“Nuốt” không trôi 15.921 m2 đất ẩn danh “tái định cư”
Theo Thông báo số 1113 của Thanh tra Chính phủ chỉ ra (giai đoạn 01/01/2010 – 31/12/2018) trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có hàng loạt dự án sai phạm như, giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu, ghi thu, ghi chi không đúng Luật Ngân sách và giao đất trái với chỉ đạo của Thủ tướng, định giá đất cùng các khoản tài chính sai quy định, gây nguy cơ thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong số đó phải kể tới Dự án xây dựng Khu đô thị Hồ điều hòa Xương Rồng tại TP. Thái Nguyên (Dự án/dự án KĐT Hồ Xương Rồng).
Qua thanh tra, phát hiện: Việc UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Công ty cổ phần Sông Đà 2 thực hiện dự án theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1964/TTg-QHCT ngày 29/11/2006 đã chấp thuận thực hiện dự án theo hình thức BT; Dự án thực hiện từ tháng 8/2010 nhưng đến tháng 9/2013 mới được thẩm tra, cấp Giấy chứng nhận đầu tư vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật Đầu tư năm 2005.
Cũng như nhiều dự án khác có sai phạm, Dự án KĐT Xương Rồng được giao đất thực hiện dự án không thông qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư là vi phạm khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 02/2006/NĐ-CP về ban hành quy chế khu đô thị mới.
Đặc biệt, tại Dự án xây dựng Khu đô thị Hồ điều hòa Xương Rồng (TP. Thái Nguyên), thanh tra phát hiện diện tích đất tái định cư (TĐC) chênh lệch 15.921 m2 không có trong quy hoạch chi tiết 1/500.
Cụ thể, Quyết định số 3510/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 của UBND TP Thái Nguyên điều chỉnh quy hoạch chi tiết đã điều chỉnh một phần lô đất khách sạn (KS-01) thành đất ở TĐC (TĐC-02 và TĐC-03) có diện tích 4.840 m2. Thực tế đất TĐC tại chỗ theo các quyết định phê duyệt giá đất là 10.323 m2; sau khi điều chỉnh là 20.761 m2. “Diện tích đất TĐC chênh lệch 15.921 m2 không có trong quy hoạch chi tiết 1/500” – Thông báo nêu rõ.
Để xử lý sai phạm này, Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị biện pháp: Điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án KĐT Xương Rồng đối với diện tích 15.921 m2 đất TĐC theo quy định.
Bên cạnh đó, TTCP cũng kiến nghị xử lý đối việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất không đúng, việc đối trừ hơn 442 tỷ đồng tiền đầu tư xây dựng cơ bản và tiền lãi vay ngân hàng vào tiền sử dụng đất không có căn cứ.
Trách nhiệm đối với các sai phạm nêu trên thuộc về UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính.
Như vậy, qua thanh tra đã ngăn chặn được hơn gần 1,6 ha đất TĐC không rõ “nguồn gốc”, “xuất xứ”. Số diện tích đất sai phạm này, nếu chót lọt, sẽ được bán cho những người có nhu cầu theo giá trị trường, chứ không phải giá được phê duyệt như đất TĐC tại chỗ. Đây được xem là một trong những nguồn phát sinh tham nhũng từ đất.
“Biến” 331 m2 đất giao thông thành biệt thự
Như trên đã phân tích, TTCP đề nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án KĐT Xương Rồng đối với diện tích 15.921 m2 đất TĐC theo quy định.
Chưa biết điều chỉnh “theo quy định” có nội dung như thế nào, nhưng điều khiến dư luận kết sức khó hiểu là chính trong thời gian chờ ban hành kết luận thanh tra (hoạt động thanh tra kết thúc từ tháng 11/2019, tới 15/7/2021 mới ban hành kết luận), UBND thành phố Thái Nguyên lại bất ngờ có thêm Quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ dự án.
Theo đó, ngày 22/4/2021, UBND thành phố Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3686/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Hồ Xương Rồng.
Quyết định này đã điều chỉnh lô đất công cộng (dịch vụ tâm linh) ký hiệu CC-03 diện tích 712m2 được điều chỉnh 589m2 thành đất giao thông (bãi đỗ xe), ký hiệu BX; điều chỉnh 123m2 còn lại thành đất tín ngưỡng (nhập vào lô DT-01); điều chỉnh cục bộ tại lô đất giao thông (bãi đỗ xe) ký hiệu BX-05, diện tích 588m2, trong đó điều chỉnh 162m2 thành đất công cộng (nhập vào lô CC-02); điều chỉnh 95m2 thành đất cây xanh (nhập vào lô CX-01).
Đặc biệt, điều chỉnh 331m2 còn lại thành đất ở biệt thự (nhập vào lô BT-04).
Sau đó, ngày 26/5/2021 lại được ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và là người từng ký nhiều văn bản đối với dự án này thời ông còn làm Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên, đã có Quyết định số 1681/QĐ-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty cổ phần Sông Đà 2 diện tích đất 331,0m2.
