Thanh khoản ngân hàng sẽ cải thiện mạnh mẽ trong năm 2023

18/01/2023 14:17

Lãi suất huy động dự báo tăng thêm trong năm nay giúp huy động vốn tích cực hơn, cùng với áp lực tỷ giá giảm bớt, Ngânhàng Nhà nước có thể tận dụng cơ hội để tích trữ ngoại tệ, đồng thời cũng là một kênh hỗ trợ thanh khoản tiền đồng…, là những yếu tố giúp thanh khoản ngân hàng cải thiện trong năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý I/2023. Trong đó, về thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong năm 2023, các TCTD kỳ vọng tiếp tục được cải thiện so với năm 2022.

Lãi suất huy động dự báo tăng thêm ít nhất 1 - 1,5%

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng trong năm 2023 đó là lãi suất huy động vẫn “neo” ở mức cao, trong khi các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán vẫn chưa khởi sắc.

Trong nước, mặt bằng lãi suất huy động tính từ đầu năm 2022 tới nay đã tăng khoảng 230-270 điểm cơ bản. Đáng chú ý, ở một số ngân hàng quy mô nhỏ, do áp lực thanh khoản cuối năm nên theo phản ánh đã xuất hiện tình trạng thỏa thuận lãi suất ngoài, với biên độ cộng thêm 1 - 2%/năm so với bảng lãi suất niêm yết. Hiện có ngân hàng chào mức lãi suất huy động 13,5%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, 12,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, gần gấp đôi so với cuối năm 2021.

cac-tctd-ky-vong-thanh-khoan-he-thong-tiep-tuc-duoc-cai-thien-trong-nam-2023-1674008749.jpg
Các TCTD kỳ vọng thanh khoản hệ thống tiếp tục được cải thiện trong năm 2023.

Các chuyên gia cho rằng, xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Mặt khác, quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.

Vì vậy, trong Báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới phát hành, các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất huy động tăng thêm ít nhất 100-150 điểm cơ bản (1%-1,5%) trong năm 2023. Thậm chí, chuyên gia còn nhận định có thể lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023.

Vì thế, VCBS dự báo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất vẫn còn. "Nhìn chung, lãi suất - chi phí đầu vào của nền kinh tế tăng là thông tin không tích cực với nền kinh tế. Cũng cần lưu ý thêm, xu hướng này cũng đã đang và sẽ được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác trên thế giới", Báo cáo nêu.

Điểm tích cực là việc NHNN đã đưa ra thông điệp về việc tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Theo đó, trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt trong nửa cuối năm.

Nhờ lãi suất huy động tăng giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái tốt hơn. Theo đó, từ đầu tháng 12/2022 đến nay, NHNN đã chuyển sang hút ròng trên thị trường mở với quy mô khoảng 75.500 tỷ đồng, đảo ngược xu hướng bơm ròng gần 72.000 tỷ đồng trong tháng 10 và 11. Việc rút ròng mạnh diễn ra vào tuần gần cuối năm khi thanh khoản hệ thống cho thấy sự cải thiện và đặc biệt là lãi suất liên ngân hàng giảm sâu.

Nhiều yếu tố hỗ trợ giúp thanh khoản tích cực

Sự ổn định của hệ thống, đảm bảo thanh khoản là một định hướng lớn trong chính sách tiền tệ năm 2023 của NHNN. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mới đây cho hay, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.

Bởi vậy, NHNN sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Các chuyên gia nhận định, xu hướng thanh khoản dồi dào tiếp tục được duy trì sang năm 2023 nhờ các yếu tố như: áp lực tỷ giá giảm bớt, NHNN có thể tận dụng cơ hội để tích trữ ngoại tệ, đồng thời cũng là một kênh hỗ trợ thanh khoản tiền đồng.

Bên cạnh đó, tín dụng tăng chậm hơn, huy động vốn tích cực hơn. Đồng thời, tăng trưởng cung tiền sẽ có sự phục hồi nhờ đầu tư công cải thiện và định hướng tiếp tục hỗ trợ thanh khoản từ nhà điều hành.

Ngoài ra, dù áp lực trái phiếu đáo hạn cho năm 2023 vẫn còn rất lớn, tuy nhiên sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn từ các thành viên thị trường so với năm 2022.

Về huy động vốn, kết quả khảo sát của TCTD cho biết, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,9% trong quý I/2023 và tăng 10% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,8 điểm % so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Nhờ đó, các TCTD kỳ vọng thanh khoản hệ thống tiếp tục được cải thiện so với năm 2022.

Bạn đang đọc bài viết "Thanh khoản ngân hàng sẽ cải thiện mạnh mẽ trong năm 2023" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).