Đất bỏ hoang, việc làm không có
Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn có tổng mức đầu tư dự kiến 1.430 tỷ đồng, được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, cho thuê đất năm 2009, do Công ty cổ phần xi măng Thanh Sơn làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 40 ha, theo dự kiến mà phía chủ đầu tư đưa ra, nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong quý 1 năm 2010.
Nhưng đến nay, dự án này vẫn không hề được triển khai theo đúng như dự trình, mà thay vào đó là sự thật vọng ê chề và gánh nặng hệ lụy từ việc chậm tiến độ dự án đang đè năng lên người dân địa phương.
Khu vực đất diện tích đất dự án gần như bỏ trống, xung quanh được bao bọc bởi một lớp tường xi măng nhiều chỗ đã mục, lỡ, rớt xuống từng mảng lớn. Cả một khu đất rộng hoang sơ chỉ tồn tại một khu nhà nhỏ được xây dựng để làm nơi điều hành và nhà ở cho công nhân, có khu đã xây xong, có chỗ vẫn dở dang cỏ mọc um tùm. Do không có người ở và chẳng ai trông coi nên nhiều khu đã xuống cấp hư hỏng, có chỗ được dùng làm nơi để nhốt trâu, bò, dê của người địa phương.
Hơn 10 năm dự án "chết yểu" nhiều hạng mục xây dựng cơ bản bị xuống cấp
Trong số 40ha đất bị thu hồi, có hơn 36ha đất 2 lúa màu mỡ của gần 200 hộ dân thuộc 4 thôn Thanh Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn và Vân Sơn. Bên cạnh đó, còn có 37 hộ dân phải di dời hoàn toàn nhà cửa đi nơi khác để nhường chỗ cho siêu dự án lớn nhất khu vực miền núi Thanh Hóa này.
Ông Hoàng Văn Toản, thôn Vân Sơn cho biết, người dân đã phải nhường đất trồng lúa năng suất cao cho dự án. Họ kỳ vọng dự án sẽ làm thay đổi diện mạo và đời sống ở vùng quê còn nhiều khó khăn này, nhưng giờ dự án triển không triển khai, người dân bị vướng vào nhiều hệ lụy như mất đất sản xuất, không có công ăn việc làm, con cháu tha phương khắp nơi kiếm sống.
“Nếu mất đất, đổi lại con cháu chúng tôi có công ăn việc làm thì còn được, đằng này nhà máy không hoạt động, việc làm không có, hàng chục hecta đất cũng bỏ không. Nhìn đất bỏ không cho cây cỏ dại mọc mà tiếc", ông Toản than thở nói.
Khu vực quy hoạch để xây dựng dự án trở thành nơi chăn thả bò của bà con địa phương
Trong số cả trăm hộ dân bị thu hồi đất ở, đất nông nghiệp ở xã Thúy Sơn có nhà ông Đỗ Xuân Tám là một những hộ bị thu hồi đất nhiều nhất, ông Tám làm cán bộ xã nên đã gương mẫu đi đầu khi giao nộp 1,3ha đất cho dự án. Đổi lại, ông được nhà máy ưu ái cho 3 suất vào làm việc khi hoạt động. Sau khi nhận tiền đền bù, ông đầu tư gần 100 triệu đồng cho 3 người con đi ăn học nghề rồi về làm công nhân xi măng, ông Tám buồn rầu nói: “Tôi cứ nghĩ nhường đất cho việc xây dựng nhà máy, thì sau này các con sẽ có công ăn việc làm ổn định, nhưng đi học tiêu tốn một đống tiền, xong sau lại thất nghiệp vì nhà máy không hoạt động, giờ cuộc sống càng thêm khó khăn”.
Theo lãnh đạo xã Thúy Sơn, toàn xã có 260 con em thuộc diện gia đình bị ảnh hưởng của dự án được nhà máy nhận hồ sơ và đưa ra Hải Phòng học công nhân kỹ thuật tại trường Trung cấp nghề kỹ thuật xi măng. Giờ dự án chậm triển khai khiến các em thất nghiệp, đành phải đi làm trái nghề. Trong số đó có trường hợp ‘bi hài” của anh Hồ Sĩ Đức. Trước đây, anh Đức là cán bộ thú y của xã, tin vào lợi ích của dự án mang lại cho tương lai, anh Đức đã quyết tâm đi học để mong muốn về phục vụ cho nhà máy xi măng. Nhưng không như anh mong đợi.
