Thị trường chứng khoán Việt Nam: Thận trọng nhưng không quá bi quan

08/10/2022 15:30

Thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh, bởi tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng trước những biến động tiêu cực từ thị trường quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được hậu thuẫn tích cực từ yếu tố vĩ mô, đặc biệt là nền giá rất hấp dẫn hiện nay.

Liệu thị trường đã phản ánh hết những rủi ro?

Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua tháng 9 với diễn biến kém tích cực, do lãi suất tăng và áp lực giảm giá VND ngày càng lớn. Chỉ số VN-Index giảm mạnh -11,6% trong tháng 9 và -24,4% từ đầu năm xuống 1.132,1 điểm, mức thấp nhất trong 20 tháng. Trong tháng 9/2022, giá trị giao dịch trung bình của 3 sàn giảm -14% so với tháng trước và -40,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng 3.641 tỷ đồng trong tháng 9/2022.

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, chi phí nợ vay tăng và nhu cầu toàn cầu giảm có thể làm giảm triển vọng lợi nhuận của các công ty có đòn bẩy tài chính cao trong những quý tới. “Chúng tôi vẫn duy trì dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng trưởng 23% so với cùng kỳ trong 2022, nhưng dự kiến hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2023, sau khi kết quả kinh doanh quý III/2022 được công bố” - ông Đinh Quang Hinh cho hay.

Mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu đã về mức hấp dẫn. Ảnh: Duy Dũng

Mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu đã về mức hấp dẫn. Ảnh: Duy Dũng

Trả lời cho câu hỏi “liệu thị trường đã phản ánh hết những rủi ro?”, chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, tại ngày 30/9, VN-Index giao dịch ở mức P/E TTM là 12,2 lần, chiết khấu 31% từ đỉnh và thấp hơn mức P/E trung bình là 16 lần trong giai đoạn 2017 - 2019 khi lãi suất huy động cao hơn mức hiện nay.

“Chúng tôi cho rằng VN-Index đang cung cấp biên an toàn về định giá. Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ trong năm 2022, ước tính tỷ suất lợi nhuận trên giá của VN-Index là khoảng 9,3%. Cùng với tỷ suất cổ tức 1,7%, lợi suất thu nhập thị trường ước tính khoảng 11%, vẫn ở mức hấp dẫn so với lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại (bình quân ở mức 6,4 - 6,5% vào cuối năm 2022)” - ông Đinh Quang Hinh phân tích.

Ngắn hạn còn chịu áp lực rủi ro, nhưng không quá bi quan

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chịu áp lực rất lớn từ biến động của thị trường quốc tế trước tác động của lãi suất và lạm phát tăng cao. Do vậy, bối cảnh thị trường trong nước hiện nay đang rất khó dự báo ngắn hạn bởi rủi ro vẫn hiện hữu. Sự thận trọng của nhà đầu tư cũng dễ hiểu khi tâm lý chờ đợi vẫn là chủ đạo, khiến dòng tiền chưa đủ lực bắt đáy.

Tuy nhiên, “nếu nhìn mức định giá của thị trường trong nước và các yếu tố kinh tế vĩ mô thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được nhìn nhận ở độ khả quan trong trung, dài hạn. Thị trường chứng khoán cần thêm thời gian để tìm điểm cân bằng mới. Do vậy, nhà đầu tư có thể thận trọng trong ngắn hạn nhưng không nên bi quan trong trung, dài hạn. Về cơ bản, thông tin tiêu cực đã được chiết khấu khá nhiều về giá, nên khi tìm được điểm cân bằng thị trường sẽ có nhịp hồi dài hơn hơn” - ông Đỗ Bảo Ngọc nói.

Nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy

“Chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.050 - 1.180 điểm trong tháng 10. Tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nên duy trì ở mức vừa phải, chiếm khoảng 50 - 70% danh mục. Đặc biệt, nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) trong thời điểm hiện tại để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần quan sát rủi ro giảm đối với thị trường, bao gồm: Lạm phát tại Mỹ giảm chậm hơn so với dự kiến. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Đồng USD tiếp tục mạnh lên, gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, lãi suất và dòng vốn đầu tư nước ngoài” – ông Đinh Quang Hinh.

Còn theo ông Đinh Quang Hinh thì duy trì sự thận trọng tháng 10 trước những biến động ngắn hạn của thị trường. Tuy nhiên, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sẽ bắt đầu vào đầu tháng 10 và tin tốt thường được công bố trước. “Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh tại các ngành du lịch và giải trí, ô tô, bán lẻ và thực phẩm đồ uống so với mức nền thấp trong năm ngoái. Thị trường cũng chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào ngày 13/10. Do thiếu vắng thông tin hỗ trợ mạnh, chúng tôi dự báo chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 1.050 - 1.180 điểm trong tháng 10” - chuyên gia của VNDIRECT cho hay.

Ông Đinh Quang Hinh cũng khuyến nghị, lãi suất có thể tiếp tục tăng trong những quý tới. Do đó, các nhà đầu tư nên duy trì sự thận trọng và cân nhắc dịch chuyển chiến lược đầu tư sang nắm giữ cổ phiếu giá trị và chi trả cổ tức cao. “Chúng tôi cho rằng, các cổ phiếu duy trì trạng thái tiền mặt ròng nhưng được giao dịch dưới giá trị sổ sách có thể mang đến biên độ an toàn tốt hơn” - ông Hinh cho hay.

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Thận trọng nhưng không quá bi quan" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).