Người dân không đồng tình với kết luận kiểm tra, xác minh của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn
Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn có đăng loạt bài Nghi Sơn (Thanh Hóa): Dân “kêu cứu” vì nhà máy sản xuất bao bì xả khói gây ô nhiễm môi trường và Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Bài 2: Việc phản ánh của nhân dân về Công ty TNHH Miza Nghi Sơn hoạt động có xả khói màu đen và mùi hôi là có cơ sở. Bài báo thông tin về việc Nhà máy giấy thuộc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn tại thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa mới đưa vào hoạt động được hơn 1 năm (đang chạy thử nghiệm) đã liên tiếp xả khói đen ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Để thông tin khách quan, đa chiều, chuyên sâu Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm việc về công tác thanh kiểm tra, xử lý Công ty TNHH Miza Nghi Sơn hoạt động gây ô nhiễm môi trường theo người dân kiến nghị.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục Môi trường và văn bản số 202/MTMB-VP ngày 21/7/2022 của Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc về việc phối hợp kiểm tra, khảo sát hoạt động gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn liên quan đến nội dung thông tin Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống phản ánh. Ngày 22/7/2022, Cục bảo vệ môi trường Miền Bắc, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường tại Công ty TNHH Miza Nghi Sơn.
Tại biên bản làm việc của Cục bảo vệ môi trường Miền Bắc, Tổng Cục Môi trường ngày 22/7/2022 có nêu: Về việc phản ánh hoạt động của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn có phát sinh khói đen, mùi hôi và khét là có cơ sở; hiện tượng khói đen và mùi phát sinh không thường xuyên; thường phát hiện vào điều kiện thời tiết ẩm ướt và có mưa.
Hai nội dung Tạp chí phản ánh còn lại (ở địa phương đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ và người già phải nhập viện vì một số bệnh liên quan đến đường hô hấp và “Nhà máy còn lén lút xả nước thải ra con kênh thủy lợi gần đó, nước có màu đen kịt hôi thối” gây hiện tượng cá chết) Đoàn kiểm tra, khảo sát khẳng định là không đúng.
Trước kết luận trên, phóng viên (PV) tiếp tục có những tìm hiểu, thu thập thông tin và xác minh từ phía người dân sống xung quanh Nhà máy và người dân trực tiếp được mời lên làm việc vào ngày 22/7/2022 với Cục Bảo vệ môi trường Miền Bắc thì người dân có những ý kiến không đồng tình với kết luận kiểm tra của Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng Cục môi trường đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn. Cụ thể:
Anh Lê Hồng L., TDP Hải Lâm, phường Mai Lâm, bức xúc cho biết: “Tôi có đọc qua biên bản xác minh của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, tôi thấy có vẻ không khách quan. Bởi hôm đoàn vào kiểm tra thì nhà máy không hoạt động, nhà máy không hoạt động thì lò hơi không hoạt động, thử hỏi lấy khói đâu mà bằng cảm quan, cảm tính đoàn mà xác minh được. Tôi khẳng định 100% hôm đấy nhà máy dừng hoạt động. Hôm đó lò hơi không đốt nên không có mùi hay màu gì mà xác minh cả. Còn vấn đề từ ngày chúng tôi làm đơn phản ánh công ty Miza Nghi Sơn xả khói từ năm 2021, khi nhà máy đi vào hoạt động ấy, chính quyền xã, phường, thôn cũng không hề họp dân để đối thoại. Từ sau hôm đoàn kiểm tra về, công ty thường hoạt động mạnh về đêm, khói vẫn đen và mùi hôi nồng nặc; ban ngày thì đỡ hơn, không thấy khói đen, nhưng vẫn còn mùi giấy ngâm với mùi khét…”
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Lê Hồng Lốp, TDP Hải Lâm, phường Mai Lâm, người dân được mời tham gia buổi kiểm tra, xác minh của Cục bảo vệ Môi trường miền Bắc do ông Hoàng Văn Vy làm trưởng đoàn ngày 22/7/2022, bức xúc: “Cái việc chúng tôi khẳng định không có trẻ em, người già nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp là không có, tôi không nói như vậy. Việc các nhà chức năng bảo tôi phản hồi như vậy là không đúng”.
