Chênh lệch giá trong gói thầu cao thể hiện sự bất thường

06/05/2022 16:28

GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng: “Con số chênh lệch giá sản phẩm tại gói thầu so với thị trường hàng tỷ đồng, tôi nghĩ là có vấn đề. Mà vấn đề nằm ở khâu nào cần có giải trình dứt khoát mới rõ được. Nếu chủ đầu tư im lặng, sự việc càng khiến dư luận nghi ngại”.

Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về luật đấu thầu, phóng viên nhận thấy, chênh lệch giá sản phẩm trong một gói thầu so với giá thị trường là điều có thể xảy ra. Bởi giá thiết bị cao hay thấp đôi khi còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các yếu tố: tính năng, công suất của hàng hóa, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, chi phí vận chuyển…

Công tác đấu thầu sẽ thực sự hiệu quả nếu sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chủ đầu tư với mức giá tốt nhất, tiết kiệm tối đa nguồn đầu tư công.

Thế nhưng, theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thì việc chênh lệch giá tại các gói thầu thời gian qua thường ở mức cao hơn giá thành sản phẩm ngoài thị trường, thậm chí có những gói thầu đội giá rất cao khiến nguy cơ thất thoát ngân sách Nhà nước là điều cần phải xem xét. Rất có thể xảy ra hiện tượng “thổi” giá trị sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, khoản tiền chênh lệch sẽ đi đâu, vào túi ai là điều cần làm rõ.

Sẽ thiếu căn cứ nếu chỉ nhìn vào mức giá cao mà suy luận, phán xét việc đội giá hay nâng khống giá trị gói thầu. Tuy nhiên nếu cùng một sản phẩm, cùng ký hiệu, xuất xứ, cùng hãng sản xuất, thậm chí là yêu cầu kỹ thuật giống hệt như chủ đầu tư đưa ra tại E-HSMT nhưng giá dự thầu được phê duyệt cao hơn rất nhiều lần so với giá thị trường thì rất đáng băn khoăn và cần được làm sáng tỏ lý do vì sao.

Chênh lệch giá gói thầu so với giá thị trường là một trong những dấu hiệu bất thường, đáng lưu ý như vậy.

Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật về dấu hiệu đội giá gói thầu, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng: “Khi đã có dư luận, dù là từ người dân hay các kênh thông tin truyền thông khác, tôi nghĩ cần có giải trình để minh bạch thông tin.

Câu chuyện đội giá thiết bị mua sắm trong các gói thầu đã xảy ra ở nhiều nơi. Do đó, nhu cầu thông tin minh bạch là cần thiết. Con số chênh lệch tới 3,2 tỷ đồng, tôi nghĩ là có vấn đề. Mà vấn đề nằm ở khâu nào, lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán, thẩm định giá gói thầu hay lựa chọn đơn vị trúng thầu… cần có giải trình dứt khoát mới rõ được. Nếu chủ đầu tư im lặng, sự việc càng khiến dư luận nghi ngại và trầm trọng hơn”.

Cũng theo ông Đào, không quá khó để minh bạch thông tin. “Nếu có chuyện gì thì mới không dám, còn nếu đã làm đúng quy trình, công khai, minh bạch thì không khó để công khai thông tin. Không chỉ camera mà còn nhiều mặt hàng khác ở nơi khác cũng từng xảy ra hiện tượng đội giá, nâng khống giá, bởi vậy cần tránh chứ không nên đi vào vết xe đổ đó. Từ những cái nhỏ cũng cần rõ ràng, vì còn có thể có những cái giá trị lớn hơn nữa thì sao”, GS.Đào nêu quan điểm.

Từng trao đổi với phóng viên về vấn đề đấu thầu mua sắm, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhìn nhận: “Thời gian qua, công tác đấu thầu trong các lĩnh vực đầu tư công xảy ra nhiều sai phạm. Cơ quan thanh tra, điều tra phát hiện và đã xử lý với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhiều người đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...

Bởi vậy, với những gói thầu có dư luận phản ánh, có dấu hiệu bất minh thì cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.

“Trường hợp quá trình thanh tra, kiểm tra các gói thầu có dấu hiệu vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể khởi tố vụ án hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường nói thêm.

Còn theo ý kiến của luật sư Nguyễn Cao Đạt, Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự: “Quy trình, thủ tục đấu thầu theo luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu.

Đặc biệt, vấn đề thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập; có những kẽ hở đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn..., từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu”.

Trở lại với gói thầu Triển khai lắp đặt thí điểm camera an ninh trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, thiết nghĩ với những dấu hiệu về chênh lệch giá sản phẩm như đã nói ở trên thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan, kịp thời ngăn chặn nếu có những nguy cơ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

Bạn đang đọc bài viết "Chênh lệch giá trong gói thầu cao thể hiện sự bất thường" tại chuyên mục Đấu Thầu. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).