Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm tại dự án Siêu thị Co.op Mart Kon Tum

16/11/2022 17:20

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án đầu tư xây dựng Siêu thị Co.op Mart Kon Tum, do Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM làm chủ đầu tư, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Thông tin trên được Thanh tra Chính phủ đề cập tại văn bản số 1919TB-TTCP ban hành ngày 28/10/2022 về việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, đầu tư xây dựng; thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật vê quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đáng chú ý, tại văn bản này, Thanh tra Chính phủ cho biết, dự án đầu tư xây dựng siêu thị Co.op Mart Kon Tum, do Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM làm chủ đầu tư là dự án đầu tư sử dụng khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, do đó cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt của tỉnh. Thế nhưng, tỉnh không thực hiện, đồng nghĩa với việc làm trái với Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tham mưu phương án đấu giá quyền thuê đất, mà không sắp xếp, xử lý tài sản công. Điều này dẫn đến việc làm không đúng với quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.

nhieu-sai-pham-ve-viec-cho-thue-dat-khong-qua-dau-thau-gay-that-thoat-tai-san-cong-tai-du-an-sieu-thi-coop-mart-kon-tum-1668590215.jpgThanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm về việc cho thuê đất không qua đầu thầu, gây thất thoát tài sản công tại dự án Siêu thị Co.op Mart Kon Tum

Thực tế, khu đất nói trên là một thửa đất liền thửa, nhưng được tách làm 2 phần cho thuê 2 lần. Trong khi chưa có quyết định đơn giá đất cụ thể cho phần diện tích lần đầu (hơn 5.400 m2), thì ngày 2/8/2017, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 2076/UBND-HTKT thống nhất cho thuê thêm phần còn lại với diện tích hơn 3.200 m2, nhưng không chỉ đạo xác định giá đất cụ thể cho toàn bộ thửa đất, làm tăng chi phí xác định giá đất cụ thể thành 2 lần, dẫn đến có thể chưa xác định hết giá trị lợi thế thương mại của thửa đất vốn dĩ có 3 mặt tiền.

Riêng đối với phần diện tích hơn 3.200 m2, UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể khi chứng thư thẩm định giá đất đã hết hiệu lực là vi phạm Luật Giá số 11/2012/QH13 và Tiêu chuẩn thẩm định giá số 06 kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính.

Thanh tra Chính phủ còn cho biết, khi dự án chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư, chưa nộp tiền thuê đất nhưng Sở Kế hoạch - Đầu tư không đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hợp đồng mà có Văn bản số 2752 ngày 26/12/2019 với nội dung "đề xuất triển khai hoạt động kinh doanh trên phần diện tích khu đất vui chơi trẻ em, công viên cây xanh" là đề xuất sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai 2013.

Chưa hết, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản 1009 ngày 27/4/2020 gửi Cục thuế tỉnh đề nghị tính tiền thuế đất theo Quyết định số 670 ngày 1/7/2019 của UBND tỉnh khi chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh là vượt thẩm quyền.

"Kiểm tra hiện trạng thấy, chủ đầu tư đã lát nền bê tông toàn bộ, làm bãi để ô tô không có mái che, xây dựng nhà xe để xe có mái che và dãy ki ốt cho thuê mặt góc đường Lê Hồng Phong - Bà Triệu, nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý là thiếu trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất và trật tự xây dựng", Thanh tra Chính phủ nhận định.

Đồng thời, việc cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính của dự án này là thiếu trách nhiệm, có nguy cơ làm thất thu ngân sách, đã để doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuê đất phải nộp trong khoảng 15 tháng, với số tiền là 68.326,321 triệu đồng, cần phải xử lý kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc.

Theo giải trình của UBND tỉnh, năm 2015, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Kon Tum ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, lĩnh vực siêu thị thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư và người dân có nhu cầu nên khi Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM đề xuất đầu tư, Thường trực Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đã tạo mọi điều kiện để Chủ đầu tư thực hiện Dự án với lĩnh vực mà địa phương đang cần. Tỉnh không sắp xếp, xử lý tài sản công nhưng đã tổ chức xác định giá trị còn lại đảm bảo theo quy định, nhà đầu tư đã bồi thường tài sản trên đất trước khi xây dựng.

Xét thực tế dự án siêu thị Co.op Mart Kon Tum đã đi vào hoạt động nên Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh rà soát lại việc thực hiện dự án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo lại giá đất, tiền phạt chậm nộp, theo thẩm quyền, yêu cầu chủ đầu tư nộp đúng, nộp đủ tiền thuê đất đối với diện tích gần 8.700 m2 được thuê để thực hiện dự án, không làm thất thu ngân sách nhà nước; xử lý theo quy định những vấn đề phát sinh do không sắp xếp xử lý nhà đất công và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.

Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, trường hợp vi phạm không thể khắc phục, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết "Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm tại dự án Siêu thị Co.op Mart Kon Tum" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).