“Hai năm học tôi tiêu tốn hết hơn 50 triệu đồng, về quê nhà máy bỏ hoang, tôi thành người thất nghiệp bởi vị trí làm việc ngày trước khi bỏ đi học nghề, đã có người thay thế, chín năm làm cán bộ thú y, giờ thành công cốc. Cũng may trở về địa phương tôi được bà con ghi nhận bầu cho chức trưởng thôn”, anh Đức nói.
Kiến nghị bỏ quy hoạch Nhà máy xi măng Thanh Sơn
Ông Lê Phúc Hành, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn thông tin, mới đây xã khi tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân thuộc 5 thôn quanh khu vực xây dựng nhà máy, có 717 hộ tham gia đóng góp ý kiến, thì có đến 715 hộ không đồng ý cho tiếp tục xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại đây vì lo ngại gây ô nhiễm môi trường.
Phía UBND huyện Ngọc Lặc, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, thông tin: “Dự án chậm triển khai, nên huyện đã kiến nghị bỏ quy hoạch Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại khu đất công nghiệp thuộc xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc và đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất trên là đất công nghiệp định hướng thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường”.
Khu nhà ở cho công nhân của dự án đã xuống cấp trầm trọng
Nhà máy xi măng Thanh Sơn thuộc nhóm xí nghiệp độc hại cấp một, phải quy hoạch ngoài khu vực đô thị, cách xa khu dân cư ít nhất một km, nhưng thực tế nhà máy chỉ cách nơi người dân sinh sống điểm gần nhất khoảng 500 m và hiện nằm trong vùng quy hoạch đô thị Ngọc Lặc.
Vị trí mỏ đá vôi làm nguyên liệu phục vụ dự án tại khu vực núi Sắt sẽ ảnh hưởng đến một phần văn hóa của người dân tại khu vực này, vì đó là địa danh dân gian của người Mường với truyền tích khởi nghĩa Lam Sơn, tại đây đã được vua Lê Lợi đặt tên địa danh là núi Sắt. Mặt khác, vị trí nhà máy cũng gần kề với khu di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh Hang Bàn Bù đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố tại Quyết định số 69/QĐ-CT ngày 10/01/2005 của UBND tỉnh Thanh Hóa, vì vậy việc khai thác mỏ nguyên liệu tại vị trí nêu trên sẽ ảnh hưởng lớn đến cả quần thể di tích văn hóa, tâm linh của người dân trên địa bàn huyện.
Đại điện công ty nói gì?
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Xi măng Thanh Sơn, đăng ký địa chỉ tại thôn Vân Sơn, Xã Thúy Sơn, Huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Văn Vạn, công ty bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2008. Ngành nghề kinh doanh của công ty gồm: Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét (ngành chính), sản xuất xi măng, vôi và thạch cao, xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, vận tải hàng hóa bằng đường bộ.
Trao đổi với Phóng viên, đại diện công ty cho biết, từ khi thành lập đến nay chỉ duy nhất làm dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn. Nhưng khi mới bắt đầu triển khai dự án thì gặp đúng thời điểm kinh tế thế giới bị khủng hoảng, kéo theo doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để đầu tư. Về thông tin Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thăng Long là chủ đầu tư dự án thì không chính xác, đó chỉ là đơn vị góp vốn, Công ty Cổ phần Xi măng Thanh Sơn mới là chủ đầu tư chính dự án trên.
Hiện công ty đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tăng công suất nhà máy từ 2.500 tấn clinker/ngày lên 6.000 tấn clinker/ngày để tiếp tục thực hiện dự án, song việc này đang choạt chờ ý kiến của UBND tỉnh Thanh Hóa.
"Theo quy định mới 1266 mới đây của Chính phủ, thì Nhà máy xi măng muốn được hoạt động phải nâng công suất trên 5.000 tấn clinker/ngày. Vì vậy doanh nghiệp chúng tôi phải điều chỉnh để phù hợp, công ty đã gửi đề nghị này lên UBND tỉnh Thanh Hóa tháng 10/2020, nhưng chưa nhận được phản hồi. Doanh nghiệp có thuận lợi là tại mỏ đá vôi và đất sét tại Ngọc Lặc đã được quy hoạch tại quyết định số 1065 ngày 9/7/2010 của Chính phủ", lãnh đạo Công ty Cổ phần xi măng Thanh Sơn nói.