Việc UBND TP Thái Nguyên điều chỉnh quy hoạch trong khi chờ kết luận thanh tra liệu có phải là động thái sửa sai? Và vì sao lại “điều tiết” 01 lô biệt thự cho Chủ đầu tư?
Trách nhiệm người đứng đầu UBND TP Thái Nguyên
Theo kết quả thanh tra, nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư dính sai phạm không thể tách rời trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND Thành phố Thái Nguyên, mà trước tiên là trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo hồ sơ chúng tôi có được: Giai đoạn 2010 - 2018, ông Lê Quang Tiến giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên. Trên các cương vị của mình, ông Lê Quang Tiến từng ký một số văn bản liên quan đến các dự án sai phạm.
Điển hình là Dự án Khu dân cư số 5, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên được Thanh tra chính phủ chỉ ra sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Công an tỉnh điều tra, làm rõ.
Cụ thể, việc giao đất thực hiện Dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn Chủ đầu tư thực hiện Dự án sử dụng đất là không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2003.
Dự án thực hiện cơ chế thanh toán tiền đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư cho Nhà đầu tư bằng việc bù trừ tiền thu cấp quyền sử dụng đất đã có hạ tầng (thực chất là giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu dân cư số 5 phường Túc Duyên).
Phần diện tích 4,12 ha, với tổng số 251 ô đất. Trong đó, có 6 ô Tái định cư (từ ô 37-ô 42) với diện tích 492,62 m2, còn lại 245 ô Công ty đã thực hiện chuyển nhượng (hiện trạng đã xây nhà kiên cố) khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng dất và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính là vi phạm Khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai năm 2013 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng đất.
Tiếp đến là Dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ phường Quang Trung, TP Thái Nguyên.
Dự án này có mục đích sử dụng đất là đất thương mại dịch vụ là không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất đến năm 2020 thành phố Thái Nguyên và quy hoạch sử dụng đất (thuộc loại đất ở tại đô thị) tỉnh Thái Nguyên được Chính phủ phê duyệt vi phạm Khoản 2 Điều 35 Luật Đất đai năm 2013.
Dự án chưa được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là chưa đúng Điểm C, Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với cấp tỉnh.
Trao đổi về vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu trong các dự án nêu trên, luật sư Hoàng Văn Sản – Giám đốc Công ty Luật TNHH Tùng Sơn (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Việc Luật quy định phải đấu giá quyền sử dụng đất nhằm minh bạch và công bằng cơ hội tiếp cận nguồn đất đai đối với người, tổ chức có nhu cầu sử dụng đất làm dự án, qua đó tăng khả năng thu ngân sách ở mức độ cao nhất có thể. Việc giao đất không qua đấu giá tiềm ẩn rủi ro lãng phí, gây nguy cơ thất thoát nguồn Ngân sách Nhà nước, tham nhũng và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Hoàng Văn Sản, các dự án nêu trên, được giao đất mà không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 65 và điểm a, d, e Khoản 1 Điều 118 Luật đất đai 2013. Với những sai phạm đã được TTCP chỉ ra, không thể tách rời trách nhiệm của người đứng đầu, người ký quyết định là ông Lê Quang Tiến. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND Thành phố sẽ được xem xét và xử lý theo quy định của Luật đất đai 2013, Luật cán bộ công chức 2008 (sửa đổi bổ sung 2019) và pháp luật liên quan.
Qua kiểm tra, nếu việc ra quyết định của ông Lê Quang Tiến gây nguy cơ thất thoát, lãng phí đối với tài sản Nhà nước thì có thể phải xem xét trách nhiệm theo quy định của luật hình sự.
Luật sư Hoàng Văn Sản cho rằng, khi nhiều dự án ở địa bàn Thành phố Thái Nguyên có chung “mô thức” sai phạm là – giao đất không thông qua đấu giá, thì đây là những sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tiến trình của dự án, thậm chí tạo ra những kẽ hở để cho các chủ thể trục lợi bất chính. Nếu đây là lỗi cố ý vì mục đích cá nhân thì các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, đảm bảo pháp chế trong quản lý nhà nước.
“Ngoài ra, trong quá trình chờ Ban hành Kết luận của Thanh tra thì UBND thành phố đã điều chỉnh dự án và hợp thức 331 m2 vào lô đất ở và được ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây cũng được xem là hành vi bất thường của UBND thành phố và UBND tỉnh”, luật sư Hoàng Văn Sản nói rõ thêm.
Ngày 19/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thành lập Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nội dung Kết luận của TTCP. Thiết nghĩ, Tổ công tác cũng cần xác minh, làm rõ mục đích của hành vi sai phạm, có hay không việc sửa sai để giảm nhẹ hình phạt. Trường hợp cần thiết, các cơ quan chức năng có thể rà soát lại hồ sơ, toàn bộ quy trình, làm rõ các sai phạm xung quanh dự án trên để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.