Là người được mời tham dự buổi xác minh của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, ngày 22/7/2002 tại Nhà máy giấy Miza Nghi Sơn, trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Sản phản ứng gay gắt: “Bọn tôi không khẳng định là không có trẻ con người già phải nhập viện vì mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp; cũng không khẳng định là không có cá chết. Kết luận thế này là hết sức vô lí. Tôi không chấp nhận bản kết luận của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc vì nó chưa thực tế đối với sự xả thải, gây ô nhiễm của nhà máy”.
Từ những ý kiến trên cùng những hình ảnh của người dân cung cấp về bệnh án, nước thải có màu đen, cá chết, giấy giới thiệu của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn ngày 26/5/2021 do ông Lê Văn Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn ký cử ông Lê Đức Chung - Cán bộ An toàn vệ sinh lao động đến gặp các chủ hộ đầm nuôi thủy sản tại khu vực đầm nuôi thủy sản của các hộ dân có phản ánh tình trạng cá chết thì việc Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống thông tin truyền tải ý kiến của người dân địa phương là hoàn toàn có cơ sở.
Vậy căn cứ vào đâu mà ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, Trưởng đoàn kiểm tra lại khẳng định hai nội dung Tạp chí phản ánh là ở địa phương đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ và người già phải nhập viện vì một số bệnh liên quan đến đường hô hấp và “Nhà máy còn lén lút xả nước thải ra con kênh thủy lợi gần đó, nước có màu đen kịt hôi thối, gây hiện tượng cá chết" là không đúng?.
Đoàn công tác của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường kiểm tra Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đã thực sự khách quan và vì dân?
Để thông tin đa chiều và khách quan, ngày 10/9/2022, PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng Cục môi trường về kết quả xác minh thông tin phản ánh của Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đối với vấn đề ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Cục Môi trường và văn bản số 202/MTMB-VP ngày 21/7/2022 của Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc về việc phối hợp kiểm tra, khảo sát hoạt động gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng Cục môi trường, ông Vy là trưởng đoàn Kiểm tra đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn ngày 22/7/2022 cho biết: Đoàn của tôi vào là đoàn xác minh, không phải là đoàn kiểm tra, cũng không phải là thanh tra!?. Bởi đã thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là phải có quyết định của Bộ trưởng. Nếu thanh tra đột xuất là phải có chỉ đạo của Bộ trưởng.
Tuy nhiên, đoàn này phạm vi chỉ là xác minh thôi, theo chỉ đạo của Bộ trưởng xác minh thông tin là có hay không. Theo chỉ đạo chúng tôi vào xác minh có 3 nội dung: Thứ nhất, khí thải mùi hôi nồng nặc, khói đen nghi ngút và có mùi khét; Thứ hai, ở địa phương đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ và người già phải nhập viện vì một số bệnh liên quan đến đường hô hấp; Thứ 3, nhà máy còn lén lút xả nước thải ra con kênh thủy lợi gần đó, nước có màu đen kịt hôi thối gây hiện tượng cá chết.
Phạm vi xác minh chỉ là xác minh có hay không, chứ không phải đoàn thanh tra, kiểm tra nên về nguyên tắc là mình không có quyền yêu cầu người ta là cung cấp những hồ sơ hay những thủ tục để cho mình kiểm tra. Nếu mà muốn kiểm tra là phải có quyết định của Bộ trưởng. Còn đây là xác minh thì chỉ bằng một văn bản chỉ đạo.
Khi được PV hỏi về việc tại sao đoàn đi kiểm tra lại không mời những hộ dân bị ảnh hưởng thuộc thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm mà chỉ mời một số hộ dân tổ dân phố Hải Lâm, phường Mai Lâm thì ông Vy khẳng định: “Chúng tôi có mời hết, trong biên bản là tôi có hết, tôi có cả bí thư chi bộ, kể cả dân ở thôn đấy cũng có. Xác minh là trách nhiệm của tôi. Tôi cho xác minh hết, những người có tên trong đơn là tôi cho mời hết rồi. Và tôi cho phát biểu hết chứ không phải là không có”.
Tuy nhiên, theo PV được biết, tại biên bản làm việc ngày 22/7/2022 của Cục Bảo vệ môi trường Miền Bắc, Tổng cục Môi trường chỉ có một số hộ dân tại tổ dân phố Hải Lâm, phường Mai Lâm được mời lên làm việc chứ không hề có người dân nào thuộc thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm được mời.
Trao đổi với PV về vấn đề này ông Mai Xuân Thể - Trưởng thôn Ninh Sơn cho biết: “Ai thông báo cho mà biết. Tôi có biết gì đâu, có nói thì tôi mới biết được chứ. Phải thông báo cho tôi thì tôi mới triệu tập dân lại được chứ!”.
