt 42,78%, chậm khoảng 4,65% so với kế hoạch cam kết.

Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Ban QLDA 7 cắt chuyển 21 km của các nhà thầu chậm tiến độ, giao cho các nhà thầu khác thi công và đang thực hiện các thủ tục bổ sung nhà thầu phụ để thi công khoảng 4 km (dự kiến hoàn thành đầu tháng 7/2022); Đồng thời, tiếp tục đánh giá theo các mốc tiến độ, đảm bảo mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối tháng 12/2022.

Về dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, sản lượng đến nay đạt 48,11%, chậm khoảng 4,95% so với kế hoạch.

Ban QLDA Thăng Long cho biết đang yêu cầu các nhà thầu tăng cường công tác vật tư, vật liệu, đặc biệt là vật liệu cho sản xuất bê tông nhựa để chủ động thi công ngay khi thời tiết thuận lợi.

Các nhà thầu đã cam kết cơ bản hoàn thành đắp nền đường chính tuyến và hạng mục đào đá nền đường trong tháng 7/2022, hoàn thành móng cấp phối đá dăm trong tháng 9/2022, hoàn thành móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng trong tháng 10/2022 và hoàn thành BTNC12,5 trong tháng 11/2022, đáp ứng đưa dự án hoàn thành trong năm 2022.

cao-toc-bac-nam-2-1656670629.jpg Nhiều gói thầu cao tốc Bắc - Nam hiện đã thi công rải những lớp nhựa cuối cùng. Ảnh chụp tại gói thầu XL10 dự án thành phần Mai Sơn - QL45

 

Thời tiết là thách thức lớn

Theo Cục QLXD&CLCTGT, tình trạng chậm tiến độ của 3/4 dự án thành phần được yêu cầu về đích năm 2022 chủ yếu do thời tiết và biến động vật liệu,

Điển hình, tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mùa mưa xuất hiện sớm hơn cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 4/2022 có 10 - 12 ngày; tháng 5 tăng lên từ 19 - 23 ngày mưa.

Riêng trong tháng 6/2022 tính đến ngày 23 đã có từ 6 - 10 ngày mưa, gây ảnh hưởng lớn đến công tác thi công nền đường.

Trước đó, thống kê trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, năm 2021 trung bình có khoảng từ 133 - 155 ngày mưa.

Thời tiết bất lợi cũng đang khiến ban điều hành dự án thành phần Mai Sơn - QL45 sốt sắng khi khối lượng đất đắp trên tuyến hiện vẫn còn hơn 500.000 m3 chặt (tương đương khoảng 700.000 m3 rời)

“Theo thống kê, trong tháng 5/2022, khu vực thi công dự án có tới 18 ngày mưa. Từ đầu tháng 6 đến nay đã có 6 ngày mưa. Mỗi ngày mưa phải chờ đến 2 - 3 ngày mới triển khai được công tác đắp đất. Trời mưa kéo dài, tiến độ dự án khó tránh ảnh hưởng”, đại diện Ban điều hành dự án chia sẻ.

Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, vấn đề mỏ đất cũng đang là yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ.

Cục QLXD&CLCTGT cho biết, theo báo cáo, trên địa bàn Bình Thuận còn 4 mỏ với tổng trữ lượng khoảng 2,08 triệu m3 đã được cấp phép nhưng chưa thể khai thác.

Trước đó, địa phương đã tạo điều kiện để các nhà thầu khai thác từ đầu tháng 5/2022 đồng thời với việc hoàn chỉnh các thủ tục liên quan. Song, từ giữa tháng 5/2022 đến nay, việc lấy đất tại 4 mỏ phải tạm dừng theo yêu cầu của các cơ quan chức năng địa phương để thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

"Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương hỗ trợ, ưu tiên và tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục để nhà thầu thi công có đủ vật liệu đắp", đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Bạn đang đọc bài viết "Tăng tốc thi công đưa 361 km Bắc - Nam về đích" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).