Thời tiết bất thường ở nhiều nơi

25/11/2022 16:00

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo khả năng xuất hiện 1-2 xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng đất liền khu vực phía Nam trong tháng 11-2022; từ nay đến tháng 2-2023, dự báo có 1-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng nước ta

Tuy đã ở thời điểm đầu tháng 11 âm lịch và vào tiết lập đông được hơn 2 tuần nhưng nền nhiệt tại các tỉnh, thành miền Bắc vẫn khá cao, nhiệt độ trung bình trong ngày thấp nhất khoảng 20-25 độ C, cao nhất có nơi trên 30 độ C, thời tiết oi bức. Điều này khá bất thường bởi sau tiết lập đông, nhiệt độ tại khu vực phía Bắc thường giảm rất mạnh.

Nóng bất thường giữa mùa đông

Lý giải hiện tượng thời tiết nóng bất thường giữa mùa đông, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho hay nhiều năm nay, mùa đông có xu hướng ấm dần lên. Số liệu thống kê cho thấy nhiệt độ trung bình hiện nay đã cao hơn năm 1958 khoảng 0,89 độ C; nhiệt độ tất cả những tháng mùa đông trong một số năm gần đây đều có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Trong tương lai, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng khoảng 1 độ C.

"Theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường tính toán, khoảng giữa thế kỷ XXI, nhiệt độ cả nước sẽ tăng 1,2-1,6 độ C. Theo đó, mùa đông ngày càng ấm lên, ít rét đậm, rét hại. Mặc dù vậy, vẫn có hiện tượng thời tiết cực đoan rét đậm, rét hại và hoàn toàn có khả năng xảy ra mưa tuyết trong tương lai" - ông Hưởng cho biết.

Một nguyên nhân khác khiến khoảng 10 năm trở lại đây mùa đông đến muộn và ấm hơn là do tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, 2016 được xem là năm ấm nhất với nền nhiệt mùa đông cao hơn 2,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Các năm 2018, 2019, 2020 nằm trong danh sách 5 năm có mùa đông ấm nhất giai đoạn 1986-2020. Số ngày rét đậm với nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C và số ngày rét hại với nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C giảm rõ rệt. Trung bình số đợt không khí lạnh từ Siberia tràn xuống Việt Nam trong 10 năm gần đây là 25, riêng năm 2019 là 17 đợt, thấp đáng kể so với mức trung bình 29-30 đợt trong giai đoạn 60 năm trước. "Đợt rét đậm đầu tiên năm nay có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12; các ngày rét đậm, rét hại tập trung trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2-2023. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng La Nina, hiện tượng này hiếm gặp bởi La Nina thường có chu kỳ 2 năm" - ông Hưởng thông tin thêm.

Từ nay đến tháng 2-2023, dự báo khu vực Nam Bộ xuất hiện 6 đợt triều cường có khả năng gây ngập lụt ở vùng trũng. Ảnh: LÊ VĨNH

Từ nay đến tháng 2-2023, dự báo khu vực Nam Bộ xuất hiện 6 đợt triều cường có khả năng gây ngập lụt ở vùng trũng. Ảnh: LÊ VĨNH

TP HCM vào đợt triều cường cao

Tại TP HCM, những ngày qua nhiều khu vực thường xuyên có mưa, nhất là vào chiều tối. Mưa diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, lượng mưa không quá lớn nhưng lặp lại nhiều lần.

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho hay những ngày gần đây, đài ghi nhận một số điểm có mưa to như huyện Củ Chi, Bình Chánh, TP Thủ Đức. Theo ông Quyết, TP HCM vẫn đang trong mùa mưa nên đợt mưa trong những ngày qua là bình thường. Nguyên nhân chủ yếu do có rãnh áp thấp nằm ngay trên khu vực Nam Bộ, trên rãnh áp thấp này tồn tại một vùng xoáy thấp cũng ngay trên khu vực Nam Bộ tạo hội tụ ẩm và gây mưa. Dự báo từ ngày 24-11, đợt mưa này có xu hướng giảm và kết thúc trong khoảng 2 ngày tiếp theo.

Tuy nhiên, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định có một vùng xoáy khả năng sẽ mạnh lên thành bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Nam, gây mưa cho khu vực Nam Bộ, trong đó có TP HCM vào những ngày đầu của tháng 12.

Ngoài ra, TP HCM đang bước vào đợt triều cường đầu tháng 11 âm lịch nên mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ tiếp tục lên nhanh trong các ngày 25, 26 và 27-11. Đỉnh triều dự kiến vào ngày 25 và 26-11 (tức ngày 2 và 3-11 âm lịch). Dự báo mực nước đo được tại trạm Phú An và Nhà Bè ở mức 1,65-1,7 m, vượt báo động III khoảng 0,05-0,1 m; thời gian xuất hiện đỉnh triều khoảng 4-6 giờ và 16-18 giờ. Đáng chú ý, đây là kỳ triều cường lên cao với mức độ rủi ro thiên tai ở khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai là cấp độ 2, cần đề phòng ngập úng ở vùng trũng thấp và ven sông.

Từ nửa cuối tháng 11-2022 đến tháng 2-2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường và có thể khiến độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu ở mức trên 4,15 m. Nếu triều cường trùng với thời kỳ gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt tại những vùng trũng, thấp ở ven biển và cửa sông ven biển Nam Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ ngày 21-11 đến 21-12, tổng lượng mưa trên cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, tổng lượng mưa ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm 10-100 mm; riêng Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 100-150 mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo trong giai đoạn này có khả năng xuất hiện 1-2 xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực biển Đông, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực phía Nam nước ta. Từ nay đến tháng 2-2023, dự báo trên khu vực biển Đông có 1-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Không ngoại trừ khả năng tháng 1-2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam biển Đông.

Bạn đang đọc bài viết "Thời tiết bất thường ở nhiều nơi" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).