Bà Nguyễn Thị Tần, thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm cũng bức xúc: “Hôm bữa đoàn kiểm tra về để xác minh vấn đề môi trường của công ty Miza Nghi Sơn nhưng gia đình chúng tôi không hề được gọi, chúng tôi không hề biết gì. Nếu biết thì cả nhà tôi đã tham gia rồi vì ở gần công ty Miza mà. Ở đây dân không biết chi cả!”
Khi PV trao đổi với ông Vy về việc trưởng thôn thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm cho biết không có người dân thôn Ninh Sơn nào được mời lên để tham dự buổi làm việc ngày 22/7/2022 của đoàn Cục Bảo vệ môi trường Miền Bắc thì lúc này ông Vy mới lấy điện thoại ra và gọi cho cấp dưới để hỏi về biên bản làm việc ngày 22/7/2022 để xem có những người dân nào được mời lên. Sau khi đi lấy biên bản nhưng không lấy được, thì ông Vy quay lại và khẳng định “miệng” với PV là có mời người dân thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm, nếu không thì căn cứ vào biên bản làm việc thực tế ngày 22/7/2022.
Theo ý kiến của người dân được tòa soạn Môi trường và Cuộc sống đăng tải trong bài viết và cũng như đơn kiến nghị của người dân gửi về tòa soạn thì hầu hết những người dân có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp là thuộc địa bàn thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm. Vậy vì sao những người dân bị ảnh hưởng, trực tiếp có ý kiến phản ánh và có đơn kiến nghị tại đây lại không được mời lên đối thoại làm việc vào ngày 22/7/2022 với đoàn kiểm tra của Cục Bảo vệ môi trường Miền Bắc tại Nhà máy giấy Miza Nghi Sơn?
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có sự “vênh” thông tin giữa lời khẳng định của ông Hoàng Văn Vy và trưởng thôn Ninh sơn cũng như người dân thôn Ninh Sơn về vấn đề này? Và ông Hoàng Văn Vy – Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng Cục môi trường đã làm hết trách nhiệm là trưởng đoàn và thực sự khách quan, công tâm trong quá trình kiểm tra, khảo sát đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hay chưa?.
Tiếp tục trao đổi về nguyên liệu đốt của Nhà máy giấy Công ty TNHH Miza Nghi Sơn là nguyên liệu gì, có đúng như công ty đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không? Ông Hoàng Văn Vy cho biết: “Tôi đã nói rồi, tôi chỉ xác minh những nội dung báo nêu là có hay không chứ tôi không đi sâu vào những nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay giấy phép môi trường. Bởi việc đó hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét. Và giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của đơn vị thì đấy là việc của Hội đồng thẩm định cấp giấy phép người ta sẽ làm cái việc đấy. Tôi không kiểm tra cái đó bởi vì Hội đồng lúc đấy là đang họp. Tôi chỉ xác minh 3 nội dung thôi, những cái đó không phải phạm vi của tôi. Tôi xác minh chỉ 3 nội dung, tôi đã xác minh xong rồi và đã báo cáo Bộ. Tôi chịu trách nhiệm về việc đấy!. Còn những nội dung gì mà chưa xác minh thì thẩm quyền nó không phải của tôi. Thí dụ họ hoạt động họ có tuân thủ pháp luật hay không đấy là việc khác”.
Ngoài ra, tại buổi làm việc ông Hoàng Văn Vy còn khẳng định rằng ở đấy (khu vực xung quanh Công ty TNHH Miza Nghi Sơn) làm gì có cá.
Tại buổi làm việc ngày 22/7/2022, ông Mai Xuân Thể - Trưởng thôn Thôn Ninh Sơn cho biết: Không có hiện tượng cá chết khu vực thôn Ninh Sơn.
Trao đổi về vấn đề này, anh Hoàng Văn Tuân – người dân thôn Ninh Sơn, xã Trường Lâm bức xúc cho biết: “Năm 2021, việc cá chết thì ông Thể - Trưởng thôn và phó thôn có biết. Người dân còn lên công ty thì phía công ty bảo để xử lý lại. Hôm đó nói là thông tin dò hệ thống nước thải ra”.
