Cổ phiếu ngân hàng gánh không nổi, VN-Index mất hơn 14 điểm: Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay (5/7), VN-Index đóng cửa ở mốc 1181,49 điểm, giảm mạnh 14,24 điểm (-1,19%) so với phiên trước đó, khối lượng giao dịch được cải thiện phần nào khi dừng chân ở mức gần 14 nghìn tỷ đồng. Sắc đỏ là màu chủ đạo của thị trường ngày hôm nay khi có tới 347 mã giảm điểm, gấp gần ba lần so với mã tăng điểm khi con số chỉ là 120 mã, còn lại là 48 mã tham chiếu.
VN30 tưởng chừng sẽ ngược dòng với thị trường chung khi sự tích cực xuyên suốt phiên, nhưng với áp lực bán mạnh ở những phút cuối khiến điều đó không thể xảy ra. VN30 hôm nay đóng cửa giảm 6,32 điểm (-0,51%), giao dịch với khối lượng hơn 5 nghìn tỷ đồng, với 20/30 mã giảm điểm, đáng chú ý trong đó có thể kể tới như MSN (-5,29%), GAS (-5,16%) hay PNJ (-4,20%). Ở chiều hướng ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể coi là điểm sáng lẻ loi và duy nhất khi VN30 có 10/30 mã tăng điểm thì đều thuộc nhóm này. Một số cái tên nổi bật được nhiều nhà đầu tư quan tâm như TCB (+3,85%), BID (+3,57%), MBB (+3,46%) hay STB (+3,13%). VCB (-0,13%) là cổ phiếu duy nhất giảm điểm của nhóm ngân hàng trong phiên hôm nay.
Tự doanh tiếp tục mua ròng mạnh DGC: Tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 158 tỷ đồng trong phiên 04/07. Trong đó FPT và DGC là hai mã được mua ròng mạnh. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp DGC được mua ròng mạnh. Ngược lại, VCB và PVT bị bán ròng mạnh.
Khối ngoại bán ròng gần 317 tỷ đồng phiên 5/7: Thị trường có phiên lao mạnh cuối phiên với đà giảm từ các mã bluechip như GAS, MSN, VNM…,mà một trong những tác nhân khiến nhóm này giảm mạnh là do lực cung từ khối ngoại. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 5/7, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,56 triệu đơn vị, tăng 50% so với phiên trước đó. Tổng giá trị bán ròng tương ứng là 316,95 tỷ đồng, tăng 79,7% so với phiên trước đó.
Cổ phiếu TEC sắp hủy đăng ký chứng khoán trên UPCoM: Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo về việc hủy đăng ký chứng khoán đối với hơn 1,66 triệu cổ phiếu TEC của CTCP Traenco do doanh nghiệp này hủy tư cách công ty đại chúng. Ngày có hiệu lực hủy đăng ký chính thức là 18/7/2022; ngày VSD thực hiện chốt danh sách người sở hữu chứng khoán TEC để hủy đăng ký là 12/7/2022. CTCP Traenco tiền thân là Công ty Xây dựng và Thương mại - Bộ Giao thông vận tải được chuyển đổi theo quyết định số 2670/QĐ-BGTVT ngày 5/8/2005 và Quyết định số 35/QĐ-BGTVT ngày 5/1/2006 về việc đổi tên CTCP Xây dựng và Thương mại thành CTCP Xây dựng và Thương mại GTVT và Quyết định số 679 ngày 20/3/2006 về việc đổi tên CTCP Xây dựng và Thương mại GTVT thành CTCP Traenco.
FLC, ROS cùng HAI sẽ vào diện cảnh báo từ ngày 11/7: Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu của CTCP Tập đoàn FLC (FLC); CTCP Nông dược H.A.I (HAI) và CTCP Xây dựng FLC FAROS (ROS). Căn cứ theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 Quyết định số 17/2022/ QĐ-HĐTV Về việc ban hành quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết, HOSE đưa cổ phiếu FLC, HAI và cổ phiếu ROS vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/7/2022 do đã quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2021nhưng tới nay 3 doanh nghiệp này chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
55 mã chứng khoán bị cắt margin trong quý 3/2022: Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa công bố danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 3/2022. Cụ thể như sau: 19 mã cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo: AAM, CIG, DLG, DXV, FLC, HAI, HNG, NVT, OCG, PIT, RDP, ROS, SCD, SMA, TCR, TNI, TTF, VAF, VOS. 20 thuộc diện bị kiểm soát: AST, HAG, HOT, HU1, HU3, HVN, JVC, LCM, MCG, PMG, PTC, PTL, QBS, SII, SJD, TDH, TGG, UDC, VFG, VNS. 7 mã thuộc diện thời gian niêm yết dưới 6 tháng: APC, CTR, EVF, FUEKIV30, GMH, HHV, PGV. 6 mã có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên BCTC kiểm toán hoặc hợp nhất kiểm toán năm 2021 là số âm: APC, CII, CTI, PNC, SKG, VIC. 2 mã chậm công bố thông tin BCTC kiểm toán 2021 quá 5 ngày làm việc kể từ khi hết hạn công bố: POM, VMD. Riêng mã FIR thuộc trường hợp chưa đủ thời gian 6 tháng đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
SIP sắp trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%: CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) thông báo 14/07 là ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức còn lại năm 2021 và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022. Tỷ lệ thực hiện đạt 20% (trong đó cổ tức còn lại năm 2021 là 10% và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 là 10%). Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 2.000 đồng. Với gần 93 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp cần chi gần 186 tỷ đồng để thực hiện. Ngày thanh toán dự kiến vào 22/07. Giao dịch không hưởng quyền ngày 13/07. Cổ đông SIP đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 là 20%, thấp hơn so với 28% của 2021. Năm nay, Công ty dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 668 tỷ đồng, tăng trưởng 29%. Cổ phiếu SIP đang được giao dịch quanh 103.100 đồng/cp (kết phiên 05/07), giảm 10% qua 1 tháng.