Song đà tăng này không bền vững, đến đầu tháng 5, giá thép xây dựng lại lao dốc 7 đợt liên tiếp, xuống còn khoảng 16 – 17 triệu đồng/tấn tùy loại và thương hiệu.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng giá thép sẽ tiếp tục giảm trong tháng 7, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III. Cũng nói về triển vọng ngành thép quý II, III, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã dùng hai từ "thê thảm".
"Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm. Đó là vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022", ông Long nói.
Có nhiều nguyên nhân để chuyên gia và chủ doanh nghiệp đưa ra nhận định kém sáng về triển vọng ngành thép nửa cuối năm 2022. Theo đó, chủ tịch VSA đã chỉ ra 5 quả tạ khiến giá thép xây dựng quay đầu giảm nhanh và mạnh như vậy.
Trong đó có yếu tố giải ngân đầu tư công chậm cũng khiến nhu cầu thép trong nước giảm, ảnh hưởng đến tiêu thụ. Cụ thể trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ của Chính phủ, đầu tư cho cơ sở hạ tầng gần 39% với 134.000 tỷ đồng nhưng hạng mục này chưa được giải ngân.
Ngoài yếu tố đầu tư công, Chủ tịch VSA cho rằng thời gian qua việc ngân hàng siết chặt tín dụng với bất động sản khiến ngành xây dựng chững lại, tác động gián tiếp đến bán hàng thép xây dựng trong nước.
Điển hình như trong tháng 4, bán hàng thép xây dựng lao dốc xuống còn 884 nghìn tấn, giảm 39% so với tháng 3 và giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng tồn kho cao trong khi nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng thấp buộc các doanh nghiệp buộc phải hạ giá sản phẩm.
Mặt khác, giá nguyên liệu thép giảm cũng đóng vai trò lớn trong việc hạ nhiệt giá thép trong nước. Theo số liệu của VSA, tính đến ngày 1/6 giá phôi thép vuông tại cảng Đông Á dao động 650 USD/tấn CFR, giảm gần 100 USD/tấn so với cuối tháng 4. Tương tự, giá thép phế cũng giảm 75 USD/tấn, xuống còn 495 USD/tấn.
Trái ngược với không khí trầm lắng của thị trường trong nước, xuất khẩu thép xây dựng có phần sôi động hơn.
Riêng trong tháng 5, xuất khẩu thép xây dựng đạt gần 260 nghìn tấn, tăng mạnh 49% so với tháng trước và tăng 61% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng, xuất khẩu thép xây dựng đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 65%.
Điển hình như Hòa Phát, trong tháng 5, xuất khẩu thép xây dựng đạt 167.000 tấn, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ và chiếm 42,5% tổng lượng tiêu thụ thép, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tập đoàn.
Lũy kế 5 tháng, xuất khẩu thép xây dựng của Hòa Phát đạt 631.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và chiếm 31,5% tổng lượng bán hàng thép xây dựng.
Khi thị trường trong nước chững lại, xuất khẩu được coi là giải pháp cứu cánh cho các doanh nghiệp nhằm giảm áp lực hàng tồn kho. Tuy nhiên, về lâu dài, chủ tịch Trần Đình Long cho biết doanh nghiệp này sẽ chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước và giảm tỷ trọng xuất khẩu.
Chủ tịch VSA nhận định 2021 là năm thắng lớn của doanh nghiệp ngành thép. Nhiều doanh nghiệp khá lạc quan và đặt mục tiêu kết quả kinh doanh năm 2022 có phần "hơi quá đà". Tuy nhiên, không ai lường trước được xung đột Nga – Ukraine xảy ra khiến giá dầu, nguyên liệu thép phi mã.
"Chính những yếu tố không báo trước này sẽ khiến thị trường thép nửa cuối năm thêm khó khăn. Dù đã hạ nhiệt, giá nguyên liệu vẫn ở mức cao trong khi giá bán sản phẩm giảm, điều sẽ khiến biên lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp không còn tốt như trước", ông Đa nói.