Cũng nói về vụ cá chết có liên quan đến việc xả thải thời điểm nhà máy mới đi vào hoạt động, ông Lê Tiến Hùng, thôn Thông Bái, xã Tân Trường, ngậm ngùi: “Từ khi Nhà máy giấy Miza Nghi Sơn đi vào hoạt động thì khói bụi cũng khó thở, cái đó tồn tại lâu rồi, con cháu cũng rất chi là tội, chúng tôi có nói mãi cũng không được. Về vụ cá chết, đợt đó công ty Miza có cử người ra xác minh, có giấy giới thiệu có chữ ký của ông Hiệp, chúng tôi đang còn chụp ảnh lưu lại, họ cũng hứa sẽ khắc phục; Công an Môi trường cũng mời chúng tôi vào xã Trường Lâm để giải quyết. Tôi nói là nói có cơ sở. Nhưng sau một thời gian thì chúng tôi chả thấy ai giải quyết gì, nên thấy nản, chắc dân chúng tôi phải chịu thôi!”
Ông Lê Xuân Long, thôn Thông Bái, xã Tân Trường có thủy sản bị chết thời điểm tháng 5/2021 do nước thải ô nhiễm: “Thời điểm đó, ngoài các đầm nuôi thủy sản của chúng tôi thì ngoài sông cũng có cá chết mà, có anh Hà quay hết lại. 14 hộ dân nuôi thủy sản có cá bị chết kéo qua nhà máy bắt đền. Tiếp theo họ bảo chúng tôi ra đầm thủy sản để xác minh, họ quay lại cảnh tôm, cá vớt lên bị chết, họ công nhận mà. Chúng tôi làm đơn 14 nhà ký vào, họ còn bắt khai tên tuổi, diện tích đầm thủy sản của từng nhà, kèm lời hứa sẽ xem xét, nhưng rồi chả hiểu sao về lại dẹp luôn. Đợt đó xảy ra 2 lần cá chết kia. Lần thứ 2, chúng tôi có điện cho công an môi trường về giải quyết, vào trực tiếp xã Trường Lâm để khai báo, nhưng sau đó cũng không thấy gì”.
Tại buổi làm việc, khi PV cũng đề nghị ông Hoàng Văn Vy cung cấp một số hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện các quy định của Luật bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn để tạp chí thông tin khách quan, chuyên sâu nhưng ông Vy khẳng định chắc chắn: “Hồ sơ giấy tờ tôi không có nghĩa vụ phải cung cấp”.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như thông tin khách quan, PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
Trao đổi về vấn đề này ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Qua thông tin báo chí, dư luận xã hội, tôi được biết Nhà máy giấy Miza Nghi Sơn thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa có xả khói bụi cả ngày lẫn đêm, thậm chí có trường hợp người ta nói là xả khói vào ban đêm rất là mạnh, xả nước thải, theo như mô tả thì đen kịt trực tiếp ra kênh có thể đây là nước thải không được xử lý xả trực tiếp ra môi trường. Ở chỗ này tôi được biết là người dân đã có đơn phản ánh và kêu cứu ra các cơ quan Trung Ương và ra Tạp chí Môi trường và Cuộc sống. Tôi cũng được biết lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo cho Tổng cục Môi trường trực tiếp thành lập đoàn vào để xem xét vấn đề.
Ngày 22/7/2022, đoàn kiểm tra đã vào phối hợp với các cơ quan có liên quan trực tiếp để xem xét phản ánh của báo cũng như phản ánh cuả người dân. Tổng cục môi trường đã có văn bản báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề này. Tuy nhiên, thì những thông tin được phản ánh trong báo cáo của Tổng cục môi trường gửi đồng chí Bộ trưởng có vẻ như không ăn khớp với thực tiễn cũng như sự phản ánh của người dân và của báo chí dẫn đến một câu chuyện sự không ăn khớp về thông tin và có thể dẫn đến sự hiểu lầm và có thể phản ánh không đúng thực chất của vấn đề ô nhiễm nó đang diễn ra trong quá trình vận hành hơn 01 năm nay của nhà máy giấy Miza Nghi Sơn.
