Thanh lọc cơ thể, những điều cần biết

13/07/2022 17:29

Dù muốn hay không, trong quá trình sống cơ thể con người thường xuyên bị nhiễm các chất độc từ nhiều nguồn khác nhau và mức độ gây hại cũng không giống nhau tùy thuộc vào nguồn gốc, tính chất, mức độ của độc chất và những yếu tố mang tính cá nhân. Bởi vậy, việc thường xuyên phải tiến hành các biện pháp để thanh lọc cơ thể còn được gọi là detox (giải độc cơ thể) là hết sức cần thiết.

1. Nguồn gốc chất độc

Trước hết là chất độc xâm nhập từ bên ngoài cơ thể như độc chất của vi sinh vật gồm vi khuẩn, virus, kí sinh trùng, nấm (có chứa nội độc tố hoặc ngoại độc tố); các hóa chất từ môi trường, hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng, phụ gia thực phẩm; chất độc có tự nhiên trong thực phẩm như sắn độc, măng độc, nấm độc, khoai tây mọc mầm, đậu đỗ độc, cóc, cá nóc, bạch tuộc, một số loài nhuyễn thể; chất độc do thực phẩm bị hư hỏng biến chất dưới tác động của các yếu tố tự nhiên như ánh sáng, nhiệt độ, oxy... hoặc do cách chế biến chiên, rán, nướng làm tạo ra các acid amin dị vòng gây ung thư, chất bột xử lí ở nhiệt độ cao tạo Acrylamid và thịt hun khói, cá sấy, ướp muối tạo Nitrosamine gây bệnh lí ác tính hoặc trong quá trình bảo quản không bảo đảm yêu cầu vệ sinh, các chất dinh dưỡng bị các vi sinh vật, các men phân giải, tạo ra các chất độc.

Thứ đến là chất độc nội sinh do quá chuyển hóa, trao đổi chất như chuyển hóa đạm tạo thành NH+4, Homosteine, các hợp chất Amin...; chuyển hóa Glucide tạo thành các acid, Aldehyd, Alcol...; các quá trình chuyển hóa tạo thành các sản phẩm trung gian hoặc cuối cùng, phần lớn đều gây độc do cơ thể. Hoặc do sự lên men của các vi khuẩn đường ruột, tạo thành Indol, Skatol, Merkaptan, hợp chất Sulfur...; hoặc các dịch của cơ thể như dịch mật, dịch dạ dày, các acid, base... nói chung đều gây độc.

Cuối cùng là các chất độc vừa ngoại sinh vừa nội sinh như các gốc tự do (FR), các sản phẩm Glycosyl-hóa (AGE)

thanh-loc-co-the-1657707940.jpg
Ảnh: minh họa

2. Các con đường xâm nhập và tác hại của chất độc vào cơ thể

Chất độc xâm nhập vào cơ thể có thể qua con đường ngoại sinh như ăn uống, phổ biến nhất là ăn uống các thực phẩm ô nhiễm, thực phẩm chế biến, bảo quản, thực phẩm công nghiệp; hô hấp với việc hít thở phải không khí ô nhiễm; qua đường da do tiếp xúc mĩ phẩm, nước, quần áo... Hoặc xâm nhập qua con đường nội sinh do quá trình chuyển hóa trao đổi chất và quá trình lão hóa.

Khi vào cơ thể, các độc chất có thể gây nên nhiều tác hại như: Ngộ độc cấp tính bao gồm hội chứng cấp tính về tiêu hóa như đau bụng, nôn, ỉa chảy...; hội chứng cấp tính về thần kinh như co giật, hôn mê, tử vong... và các rối loạn tim mạch, hô hấp, suy thận, suy gan... Ngộ độc mạn tính như suy chức năng gan, thận; thiếu máu; suy nhược cơ thể, mệt mỏi, gầy yếu...; suy nhược thần kinh, đau đầu, chóng mặt...; xạm da, già hóa, phát mùi khó chịu...; đau mỏi xương khớp; quái thai, dị dạng... Những dấu hiệu quan trọng cảnh báo cần thải độc cơ thể như mệt mỏi không lí do, da bị kích ứng, xỉn màu, mắt sưng húp, đầy hơi, táo bón, thường xuyên quên, nhầm lẫn, dị ứng, rụng tóc, gầy sút...

