Thế giới trước nguy cơ nghèo đói và di cư trên "quy mô chưa từng có"

08/07/2022 13:58

Theo Báo cáo của LHQ, trong năm 2021 có tới 828 triệu người (gần 10% dân số thế giới) thiếu ăn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp số người nghèo đói trên thế giới gia tăng.

Theo báo cáo về an ninh lương thực và dinh dưỡng của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 6/7, năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp số người nghèo đói trên thế giới gia tăng do đại dịch Covid-19, trong khi cuộc xung đột ở Ukraine và biến đổi khí hậu đang đe dọa gây ra tình trạng nghèo đói và di cư ồ ạt trên "quy mô chưa từng có" trong năm nay.

Báo cáo trên được thực hiện bởi các tổ chức của Liên hợp quốc gồm: Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Báo cáo nêu rõ, trong năm 2021, có tới 828 triệu người (hay gần 10% dân số thế giới) bị thiếu ăn, tăng 46 triệu người so với năm 2020 và tăng 150 triệu người so với năm 2019. Tỉ lệ dân số trong cảnh thiếu ăn vẫn không được cải thiện nhiều từ năm 2015 đến năm 2019.

Giám đốc điều hành WFP David Beasley cho rằng đây là mối đe dọa thực sự và “những con số này sẽ còn tăng cao hơn trong những tháng tới".

Ông Beasley nhận định, giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng cao do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ đẩy nhiều nước lâm vào nạn đói, gây bất ổn trên toàn cầu, cũng như nạn đói và di cư ồ ạt trên quy mô chưa từng có. Ông kêu gọi các nước phải hành động ngay để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa này.

Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng từng đưa ra cảnh báo xung đột Nga - Ukraine gây ảnh hưởng đến 1,6 tỷ người và có thể "dẫn đến làn sóng đói nghèo cùng cực chưa từng có".

"Ảnh hưởng của cuộc xung đột lên an ninh lương thực, năng lượng và tài chính là tác động mang tính hệ thống, nghiêm trọng và đang tăng tốc", ông Antonio Guterres nhấn mạnh.

Ông nói rằng xung đột có thể dẫn đến một làn sóng đói nghèo cùng cực chưa từng có, để lại hậu quả hỗn loạn về kinh tế xã hội. "Chỉ có một cách để ngăn chặn cơn bão đang hình thành này, đó là chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine", ông Guterres kêu gọi.

Báo cáo của LHQ ước tính 94 quốc gia, nơi 1,6 tỷ người sinh sống, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ít nhất một khía cạnh của cuộc khủng hoảng và không đủ sức đương đầu. "Trong số này, 1,2 tỷ người sống ở những quốc gia đang đối mặt với khó khăn chồng chất, đặc biệt dễ bị tổn thương nghiêm trọng trước các vấn đề tài chính, lương thực và năng lượng", báo cáo nêu.

Báo cáo cũng chỉ ra cuộc xung đột có thể làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực, từ khoảng 47 triệu người bị ảnh hưởng hiện nay lên 323 triệu cuối năm nay. Tài liệu nói thêm, khoảng 58 triệu người châu Phi nữa có thể rơi vào cảnh đói nghèo trong năm nay. Tình trạng đói nghèo cùng cực ở Trung Đông và Bắc Phi có thể tăng lên 2,8 triệu người năm 2022, còn 500 triệu người Đông Nam Á đang đối mặt nguy cơ này.

Bạn đang đọc bài viết "Thế giới trước nguy cơ nghèo đói và di cư trên "quy mô chưa từng có"" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).