Rất tiếc đoàn kiểm tra ngày 22/7/2022 vào, họ đã không trực tiếp gặp những người dân chịu ảnh hưởng mà người ta có phản ánh tức người dân ở thôn Ninh Sơn của xã Trường Lâm mà lại đi gặp người dân của phường Mai Lâm. Mà đặc biệt đối với những người dân chịu sự tác động của khói bụi tại thôn Ninh Sơn họ chịu ảnh hưởng rất nhiều về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em và người già. Đây rõ ràng là đoàn kiểm tra đã vào làm việc không đúng địa chỉ cho nên dẫn đến những sai lệch trong thông tin đối với báo cáo gửi Bộ trưởng. Tôi cho rằng Bộ trưởng cần phải yêu cầu họp để xem xét lại những thông tin báo cáo và thậm chí có thể cử 01 đoàn vào trực tiếp thanh tra vấn đề môi trường của nhà máy này và đối với người dân xung quanh.
Đồng thời, tôi cũng đề nghị người dân gửi đơn lên đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Thanh Hóa, lên Ủy Ban Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường, lên Ban Dân Nguyện Quốc Hội để chúng tôi xem xét, kiến nghị có thể giám sát một cách chặt chẽ hoạt động không chỉ của nhà máy giấy Miza mà kể cả những doanh nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn của Khu công nghiệp kinh tế Nghi Sơn cũng như là của tỉnh Thanh Hóa. Như vậy chúng ta mới có thể xem xét, làm rõ tất cả những vấn đề, tránh tình trạng báo cáo có thể có dấu hiệu là anh làm qua loa đại khái hoặc có thể là có những bao che cho sai phạm của nhà máy cũng như sai phạm của cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn mà ở đây là UBND thị xã Nghi Sơn và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Liên quan đến về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Danh Huế – Công ty Luật Hừng Đông cho biết: Theo tôi, việc đoàn kiểm tra của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành vào tỉnh Thanh Hóa để kiểm tra và làm việc với Nhà máy giấy Miza Nghi Sơn cùng các cơ quan quản lý nhà nước tại Thanh Hóa thì đang có những dấu hiệu không khách quan. Bởi, khi chúng ta nhận được phản ánh thông tin từ báo chí về việc gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp thì chúng ta đi kiểm tra hay xác minh mà báo trước thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ có sự chuẩn bị. Nếu họ đang gây ô nhiễm môi trường thì họ sẽ không có hành vi xả thải ra môi trường nữa. Vì vậy, việc kiểm tra mà báo trước sẽ không có sự khách quan. Thứ 2, báo chí và người dân đều thông tin là nhà máy giấy thường xuyên xả khói, gây ô nhiễm môi trường vào ban đêm nhưng đoàn lại đến kiểm tra và xác minh vào ban ngày thì nó không phù hợp.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xác minh này chỉ diễn ra tại trụ sở của công ty mà không theo phản ánh của người dân là có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Rõ ràng ở đây là có sự chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn. Bởi, đối tượng cần kiểm tra, xác minh nhất là những hộ dân sống gần nhà máy. Vì vậy đoàn kiểm tra đúng ra là phải đến thực địa, lấy ý kiến của những người dân, không cần ý kiến của những người dân được mời sẵn mà phải lấy ý kiến của những người dân bất kỳ sống liền kề để xem những ý kiến của họ phản ánh trung thực hay không và mức độ ô nhiễm như thế nào thì việc kiểm tra xác minh mới khách quan.
Tôi cho rằng, việc đoàn đi kiểm tra nhưng không tiến hành xác minh việc nhà máy giấy hoạt động có đầy đủ giấy phép hay không, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã cấp phép đầy đủ cho việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ hay chưa thì đó cũng là một nội dung quan trọng. Để đảm bảo sự khách quan, cũng như việc xử lý những thông tin mà báo chí đăng tải thì Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần yêu cầu Tổng Cục môi trường thành lập một đoàn kiểm tra và kiểm tra một cách khách quan toàn diện để đảm bảo cao nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những chỉ đạo chấn chỉnh các công tác kiểm tra hay xác minh để trả lại sự thật khách quan, Luật sư Nguyễn Danh Huế chia sẻ
Theo biên bản làm việc ngày 22/7/2022 của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, đại diện Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa là ông Nguyễn Trọng Đại – Phó trưởng phòng phòng Tài nguyên và Môi trường cũng có ý kiến như sau: Khí thải màu đen là không thường xuyên, chỉ xuất hiện 1 đến vài ngày, Ban đã tham dự 2 lần xử lý nội dung trên, nguyên nhân là do Công ty đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, do nhiên liệu sử dụng cho lò đốt chưa đạt yêu cầu.
Đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Tuân – Đội trưởng, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa có ý kiến: Liên quan vấn đề khí thải có mùi hôi và màu đen từ Công ty cần xác định cụ thể thành phần khí thải ra môi trường có đạt quy chuẩn hay không, việc sử dụng nguyên liệu đốt cho lò hơi là chưa đạt tiêu chuẩn.
Và đại diện Phòng TNMT thị xã Nghi Sơn cũng có ý kiến như sau: Từ khi nhà máy hoạt động đến nay có phản ánh của công dân, báo chí về việc xả khí thải có mùi hôi, màu đen là có cơ sở, nguyên nhân một phần Công ty sử dụng nguyên liệu đốt lò hơi chưa đạt tiêu chuẩn, sau khi nhận được phản ánh UBND thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với Ban QLKKT Nghi Sơ), Sở TNMT đã có 02 đợt kiểm tra. Tuy nhiên để có cơ sở khẳng định việc xả khí thải vượt quy chuẩn thì phải có cơ sở khoa học chứng minh các thông số xả ra môi trường có vượt hay không, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đánh giá, làm rõ công nghệ xử lý nước thải, khí thải, nhiên liệu sử dụng, biện pháp thu gom thoát nước thải có đảm bảo yêu cầu về môi trường hay không. Đề nghị Công ty phải xử lý khí thải, bụi, nước thải đảm bảo trước khi thải ra môi trường.
Vậy, câu hỏi đặt ra, hiện nay Công ty TNHH Miza Nghi Sơn đang sử dụng nguyên liệu đốt là nguyên liệu gì? Có đúng với cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hay không? Vì sao tại biên bản kiểm tra có nhiều ý kiến về việc nhiên liệu sử dụng cho lò đốt của công ty chưa đạt yêu cầu mà đoàn kiểm tra của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng Cục môi trường lại chỉ “nhắc nhở”, yêu cầu khắc phục mà không có biện pháp xử lý triệt để đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường?
Được biết, ngày 09/7/2021, tại văn bản số 5612/STNMT-BVMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho gia hạn thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đối với Công ty TNHH Miza Nghi Sơn. Tính từ thời điểm đó đến nay thời gian gia hạn cũng đã hơn 01 năm. Câu hỏi mà dư luận cũng như người dân đặt ra, thời gian vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn còn hiệu lực hay không? Và thực tế công trình xử lý chất thải của Nhà máy sản xuất giấy Miza Nghi Sơn đã đạt quy chuẩn hay chưa? Vấn đề này kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc kiểm tra và làm rõ để dư luận và người dân được biết.
Cũng tại biên bản làm việc ngày 22/7/2022 phía Cục bảo vệ môi trường Miền Bắc có lấy duy nhất ý kiến của 02 hộ dân tại tổ dân phố Hải Lâm, phường Mai Lâm. Tuy nhiên, tại kết luận của biên bản làm việc lại không có chữ ký của 02 hộ dân có ý kiến tại buổi làm việc hôm đó. Vậy câu hỏi đặt ra, trong biên bản làm việc của đoàn kiểm tra, khảo sát của Cục bảo vệ môi trường Miền Bắc, Tổng cục môi trường đã thực sự đảm bảo tính khách quan, trung thực, công tâm vì người dân hay chưa?.
Theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn lấy dân làm gốc. Đặc biệt tại Đại hội XIII một lần nữa nhấn mạnh quan điểm phải lấy "dân là gốc" và xác định mọi chủ trương chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng thời, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cùng với thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Nghị quyết đòi hỏi phải coi trọng thực hiện cả dân giám sát và dân thụ hưởng. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của dư luận.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định:
Phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc".
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân.
Dân là gốc chính là phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn quyền làm chủ của nhân dân.
Để chủ trương này đi vào thực tiễn cuộc sống thì lợi ích của nhân dân phải là trước hết và trên hết trong chu trình hoạch định và triển khai chính sách.
Nhân dân được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển. Bài học lấy dân làm gốc sẽ trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn khi chủ trương này được thực thi một cách hiệu quả.
Đặc biệt, tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần V ngày 04/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định: "Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường bởi đây là vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước".
Trước vấn đề trên, kính đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trách nhiệm của Cục bảo vệ môi trường miền Bắc trong quá trình kiểm tra, khảo sát hoạt động gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Miza Nghi Sơn có đúng quy trình và đã khách quan vì dân hay không?. Nếu chưa đúng quy trình, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra, khảo sát lại những vấn đề báo chí và người dân phản ánh, để công lý được thực thi.