Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với phụ nữ. Đáp ứng nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã mạnh tay đầu tư khi gia nhập vào thị trường mỹ phẩm làm đẹp tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Hiệp hội Hóa Mỹ Phẩm TP.Hồ Chí Minh, các thương hiệu nước ngoài chiếm 90% thị phần ngành mỹ phẩm Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất 30% thị phần trong doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam, đứng vị trí thứ 2 là EU với 23%, tiếp theo là Nhật Bản 17%, Thái Lan 13%,… Thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% thị phần còn lại.
Không thể phủ nhận trong những năm qua, sự đa dạng của thị trường mỹ phẩm, các sản phẩm làm đẹp đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Việt Nam. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, giúp người dùng có thể cải thiện vóc dáng, nhan sắc. Tuy nhiên, thị trường cũng xuất hiện những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn sức khoẻ. Thậm chí, để dẫn dụ, lôi kéo người dùng sử dụng sản phẩm, có những cá nhân, doanh nghiệp không ngần ngại tung ra những chiêu trò quảng cáo với các thông tin sai sự thật về chất lượng, công dụng của sản phẩm.
Không chỉ sản phẩm mỹ phẩm, làm đẹp da được quảng cáo thái quá, thời gian qua, một số sản phẩm hỗ trợ người dùng trong quá trình giảm cân, lấy lại vóc dáng cũng được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quảng cáo theo kiểu "thổi phồng". Bằng những cách thức truyền thông "ma mãnh", nhiều "bẫy tiêu dùng" đã được bày ra. Mục đích của họ là lợi nhuận, còn với người tiêu dùng, cái giá phải trả không chỉ là tiền mà còn là sức khoẻ của bản thân.
Điển hình như thời gian qua đã có phản ánh về việc các sản phẩm của Công ty TNHH Puressentiel Việt Nam được quảng cáo với nội dung sai sự thật, không đúng chất lượng thực tế của sản phẩm. Cụ thể, trên website pures.com.vn và trang Facebook Puressentiel Viet Nam, sản phẩm Thanh hít giảm cân SlimStick được quảng cáo có công dụng “hỗ trợ giảm mỡ thừa an toàn và hiệu quả; giảm cảm giác thèm ăn, khống chế ngay tức thì các cơn đói; hỗ trợ cai thuốc lá; giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu ở người béo phì, thừa cân”.
SlimStick Puressentiel còn được quảng cáo “có công dụng tuyệt vời trong việc giúp giảm mỡ và ổn định lượng cholesterol, từ đó làm giảm các nguy cơ về bệnh tim mạch hoặc mỡ máu do béo phì gây ra” thậm chí có khả năng “loại bỏ ít nhất 2kg/tuần”.
Việc quảng cáo sản phẩm có khả năng làm giảm các bệnh về tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, thừa cân rất dễ khiến người tiêu lầm tưởng đây là sản phẩm thuốc. Trong khi đó, tại Việt Nam, hành vi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gây nhầm lẫn với thuốc là hành vi bị cấm.
Một sản phẩm khác là Gel tràm trà Puressentiel cũng được quảng cáo có khả năng “đặc trị mụn thâm” và có “công dụng đặc biệt trong việc điều trị mụn, khắc phục tác hại do mụn gây ra, bao gồm cả các vết thâm”.
Website pures.com.vn còn quảng cáo Gel tràm trà Puressentiel “có công dụng tuyệt vời trong điều trị và giảm mụn trên da. Sản phẩm giúp kiểm soát các tuyến bã nhờn, ức chế tình trạng viêm và làm giảm tình trạng sưng tấy đỏ do mụn gây ra. Đồng thời gel cũng sẽ hỗ trợ tiêu diệt các loại vi khuẩn gây mụn, từ đó làm giảm quá trình mụn lan ra trên các vùng.
Giúp mờ thâm và liền sẹo: Các vết thâm do mụn để lại là vấn đề đau đầu với rất nhiều người vì nó làm ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ. Gel tràm trà Puressentiel ngoài công dụng trị mụn còn có tác dụng đẩy nhanh quá trình phục hồi và tái tạo da, giúp sát trùng giảm viêm trong trường hợp sưng đau ở vùng mụn, mụn có mủ do vi khuẩn gây ra. Ngoài ra, sản phẩm còn có công dụng ngăn ngừa mụn trứng cá và mụn đầu đen đem lại làn da láng mịn”.
Có thể thấy, mặc dù chỉ là mỹ phẩm nhưng sản phẩm của Công ty TNHH Puressentiel Việt Nam lại quảng cáo gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người dùng. Trong khi đó, theo Thông tư 06/2011/TT- BYT, ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Theo điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trước thực trạng trên, dư luận không khỏi thắc mắc tại sao các sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH Puressentiel Việt Nam phân phối lại được quảng cáo như thuốc chữa bệnh? Việc cố tình gây nhầm lẫn giữa mỹ phẩm với thuốc nhằm mục đích gì? Đây có phải chiêu trò lừa dối người dùng? Nếu chất lượng sản phẩm không giống như quảng cáo, Công ty TNHH Puressentiel Việt Nam có chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng hay không?