3. Các cơ quan thải độc của cơ thể

Có 8 cơ quan quan trọng thải độc tự động trong cơ thể:

* Não: Mặc dù não không phải là cơ thể thải độc trực tiếp, nhưng nhân tố tinh thần ảnh hưởng đáng kể tới chức năng của các cơ quan thải độc, đặc biệt áp lực và căng thẳng có thể kìm hãm hoạt động của hệ thống thải độc, làm giảm hiệu suất loại bỏ các độc tố.

* Hệ thống bạch huyết: Hệ thống bạch huyết là hệ thống tuần hoàn thứ ba của cơ thể ngoài động mạch và tĩnh mạch, đảm nhiệm vai trò là “máy dò tìm” độc tố trong cơ thể. Dịch bạch huyết chảy khắp nơi trong cơ thể sẽ dò tìm độc tố tới hạch bạch huyết, độc tố sẽ từ hạch bạch huyết bị thấm vào máu, chuyển tới phổi, da, gan, thận và bị thải ra ngoài. Có thể nói, đây là hệ thống phòng vệ quan trọng trong cơ thể người, bao gồm bạch huyết (chất dịch trong suốt bao quanh các mô), mạch bạch huyết, mô bạch huyết, hạt/mấu bạch huyết, hạch bạch huyết, hạch họng, lá lách, và tuyến ức. Khác với da, hệ bạch huyết không tự thải độc được mà vận chuyển các chất độc tới gan và thận và bài tiết chất độc tại các cơ quan này. Để tăng cường khả năng giải độc cho hệ bạch huyết rất nên tập nhảy cao, chạy bộ. Sử dụng bàn chải để chà xát nhẹ nhàng ở những vùng da khô cũng giúp tăng cường sự dịch chuyển của lượng bạch huyết và là cách tẩy sạch chất độc.

* Mắt: Đối với phụ nữ, đặc biệt là những người hay khóc, tác dụng thải độc của mắt được phát huy rất hiệu quả. Các chuyên gia y tế cũng đã chứng minh, trong nước mắt thực sự có chứa một lượng lớn những chất độc hại không tốt cho sức khỏe.

* Phổi: Phổi là một trong những cơ quan dễ bị tổn thương nhất, do mỗi ngày cơ thể phải hít khoảng hơn 1.000 lít không khí vào phổi, nhiều loại chất độc hại như vi khuẩn, virus, bụi bẩn trôi nổi trong không khí cũng đi vào phổi. Đương nhiên, phổi cũng có thể loại bỏ một số kẻ xâm nhập và chất thải của sự trao đổi chất thông qua đường thở. Nên nhớ rằng, cơ thể chỉ có thể thải độc được CO2 và các chất độc dạng khí khác ra ngoài qua một con đường duy nhất là hệ hô hấp (qua phổi). Nếu độc tố không được thải qua phổi một cách triệt để thì sẽ dẫn tới các bệnh đường hô hấp. Bạn có thể tăng cường khả năng thải độc của phổi bằng cách: Tránh tiếp xúc với các loại khói độc, dung dịch hóa học; tập thể dục thường xuyên và tập hít thở sâu mỗi ngày.

* Gan: Gan là một trong những cơ quan giải độc lớn nhất của cơ thể, nó tiến hành xử lí thức ăn dựa vào enzyme thải độc P450, sẽ giúp chuyển hóa thức ăn thành những chất có lợi cho cơ thể, sau đó hấp thụ. Gan có chức năng chính là bài tiết enzyme, dịch mật để hỗ trợ quá trình tiêu hóa, khử các chất độc từ thận/ruột đổ về và đào thải chúng ra ngoài. Nếu muốn cơ thể được mạnh khỏe thì gan cần phải khỏe mạnh. Những người mắc các bệnh về gan, cơ thể của họ lúc nào cũng sẽ yếu ớt, mệt mỏi, thậm chí còn bị xuất huyết vì các chất độc tích tụ. Để giữ cho lá gan khỏe mạnh và không bị nhiễm độc, hãy ăn nhiều củ cải đường, cà chua, súp lơ, hành và bắp cải để cải thiện chức năng của gan. Một vài loại thảo dược như rễ cây bồ công anh, cây ngưu bàng, cây kế, trà xanh... có thể giúp gan hoạt động tốt hơn. (Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Thanh lọc cơ thể, những điều cần biết" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).